Kéo dài thời gian thí điểm xác thực sinh trắc học khi làm thủ tục lên máy bay
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tiếp tục thí điểm ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc học cho hành khách khi làm thủ tục đi tàu bay.
Cần thêm thời gian để đánh giá toàn diện phương án triển khai xác thực sinh trắc học
Vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam tổ chức cuộc họp trao đổi các vấn đề về quy định của pháp luật khi ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc học trong làm thủ tục đi tàu bay của hành khách.
Từ đầu tháng 2/2023, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đã triển khai thí điểm 1 làn riêng dành cho hành khách đi tàu bay nội địa có sử dụng thẻ căn cước công dân điện tử. Đồng thời sử dụng thiết bị camera chụp hình, nhận diện khuôn mặt để đối sánh thông tin và đọc dữ liệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử với thông tin hành khách.
Theo kế hoạch, đến hết Quý I/2023 sẽ kết thúc thí điểm triển khai xác thực sinh trắc học khi công dân làm thủ tục đi tàu bay và tổng kết sơ bộ kết quả thí điểm, đề xuất phương án giải quyết. Đầu Quý II/2023, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị trao đổi, thống nhất yêu cầu/quy định, định hướng khi triển khai xác thực sinh trắc học khi công dân làm thủ tục đi tàu bay.
Tuy nhiên, sau một thời gian thí điểm tại Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, Cục Hàng không Việt Nam nhận thấy toàn trình chưa thể hiện rõ ưu điểm, hạn chế của các phương án áp dụng. Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho phép thêm thời gian thí điểm, rút kinh nghiệm để xây dựng những phương án áp dụng xác thực sinh trắc học tiên tiến, phù hợp, hiệu quả nhất.
Việc áp dụng ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc học trong làm thủ tục đi tàu bay đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật nói chung và luật chuyên ngành hàng không dân dụng nói riêng.
Giảm bớt số lượng giấy tờ nhân thân khi đi tàu bay
Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về giấy tờ đi tàu bay và thông tin hành khách, trước mắt theo hướng đưa tài khoản định danh điện tử (mức độ 2) vào danh mục được chấp nhận thay thế giấy tờ nhân thân sử dụng đi tàu bay; giảm bớt số lượng giấy tờ đi tàu bay đối với những loại giấy tờ mà cơ quan quản lý các loại giấy tờ đó đã có quy định giới hạn mục đích sử dụng.
Đồng thời khuyến khích hành khách sử dụng các loại giấy tờ tích hợp trong hệ thống tài khoản định danh và xác thực điện tử hoặc hệ thống dữ liệu căn cước công dân, hộ chiếu; quy định rõ hơn về việc thu thập, quản lý, sử dụng thông tin hành khách khi hành khách làm thủ tục đi tàu bay.
Trước đó, vào tháng 10/2022, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị hàng không và Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư - Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an về chủ trương ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử đối với hành khách trên một số chuyến bay nội địa trong vòng 6 tháng trước khi đưa ra quyết định ứng dụng chính thức.
Hệ thống nhận diện khuôn mặt trong kiểm tra an ninh hàng không được thí điểm tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi là phần mềm VeriPAX do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) phát triển.
Tại điểm kiểm tra an ninh hàng không, thiết bị đọc thẻ căn cước công dân điện tử và camera chuyên dụng được lắp đặt để đối sánh khuôn mặt của hành khách với thông tin có sẵn trong thẻ căn cước công dân.
Phần mềm sẽ hiển thị đầy đủ các thông tin đọc được từ thẻ căn cước công dân, thông tin về hành trình, có kết nối với danh sách hành khách đã làm thủ tục hàng không để đối sánh thẻ lên tàu với lộ trình bay của hành khách.
Bên cạnh đó, VeriPAX kết nối với cơ sở dữ liệu về danh sách cấm bay của Cục hàng không Việt Nam để có thể nhanh chóng nhận diện hành khách có nằm trong “danh sách đen” này hay không.
VeriPAX còn có tính năng cảnh báo cho người sử dụng trong trường hợp hành khách cần kiểm tra trực quan hành lý ký gửi; kiểm soát hành khách sử dụng các loại giấy tờ tùy thân khác, không sử dụng thẻ căn cước công dân điện tử.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/keo-dai-thoi-gian-thi-diem-xac-thuc-sinh-trac-hoc-khi-lam-thu-tuc-len-may-bay-179230324103936576.htm