Ino Mayu - Nông nghiệp sạch cho Việt Nam
"Tôi muốn giới trẻ Việt Nam biết rằng bây giờ và sau này, nông nghiệp sạch cho đất nước Việt Nam sẽ còn tồn tại và phát triển mãi mãi. Họ có thể nối tiếp thế hệ cha ông mình làm nông nghiệp hữu cơ" - Ino Mayu, người sáng lập dự án Seed to Tables chia sẻ.
Ino Mayu, người sáng lập dự án Seed to Tables, một tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản về lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Nếu không được giới thiệu, không ai biết chị là người Nhật, tưởng đó là một phụ nữ miền Tây Nam Bộ, một nông dân chính hiệu.
Chị Mayu gây ấn tượng với tôi bằng phong cách nói chuyện hài hước đậm chất nông dân miền Tây và tất nhiên, chị nói bằng tiếng Việt. Sau những câu chuyện "trên trời dưới đất" về nông dân, về những món ăn Việt mà Mayu yêu thích, chị bắt đầu nói về cơ duyên của mình đối với Việt Nam.
Chị bảo, mình ra và lớn lên tại thủ đô Tokyo nhộn nhịp của đất nước mặt trời mọc Nhật Bản, nên xét về mọi khía cạnh, chị "là dân thành thị chính hiệu". Thế nhưng, đến tận bây giờ, chị cũng không hiểu vì sao mình lại gắn bó với người nông dân, mà người nông dân ở một đất nước cách xa quê hương mình hàng nghìn cây số đến như vậy.
Mayu lần đầu đặt chân đến Việt Nam vào năm 1995, khi còn là sinh viên năm thứ 2 đại học và lần ghé thăm ấy chỉ đơn giản đi du lịch rồi trở về.
Đến năm học thứ 3, khi các sinh viên cùng trang lứa với mình bắt đầu định hướng cho tương lai thì Mayu quyết định học tiếp lên cao học. Chuyên ngành Mayu theo đuổi lúc đó là "Quan hệ hợp tác quốc tế" và chị được thầy cô khuyên nên đến các nước Đông Nam Á để tìm hiểu về sự muôn màu của các mô hình nông nghiệp.
Tình cờ, một giáo viên đã gợi ý với Mayu là Việt Nam có thể là đất nước có nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả. Do những thiện cảm và lưu luyến từ lần đến thăm trước đó còn lại, chị quyết định đến Việt Nam du học.
Hết thời hạn học tập 3 năm tại Việt Nam, Mayu dự tính sẽ quay lại Nhật học tiếp để chuẩn bị cho việc đi Mỹ du học, vốn là ước mơ và kế hoạch của chị. Tuy nhiên, quãng thời gian 3 năm không dài cũng chẳng ngắn đã tạo cho chị tình cảm gắn bó, quyến luyến với người dân nơi đây. Và, qua nhiều cân nhắc, cuối cùng Mayu ở lại Việt Nam và làm việc tại một tổ chức phi chính phủ.
Ở lại làm một nông dân Việt Nam, để dễ dàng hòa nhập cùng văn hóa và con người bản địa, Mayu đã đăng ký học tiếng Việt theo học ngành "Xã hội nông thôn" và "Dân tộc học" tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Hiện tại, Ino Mayu đang là Trưởng đại diện tổ chức Seed to Table – một tổ chức phi chính phủ do chị chính chị sáng lập với mục đích đẩy mạnh nền nông nghiệp thân thiện với môi trường sinh thái và hỗ trợ phát triển cộng đồng ở Việt Nam.
Hết lòng vì nền nông nghiệp hữu cơ
Trong suốt gần 20 năm rong ruổi khắp Việt Nam, chị Mayu nhận thấy rằng, bên cạnh sự cần cù, chịu thương chịu khó, người nông dân Việt Nam vẫn chưa có điều kiện tiếp xúc với những công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến, đúng theo tiêu chuẩn xanh, sạch, bảo vệ môi trường – những tiêu chuẩn cốt lõi để nông nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận với thị trường thế giới.
Mang suy nghĩ của mình trình bày với lãnh đạo một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, Mayu bất ngờ nhận được sự ủng hộ tuyệt đối và cổ vũ, và thế là chị bắt tay vào làm.
Tính đến thời điểm này, sau vài năm triển khai, dự án nông nghiệp sạch của người phụ nữ Nhật có "nhưng có trái tim Việt" đã được triển khai tại nhiều địa phương ở tỉnh Bến Tre và Đồng Tháp.
Seed to Tables - tạm dịch là từ hạt giống đến bàn ăn là một xu hướng tiêu dùng thực phẩm rất phổ biến trên thế giới. Xu hướng này tạo ra nhiều mô hình nuôi trồng lương thực, thực phẩm sạch trong chuỗi sản xuất cung ứng. Tuy nhiên, xu hướng này mới hình thành và đang phát triển tại Việt Nam. Một phần trong sự phát triển đó có công sức của những tổ chức phi chính phủ và những người yêu nông nghiệp sạch như Ino Mayu.
"Seed to Tables"Bà Mayu Ino, sinh năm 1974, là người Nhật Bản đến Việt Nam năm 1997. Khi đó Mayu theo học tại Trung tâm Nghiên cứu về Việt Nam và giao lưu văn hoá thuộc khoa Sử, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sau khi ra trường, Mayu làm việc cho tổ chức tình nguyện quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam, với những phần việc hỗ trợ, xây dựng các dự án cộng đồng cho các nơi khó khăn ở một số địa phương.
Đến năm 2009, tổ chức này ngưng hoạt động ở Việt Nam, nhưng Mayu không trở về Nhật Bản, mà tự đứng ra thành lập tổ chức Seed to Table (Từ hạt giống đến bàn ăn). Đây là mô hình phát triển cộng đồng phổ biến ở Nhật Bản, nhưng còn lạ lẫm ở Việt Nam.
Sau đó, Tổ chức Seed to Table do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ, với mục đích giúp đỡ nông dân Việt Nam trồng rau hữu cơ và chăn nuôi để cải thiện sinh kế.
Nói về giai đoạn đầu của dự án nông nghiệp hữu cơ mang tên "Seed to Tables" này, Mayu nhớ lại: "Việc tiếp xúc với nông dân để họ chuyển sang thử nghiệm trồng theo phương thức hoàn toàn hữu cơ thời điểm đầu vô cùng khó khăn. Bởi người nông dân đã quen với phân bón vô cơ, với hoá chất bảo vệ thực vật và trong suy nghĩ của họ, nếu không có những thứ này thì cây trồng không lớn được…"
Hơn thế nữa, vấn đề ưu tiên lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp cũng là một yếu tố cơ bản khiến nhiều nông dân không mặn mà với sản xuất hữu cơ.
Tuy nhiên, bằng một tình yêu với nông nghiệp sạch, tấm lòng chia sẻ với nông dân, Mayu từng bước thuyết phục người trồng. "Kỹ thuật không khó, đầu tư không nhiều, chỉ đòi hỏi tốn nhiều công hơn chút ít nhưng lợi ích bảo vệ môi trường sống, sức khỏe cho thế hệ tương lai rất lớn…" - chị khẳng định.
Cuộc thử nghiệm nông nghiệp sạch thành công
Để chứng thực cho thành công bước đầu của mình, Mayu đưa chúng tôi về huyện xã Phú Thuận 2, huyện Hồng Ngự để thăm anh nông dân Nguyễn Hữu Trắng, một người tiên phong trong việc làm nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Tháp.
Trao đổi với chúng tôi, anh bảo, năm 2020, Mayu và các các bộ nông nghiệp tỉnh, huyện về giới thiệu mô hình nông nghiệp này, anh cũng do dự nhưng cũng quyết định thử. Ban đầu cũng thất bại nhiều, tuy nhiên, thất bại không nản, hỏng thì làm lại, nhờ sự hướng dẫn tận tình nên giờ đây đã có thành công bước đầu.
Hôm gặp chúng tôi, anh Trắng khoe giờ đây anh có thể tự sản xuất thuốc trừ sâu rầy bằng chính các sản phẩm nông nghiệp có sẵn ngoài vườn để tưới và chăm sóc cho vườn rau của mình. Chẳng hạn như nước ớt dùng để xua đuổi côn trùng, phân bón rễ từ cây lục bình, phân dưỡng lá bằng trái đu đủ và một số trái cây bỏ đi…
Cũng theo anh Trắng, mặc dù năng suất hiện tại không cao, hình dáng bên ngoài của các loại rau hữu cơ mà anh trồng chưa được bắt mắt nên đầu ra còn hạn chế. Tuy nhiên, anh cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi việc trồng theo hình thức này vì nó bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe của chính mình và người tiêu dùng.
Về vấn đề tìm đầu ra cho nông nghiệp hữu cơ, anh Trần Thanh Hào, cán bộ địa chính – nông nghiệp xã Phú Thuận A, Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết đang tìm hiểu và kêu gọi nhiều đối tác, nếu đảm bảo có được đầu ra thì trong thời gian tới sẽ mở rộng sản xuất mô hình này đến nhiều nông dân hơn.
Chú trọng vào việc giáo dục giới trẻ
Bên cạnh việc khuyến khích nông dân đến với nông nghiệp hữu cơ, mục tiêu của Mayu là tập trung và việc định hướng, giáo dục cho giới trẻ về lợi ích của việc làm nông nghiệp hữu cơ.
"Trong quá trình làm việc với nông dân, tôi nhận thấy rằng nông dân đích thực yêu ruộng vườn ngày càng ít đi. Thế nên tôi muốn mở rộng đối tượng sang giới trẻ để biết và sau này có thể nối tiếp thế hệ cha ông mình làm nông nghiệp hữu cơ", chị nói và cho biết thêm rằng "chỉ cần 1 trong số 10 em làm nông nghiệp hữu cơ và 9 bạn còn lại là khách hàng thì đã quá thành công rồi còn gì!".
Tính từ năm 2014, thời điểm mở rộng dự án đến các trường học đến nay, "Seeds to Tables" đã được triển khai đến 14 trường học từ trung học cơ sở cho đến bậc cao đẳng ở Đồng Tháp và Bến Tre.
"Nhiều học sinh, phụ huynh và thầy cô thấy thích dự án này. Bởi không chỉ lý thuyết mà chương trình này còn thực hành trên chính mảnh vườn của mình, mà lại có thành quả là rau, sạch ăn được nên mọi người rất thích", chị Mayu cho biết thêm.
Theo thời gian, tình yêu của Mayu dành cho nông nghiệp hữu cơ và người nông dân Việt Nam càng lớn dần. Và đó là lý do mà Mayu luôn mong muốn các cấp, các ngành và người nông dân giúp chị mở rộng mộ hình này không chỉ trên những cánh đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long mà khắp các miền quê Việt Nam.
Và với một tình yêu mãnh liệt đó, thì chắc rằng, trong một tương lai không xa, dự án nông nghiệp hữu cơ của người phụ nữ Nhật Bản mang trong mình trái tim Việt Nam sẽ trở nên thân thuộc đối với nông dân khắp mọi miền đất nước.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ino-mayu-nong-nghiep-sach-cho-viet-nam-179220604203121119.htm