InnovaConnect - Cầu nối thu hẹp khoảng cách giữa khoa học Việt thế giới

11:05 - 12/11/2024

Các nhà khoa học nhận định chuỗi hoạt động kết nối InnovaConnect 2024 do Quỹ VinFuture tổ chức là nền tảng giúp tăng cường sự hiểu biết và hợp tác nghiên cứu, trao đổi khoa học giữa các trường đại học Việt Nam với thế giới.

Bước tiến vượt bậc trong kết nối tri thức trong nước và quốc tế

InnovaConnect - Cầu nối thu hẹp khoảng cách giữa khoa học Việt thế giới- Ảnh 1.

Qua hợp tác GS.KennethLeung đánh giá rất cao chuyên môn và tinh thần của cộng đồng nghiên cứu khoa học công nghệ Việt Nam.

Tháng 4/2024, Quỹ VinFuture khởi động chuỗi hoạt động kết nối InnovaConnect với sự kiện đầu tiên mang chủ đề "Hệ thống bán dẫn tiên tiến cho thế giới bền vững" tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Tọa đàm có sự tham gia của những chuyên gia chủ chốt ngành Bán dẫn tới từ Hàn Quốc, gồm Giáo sư Young Hee Lee từ Đại học Sungkyunkwan và Giáo sư Inkyu Park từ Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST).

Là một trong ba diễn giả tại sự kiện, Giáo sư Nguyễn Đức Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Vật liệu - Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận định thành công của InnovaConnect là bước tiến vượt bậc trong kết nối tri thức từ trong nước ra ngoài quốc tế.

"Không chỉ làm giàu thêm nền khoa học Việt Nam, VinFuture còn khẳng định tầm nhìn chiến lược trong việc thúc đẩy những giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến nhằm giải quyết các vấn đề lớn của xã hội. Điều này không chỉ nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn góp phần hiện thực hóa những mục tiêu phát triển bền vững của đất nước", ông chia sẻ.

InnovaConnect - Cầu nối thu hẹp khoảng cách giữa khoa học Việt thế giới- Ảnh 2.

GS Nguyễn Đức Hòa chia sẻ, sự kiện InnovaConnect là bước tiến vượt bậc trong kết nối tri thức toàn cầu

Đến tháng 6/2024, InnovaConnect tiếp tục đưa các nhà khoa học danh tiếng của thế giới đến Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, để cùng các chuyên gia trong nước thảo luận về "Tác động của chất gây ô nhiễm hữu cơ lên hệ sinh thái và sức khỏe con người". Tại đây, Giáo sư Kenneth Mei Leung, Hiệu trưởng Trường Năng lượng và Môi trường, Đại học Thành phố Hồng Kông (Trung Quốc), top 2% thế giới trong lĩnh vực Sinh học biển (theo Stanford- Elsevier Indicators) đã chia sẻ về chương trình hợp tác với Phó Giáo sư Từ Bình Minh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, trong dự án nghiên cứu giám sát các chất gây ô nhiễm nước ở cửa sông thuộc chương trình Giám sát cửa sông toàn cầu (GEM) - Hành động Thập kỷ được tài trợ trong khuôn khổ Thập kỷ Khoa học Đại dương vì Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.

"Trong giai đoạn 1, chúng tôi theo dõi thu thập mẫu nước từ khoảng 150 cửa sông trên toàn thế giới để giám sát các loại chất thải dược phẩm. Việt Nam là một trong những đối tác chính của của chương trình này và đã hợp tác rất thành công. Tới năm 2025, chúng tôi sẽ cùng nhau công bố một bài báo có tác động lớn dựa theo kết quả của nghiên cứu toàn cầu này", Giáo sư Leung nói.

Về khía cạnh học thuật, Giáo sư Leung nhận định các nhà khoa học Việt Nam được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và sẵn sàng học hỏi các công nghệ, kỹ năng mới. Đây chính là nền tảng để mở rộng các cơ hội hợp tác với cộng đồng khoa học Việt Nam nói chung, các trường đại học, viện nghiên cứu nói riêng.

"Nghiên cứu khoa học của Việt Nam đã đạt đến trình độ quốc tế và điều này rất đáng khích lệ. Với thế hệ nhà khoa học như vậy, việc quản lý chung về chất lượng nước, đất và không khí sẽ dần được cải thiện", Giáo sư Leung nhận định.

Tham dự sự kiện InnovaConnect tháng 9/2024 về "Phòng chống tác hại của thuốc lá mới", Giáo sư Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng (Việt Nam), cho rằng sự kiện đã giúp các nhà khoa học trong và ngoài nước tìm ra tiếng nói chung để giải quyết một bài toán nan giải, đó là vấn nạn thuốc lá mới.

"Tại hội thảo, chúng tôi rất ấn tượng với kinh nghiệm kiểm soát thuốc lá mới tại Thái Lan và một số nước trong khu vực Đông Nam Á, cũng như cách sử dụng nghiên cứu để định hướng chính sách về thuốc lá điện tử tại Úc để đối phó với tình trạng thiếu hiểu biết về tác hại của sản phẩm này", Giáo sư Minh chia sẻ.

InnovaConnect - Cầu nối thu hẹp khoảng cách giữa khoa học Việt thế giới- Ảnh 3.

Sự kiện InnovaConnect tháng 9/2024 được tổ chức tại trường Đại học Y tế công cộng thành công thu hút gần 500 người tham gia.

Cũng trong tháng 9, thông qua sự thúc đẩy kết nối của Quỹ VinFuture, Viện Thủy lực và nguồn nước - Trường Đại học Kỹ thuật Munich (Đức) đã ký thỏa thuận hợp tác cùng Trường Đại học Thủy Lợi. Hai bên đã có chuyến nghiên cứu thực địa rừng ngập mặt tại khu vực Cát Hải, Hải Phòng, nơi Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hải Trung - Trưởng nhóm Mangroves Living Lab, trường Đại học Thủy lợi - chia sẻ kết quả quan trắc và sự suy giảm diện tích rừng ngập mặn tại khu vực này, đồng thời bày tỏ mong muốn có những hợp tác sâu sát về môi trường và thủy lực sinh thái.

"Quỹ VinFuture đóng vai trò như một nền tảng trung gian, kết nối giữa các viện trường để gia tăng trao đổi ý tưởng, chia sẻ công nghệ, cũng như lĩnh vực quan tâm nghiên cứu giữa các bên, từ đó tìm ra cơ hội để cùng nhau nghiên cứu, và đặc biệt sẽ còn hỗ trợ hợp tác trao đổi, đào tạo thế hệ mới", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hải Trung chia sẻ.

Mở ra các cơ hội hợp tác mới

Không chỉ kết nối cộng đồng khoa học trong và ngoài nước, InnovaConnect còn mở ra các hoạt động hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật mới.

Giáo sư Nguyễn Đức Hòa cho biết ông và Giáo sư Inkyu Park đang làm việc để xây dựng một dự án nghiên cứu về vật liệu bán dẫn thế hệ mới, với công nghệ cảm biến tự cấp nguồn và trí tuệ nhân tạo trong phát triển thế hệ mũi điện tử mới. Công nghệ này có khả năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và rất kỳ vọng được triển khai ở quy mô lớn.

Còn sau hội thảo hồi tháng 6, Giáo sư Leung đã đại diện Trường Năng lượng và Môi trường ký Bản ghi nhớ hợp tác với khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Ông tin rằng hai bên sẽ có nhiều hợp tác nghiên cứu quan trọng, đặc biệt về hóa học môi trường và độc chất sinh thái, nhằm đưa ra nền tảng khoa học cho các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường. Việc mở rộng chương trình GEM tại vùng cửa biển Hà Tĩnh là một trong số nhiều hoạt động hợp tác được nêu trong bản ghi nhớ này, đặc biệt được tài trợ bởi Quỹ VinFuture.

Cũng trong chuyến công tác này, Giáo sư Leung gặp gỡ một số sinh viên xuất sắc và phỏng vấn ứng viên cho vị trí Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở Đại học Thành phố Hồng Kông. Vị chuyên gia cho rằng các hoạt động của Quỹ VinFuture nói chung, bao gồm InnovaConnect và Giải thưởng VinFuture, là những nỗ lực tuyệt vời trong thúc đẩy phát triển khoa học, hợp tác quốc tế sâu hơn.

"Tôi nghĩ VinFuture là một Giải thưởng danh giá, quy tụ những nhà khoa học hàng đầu thế giới, những người có thể đem kiến thức và tiến bộ công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống một cách bền vững. Tôi mong người trẻ không chỉ ngưỡng mộ những nhân vật xuất sắc ấy, mà còn được truyền cảm hứng để trở thành những nhà khoa học giỏi và những nhà phát minh tài năng như vậy", Giáo sư Leung chia sẻ.

Cũng bày tỏ niềm tin vào thế hệ trẻ đam mê khoa học và những nhà nghiên cứu và nhà giáo dục tại các viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam, Giáo sư Inkyu Park (KAIST, Hàn Quốc) cho rằng sự nhiệt huyết của thế hệ trẻ Việt Nam đối với khoa học công nghệ đã khẳng định một tương lai đầy triển vọng.

"Tôi tin rằng hợp tác quốc tế, đặc biệt giữa KAIST và các trường đại học Việt Nam, sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển này, tạo ra một nguồn nhân tài chất lượng cao. Chúng tôi đang làm việc để xây dựng mạng lưới và mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam để hiện thực hóa mục tiêu này", ông nói.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/innovaconnect-cau-noi-thu-hep-khoang-cach-giua-khoa-hoc-viet-the-gioi-179241112102812553.htm