Indonesia sẽ bán buôn đồng rupiah kỹ thuật số
Ngân hàng trung ương Indonesia đã quyết định chỉ phân phối đồng rupiah kỹ thuật số theo hình thức bán buôn, thông qua các ngân hàng và hệ thống thanh toán lớn.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) Perry Warjiyo cho biết, cơ quan này đang trong quá trình lựa chọn các ngân hàng, hoặc hệ thống thanh toán lớn được ủy quyền phân phối đồng rupiah kỹ thuật số.
Ngày 25/8, phát biểu tại một hội nghị tiền tệ và ngân hàng quốc tế, ông Perry cho hay nền tảng phân phối rupiah kỹ thuật số sẽ sử dụng công nghệ sổ cái phân tán (DLT).
Các ngân hàng được chỉ định sẽ có hai tài khoản, gồm một tài khoản kỹ thuật số và một tài khoản tiêu chuẩn. Do đó, khi ngân hàng trung ương tiến hành phân phối đồng rupiah kỹ thuật số, chỉ một số ngân hàng hoặc hệ thống thanh toán được lựa chọn có thể sử dụng DLT của riêng mình.
Ngân hàng trung ương Indonesia cũng đã quyết định chỉ phân phối đồng rupiah kỹ thuật số theo hình thức bán buôn, thông qua các ngân hàng và hệ thống thanh toán lớn.
Theo ông Perry, có hai lựa chọn để phân phối tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), theo hình thức bán buôn hoặc bán lẻ thông qua các ngân hàng hoặc hệ thống thanh toán được ủy quyền. Các ngân hàng trung ương khác trên thế giới có xu hướng lựa chọn cả phân phối bán buôn và bán lẻ.
Thống đốc Perry khẳng định rằng đồng rupiah kỹ thuật số là một dạng CBDC, được Hiến pháp Indonesia và Luật Ngân hàng trung ương Indonesia cho phép phát hành độc quyền.
Sắp tới, thế hệ Millennial (khái niệm dùng để chỉ những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) sẽ có thể sở hữu tài khoản thông thường và tài khoản kỹ thuật số; cũng như mua sắm trong vũ trụ ảo metaverse bằng tài khoản kỹ thuật số bằng cách sử dụng đồng rupiah kỹ thuật số.
Theo báo cáo mới đây của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), tiền ảo đã trở nên phổ biến ở châu Phi và nhiều nước đang phát triển khác, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 hoành hành.
Tuy nhiên, UNCTAD cảnh báo dù các loại tiền điện tử sử dụng trong lĩnh vực tư nhân mang lại lợi ích cho một số nhóm và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chuyển tiền, nhưng đây là những tài sản tài chính không ổn định, có thể gây ra nguy cơ và chi phối xã hội.
Tiền ảo có nguy cơ đe dọa ổn định tài chính, quá trình huy động vốn trong nước và an ninh của các hệ thống tiền tệ.
Theo UNCTAD, những cú sốc liên quan tiền điện tử xảy ra trong thời gian gần đây trên thị trường cho thấy những rủi ro đối với khu vực tư nhân khi sử dụng tiền điện tử. Chỉ trong năm nay, vốn hóa thị trường tiền ảo đã bốc hơi 70%, gây ảnh hưởng xấu đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt là những người không hiểu rõ về loại tài sản này.
Một vấn đề khác được các nước đang phát triển quan tâm là mối đe dọa với nội tệ. Nếu tiền điện tử trở thành công cụ thanh toán được sử dụng rộng rãi và thậm chí thay thế các đồng tiền nội tệ một cách không chính thức, nó có thể làm suy yếu quyền tự quyết về chính sách tiền tệ của các quốc gia. Tại các nước đang phát triển chưa đáp ứng nhu cầu dự trữ tiền tệ, các đồng tiền kỹ thuật số "nương theo" đồng USD còn gây những rủi ro đặc biệt.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/indonesia-se-ban-buon-dong-rupiah-ky-thuat-so-179220826105533595.htm