Hướng tới thực hiện tự chủ đối với cơ sở y tế, thống nhất các nội dung về dinh dưỡng

16:12 - 06/01/2023

Chiều 6/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến hướng tới thực hiện tự chủ đối với cơ sở y tế và cần phải rà soát, thống nhất các nội dung về dinh dưỡng trong dự thảo Luật.

Đại biểu Quốc hội: Hướng tới thực hiện tự chủ đối với các cơ sở y tế, thống nhất các nội dung về dinh dưỡng - Ảnh 1.

Chiều 6/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Theo Cổng TTĐT Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 6/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến các nội dung như: Hội đồng Y khoa quốc gia; thời hạn của giấy phép hành nghề; cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh; nguồn ngân sách nhà nước cho công tác khám bệnh, chữa bệnh; tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh… cùng một số vấn đề các đại biểu quan tâm.

Hướng tới thực hiện tự chủ đối với các cơ sở y tế

Phát biểu tại phiên họp góp ý kiến tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước; các cơ quan cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến của các chuyên gia cũng như nhà khoa học. Dự thảo luật lần này cơ bản hoàn chỉnh và đủ điều kiện thông qua tại Kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại của ngành y tế.

Góp ý về quy định tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước tại Điều 108, đại biểu Dương Tấn Quân đồng tình với quy định theo phương án 2, trong đó quy định cơ sở khám chữa bệnh tự đảm bảo chi thường xuyên, được quyết định giá dịch vụ khác…

Đại biểu Quốc hội: Hướng tới thực hiện tự chủ đối với các cơ sở y tế, thống nhất các nội dung về dinh dưỡng - Ảnh 2.

Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tại Điều 110 dự thảo luật cũng đã đưa ra hai phương án, đại biểu Dương Tấn Quân đồng tình với phương án 2 nhằm mục tiêu hướng đến các đơn vị y tế phải tự chủ toàn bộ để các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo được hoạt động, có tích lũy để tái đầu tư và có lợi nhuận phát triển. Theo đó, giá bao gồm tích lũy để tái đầu tư và cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trên cơ sở phương pháp định giá do Bộ Y tế quy định.

TIN LIÊN QUAN
  • Tự chủ bệnh viện: Vướng mắc lớn nhất là cơ chế

    Tự chủ bệnh viện: Vướng mắc lớn nhất là cơ chế

Ngoài ra, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thực tế hiện nay phòng khám, trung tâm y tế huyện có giường bệnh và phòng khám đa khoa có chức năng và phạm vi hoạt động tương đối khác nhau. Do đó, thời gian qua các đơn vị đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thanh toán bảo hiểm y tế trong các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm trung tâm y tế, nhất là trung tâm y tế không có giường bệnh nội trú để cấp giấy phép hoạt động cho phù hợp với chức năng, tên gọi.

Đại biểu Dương Tấn Quân cũng đề nghị ban soạn thảo giải trình thêm quy định về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh về việc chỉ định chế độ ăn cho bệnh nhân trong khám bệnh, chữa bệnh.

Rà soát, thống nhất các nội dung về dinh dưỡng

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình bày tỏ nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật trình tại Kỳ họp lần này.

Quan tâm đến nội dung về dinh dưỡng tại dự thảo Luật này, đại biểu Trần Khánh Thu chỉ ra có 2 khoản trong Điều 67 còn chưa thống nhất.

Theo đại biểu Trần Khánh Thu, tại Khoản 1, Điều 67 có quy định dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh là hoạt động dinh dưỡng lâm sàng. Trong khi đó, tại Khoản 2, Điều 67 của dự thảo Luật đang quy định về nội dung hoạt động dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh được mô tả lại không bao gồm việc chỉ định điều trị, can thiệp điều trị hiện nay.

Đại biểu Quốc hội: Hướng tới thực hiện tự chủ đối với các cơ sở y tế, thống nhất các nội dung về dinh dưỡng - Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Đại biểu cho biết, theo hướng dẫn của thông lệ quốc tế, dinh dưỡng lâm sàng là tổng hợp các hoạt động khám, đánh giá, chẩn đoán, chỉ định điều trị, can thiệp, điều trị, theo dõi tiên lượng về dinh dưỡng người bệnh… áp dụng các bệnh viện từ trên 20 năm nay tại Việt Nam.

  • Dự luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Bộ Y tế sẽ quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

    Dự luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Bộ Y tế sẽ quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh
     25/05/2022 19:04

Khi chưa có quy định nội dung này trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì hoạt động dinh dưỡng lâm sàng, trong đó có chỉ định chế độ ăn cho người bệnh được quy định tại Quy chế hoạt động khoa dinh dưỡng bệnh viện do Bộ Y tế quy định và ban hành năm 1997 và gần đây nhất Bộ Y tế đã ban hành Thông tư quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện bao gồm đầy đủ các hoạt động cũng như công việc của một người cán bộ dinh dưỡng.

Từ phân tích đó, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng: Chính phủ cần rà soát, xem xét lại nội dung về dinh dưỡng quy định tại Điều 67 của dự thảo Luật này. Bởi quy định như hiện nay là chưa đầy đủ, vì suy dinh dưỡng trong cộng đồng đã ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thể chất người Việt Nam, nhưng suy dinh dưỡng trong bệnh viện còn đáng báo động hơn rất nhiều.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/huong-toi-thuc-hien-tu-chu-doi-voi-co-so-y-te-thong-nhat-cac-noi-dung-ve-dinh-duong-179230106152653117.htm