Hướng dẫn mới về hưởng bảo hiểm thất nghiệp từ 15/2/2024

18:09 - 11/01/2024

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Hướng dẫn mới về hưởng bảo hiểm thất nghiệp từ 15/2/2024- Ảnh 1.

Một số thay đổi mới về chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ được áp dụng từ ngày 15/2/2024. Ảnh: Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Bổ sung hướng dẫn tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo Khoản 2 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, mỗi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn được tính từ ngày người lao động bắt đầu hưởng trợ cấp đến ngày đó của tháng sau trừ 1 ngày. Tuy nhiên với trường hợp trường hợp tháng sau không có ngày tương ứng thì ngày kết thúc của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày cuối cùng của tháng đó.

Ví dụ: Một người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 5 tháng, từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/5/2022. Như vậy, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp của người này được xác định như sau: Tháng hưởng thứ 1 là từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/01/2022; Tháng hưởng thứ 2 là từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 28/02/2022; Tháng hưởng thứ 3 là từ ngày 1/3/2022 đến hết ngày 31/3/2022; Tháng hưởng thứ 4 là từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 30/4/2022; Tháng hưởng thứ 5 là từ ngày 1/5/2022 đến hết ngày 31/5/2022.

Thay đổi công thức tính thời gian bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp

Theo Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu được xác định theo công thức sau:

Tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu

=

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu khi người lao động có tháng đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có)

+

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu khi người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có)

+

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu khi người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có)

+

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu khi người lao động không đến nhận tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có)

+

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được xác nhận bổ sung sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp (đối với các trường hợp người lao động đã hưởng trợ cấp thất nghiệp có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 36 tháng khi giải quyết thì căn cứ thực tế vào thời gian đã đóng, hưởng trợ cấp thất nghiệp) (nếu có)

Thêm trường hợp được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp

Khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH đã bổ sung thêm một trường hợp được tính bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp, đó là trường hợp người lao động được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nếu người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 36 tháng trở lên làm căn cứ để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung sẽ được bảo lưu để làm cơ sở tính hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Còn nếu người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 36 tháng làm căn cứ để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung được bảo lưu theo nguyên tắc sau:

Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp được xác nhận bổ sung để bảo lưu = Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp đã xét hưởng trợ cấp thất nghiệp + Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp xác nhận bổ sung - Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tháng đã nhận tiền trợ cấp thất nghiệp - Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng số tháng bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.

2 trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp

Cũng theo khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, người lao động cần lưu ý 2 trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp sau đây:

Thứ nhất, người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì chỉ được giải quyết hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp còn số tháng còn lại chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ không được bảo lưu.

Thứ hai, số tháng lẻ chưa hưởng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tại quyết định hưởng sẽ không được bảo lưu khi người lao động thuộc một trong 3 trường hợp: Không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp; Bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; Bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH nêu rõ, các trường hợp không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu không bao gồm số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được cơ quan bảo hiểm xã hội bảo lưu.

Người lao được đề nghị hỗ trợ học nghề tại địa phương khác nơi hưởng trợ cấp

Theo Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại một địa phương mà đề nghị và được hỗ trợ học nghề tại địa phương khác, trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động được hỗ trợ học nghề gửi 1 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trường hợp đã chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau đó đề nghị và được hỗ trợ học nghề tại địa phương khác nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đề nghị hỗ trợ học nghề gửi 1 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi ban hành quyết định hưởng.

Đồng thời, xác định và gửi 1 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp.

Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/2/2024.

Hơn 6,5 triệu lao động đã được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo bà Nguyễn Thị Quyên - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), qua gần 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm, đến nay đã có trên 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Chính sách đã phát huy vai trò quan trọng là cơ chế chống sốc tự động, hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp.

Đến nay, chính sách này đã thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 13,25 triệu người; hỗ trợ học nghề cho trên 252.000 người; hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm tại 32 đơn vị với 3.200 người lao động. Riêng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp đạt hơn 6,5 triệu người.

Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là quỹ để tham gia ngắn hạn, hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức, doanh nghiệp có tham gia, có đóng - có hưởng. Người tham gia cũng được thụ hưởng các chính sách của nhà nước và khuyến khích người lao động sớm quay lại thị trường lao động, chứ không khuyến khích hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong Luật Việc làm sửa đổi tới đây, nội dung về bảo hiểm thất nghiệp sẽ tiếp tục được hoàn thiện tốt hơn. Theo đó, bảo hiểm thất nghiệp sẽ phát huy vai trò chủ động của thị trường lao động, nghĩa là phải nắm bắt thông tin, tăng cường công tác phân tích dự báo. Đặc biệt, chính sách phải đi vào cuộc sống, nhất là các chính sách hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức doanh nghiệp tiếp cận được. Đồng thời, phải dự báo được trong giai đoạn tới Nhà nước sẽ chú trọng vào các ngành công nghiệp nào nhằm đưa ra dự báo được nhu cầu nhân lực tại chỗ, hoặc đào tạo chuyển đổi nhằm theo kịp nhu cầu của thị trường.

Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/huong-dan-moi-ve-huong-bao-hiem-that-nghiep-tu-15-2-2024-179240111175954108.htm