Hướng dẫn mới nhất thanh toán chi phí điều trị COVID-19, chế độ chính sách cho người tham gia chống dịch

14:43 - 30/10/2023

Từ ngày 20/10/2023 trở đi, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B, người bệnh đến khám và điều trị bệnh sẽ không được ngân sách nhà nước chi trả, thay vào đó sẽ được hưởng chi trả bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành.

Chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

Bộ Y tế vừa có hướng dẫn thanh toán chi phí điều trị cho người bệnh mắc COVID-19 khi COVID-19 chuyển từ nhóm A sang nhóm B và chế độ chính sách cho người tham gia chống dịch COVID-19.

Theo đó, trong văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Y tế cho biết ngày 19/10/2023, Bộ Y tế đã có Quyết định số 3896/QĐ-BYT về việc điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Hướng dẫn mới nhất thanh toán chi phí điều trị COVID-19, chế độ chính sách cho người tham gia chống dịch - Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc COVID-19 đang được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh tư liệu: Trung Nguyên

Quyết định nêu rõ, từ 20/10/2023, bệnh COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Theo đó, các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Để bảo đảm sự đồng bộ trong việc thực hiện các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các Bộ, ngành, cơ sở y tế thực hiện một số nội dung, cụ thể:

Đối với việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và tiền ăn, sinh hoạt phí đối với người bệnh COVID-19 kể từ ngày 20/10/2023:

Đối với người có thẻ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; người không có thẻ bảo hiểm y tế tự thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định;

Chi phí tiền ăn, sinh hoạt phí thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Về những trường hợp người bệnh vào viện đến ngày 20/10/2023 và ra viện sau ngày 20/10/2023:

Chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19 trước ngày 20/10/2023 thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP ngày 29/4/2022 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19;

Chi phí tiền ăn, sinh hoạt phí đối với người bệnh COVID-19 kể từ ngày 20/10/2023 thực hiện theo hướng dẫn quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Các chế độ chính sách cho người tham gia phòng, chống dịch COVID-19

Cũng theo Bộ Y tế, các chế độ chính sách cho người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 thuộc nhóm B được thực hiện theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch kể từ ngày 20/10/2023.

Bộ Y tế đề nghị các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động phối hợp rà soát các nguồn lực đã được mua sắm, đầu tư và căn cứ vào hướng dẫn chuyên môn y tế để xây dựng nhu cầu và bảo đảm kinh phí khám bệnh, chữa bệnh và giám sát dịch bệnh khi dịch COVID-19 chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

Hướng dẫn mới nhất thanh toán chi phí điều trị COVID-19, chế độ chính sách cho người tham gia chống dịch - Ảnh 2.

Bộ Y tế đã có kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 trong năm 2023, tiếp tục ưu tiên tiêm các đối tượng có nguy cơ như người cao tuổi, người có bệnh nền. Ảnh: VGP

Không chủ quan, lơ là khi COVID-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, không phải chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì đồng nghĩa với bệnh COVID-19 sẽ nhẹ hơn. Virus gây bệnh vẫn có thể biến đổi nên việc giám sát bệnh COVID-19 sẽ không chỉ trên ca bệnh mà sẽ tiếp tục được giám sát lồng ghép vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp khác, nhằm theo dõi các biến thể của virus. 

Phác đồ điều trị bệnh COVID-19, vẫn giữ như hiện tại, chưa thay đổi phác đồ điều trị khi bệnh chuyển sang nhóm B, vẫn theo hướng dẫn cập nhất mới nhất tính đến tháng 6 năm 2023. Người mắc bệnh COVID-19 phải đeo khẩu trang trong 10 ngày kể từ ngày phát bệnh hoặc từ ngày có kết quả dương tính.

Tiếp tục tiêm miễn phí vaccine phòng COVID-19 trong năm 2023

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay vẫn chưa có khuyến cáo tiêm vaccine phòng COVID-19 hàng năm. Tuy nhiên dựa trên những yếu tố thực tiễn như biến chủng mới của COVID-19 thì có thể sẽ có khuyến cáo mới tiếp theo. Bộ Y tế đã có kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 trong năm 2023, tiếp tục ưu tiên tiêm các đối tượng có nguy cơ như người cao tuổi, người có bệnh nền. 

Các mũi tiêm cơ bản cho người dân cũng đã triển khai đầy đủ. Riêng trong năm 2023, tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn miễn phí, sang năm 2024, Bộ Y tế sẽ cập nhật thông tin sau.

Ngày 30/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) và đánh giá là đại dịch toàn thế giới ngày 11/3/2020.

Ngày 5/5/2023, sau hơn 3 năm xảy ra đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế; tại thời điểm này thế giới ghi nhận trên 696 triệu trường hợp mắc tại 231 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có trên 6,9 triệu trường hợp tử vong.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/huong-dan-moi-nhat-thanh-toan-chi-phi-dieu-tri-covid-19-che-do-chinh-sach-cho-nguoi-tham-gia-chong-dich-179231030144144576.htm