Hùng Vương tứ hiếu - Bài 1: Hùng Hi Vương Thánh Tổ

06:00 - 23/10/2022

Hiếu là đức hạnh hàng đầu của con người. Từ thời các vua Hùng dựng nước, người Việt đã có những tấm gương về đức hiếu hạnh lưu truyền hậu thế. Hiếu đức của các bậc vua sáng tôi hiền đã làm nên những thời kỳ phát triển thịnh vượng trong hơn 4.000 năm lịch sử của dân tộc ta.

Vua Thuấn cày đồng Lịch Sơn

Ca dao Việt và quan họ Bắc Ninh lời cổ có câu hát: Rủ nhau đi cấy xứ đương/ Cấy cho vua Thuấn ở đồng Lịch Sơn.

Câu hát nói đến một điển tích có từ lâu đời là vua Thuấn, vị vua nổi tiếng đứng đầu trong danh sách Nhị thập tứ hiếu. Truyện về gương vua Thuấn hiếu cảm động trời kể:

Nguyên cha của Thuấn là người hung bạo, không biện biệt được người hay kẻ dở, người đương thời đặt tên là Cổ Tẩu (người mù mắt). Mẹ của Thuấn mất sớm, Cổ Tẩu tục huyền với người đàn bà sau này sinh ra Tượng. Vì có lời gièm pha của người kế mẫu và đứa em ngỗ nghịch cùng cha khác mẹ, Cổ Tẩu không ưa Thuấn và định bụng giết đi. Biết thế, nhưng Thuấn vẫn giữ trọn chữ hiếu đối với cha và người dì ghẻ ác nghiệt, hòa thuận với đứa em độc ác, không một lời than oán.

Hùng Vương tứ hiếu - Bài 1: Hùng Hi Vương Thánh Tổ- Ảnh 1.
Hùng Vương tứ hiếu - Bài 1: Hùng Hi Vương Thánh Tổ- Ảnh 2.
Hùng Vương tứ hiếu - Bài 1: Hùng Hi Vương Thánh Tổ- Ảnh 3.
Hùng Vương tứ hiếu - Bài 1: Hùng Hi Vương Thánh Tổ- Ảnh 4.

Một số tranh ghép sứ tích Đế Thuấn cày voi ở đình làng tại Huế.

Khi cha bắt đi cày ở đất Lịch Sơn cốt tìm cách trừ đi, vì nơi đây có tiếng là nhiều thú dữ hay ăn thịt người. Nhưng tấm lòng hiếu thảo và hòa mục của Thuấn động đến lòng trời, cả đàn voi ra giúp Thuấn cày đất và muông chim vô số đáp xuống nhặt cỏ hộ. Thấy không hại được Thuấn, Cổ Tẩu và người dì ghẻ sai Thuấn đánh cá ở Hồ Lôi Trạch, nơi có nhiều sóng to gió lớn, nhưng khi Thuấn đến thì sóng lặng gió yên.

Đến khi được vua Đường Nghiêu truyền ngôi, suốt 18 năm trị vì, Đế Thuấn chỉ ngồi gảy đàn hát khúc Nam Phong mà trị bình thiên hạ, nhà nhà đều lạc nghiệp âu ca.

Liên quan đến sự tích vua Thuấn, ở Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ có hội làng Tứ Xã với trò Trám. Tứ Xã là nơi có các di chỉ khảo cổ học nổi tiếng thời Hùng Vương như Gò Mun, Đồng Đậu con, Gót Rẽ… Trò Trám ở Tứ Xã là trò trình nghề tứ dân Sĩ - Nông - Công - Thương, trong đó có vai một người diễn tích "vua Thuấn cày voi" với lời hát ca trù như sau:

Vốn tôi đây dòng dõi thần minh

Kẻ tên hiệu tôi là Ngu Thuấn.

Nghĩ cha mẹ tôi càng oán hận

Hận ở điều ăn ở không cân.

Em dượng tôi ngạo mạn bất nhân

Ân tôi phải dĩ nông vi bản.

Tôi cũng mong hữu gia hữu sản,

Nhác trông lên núi Lịch tốt thay

Ân tôi phải bắt voi cày núi đá.

Núi Lịch Sơn, nơi vua Thuấn bắt voi đi cày ở đâu mà quan họ Bắc Ninh và ca trù Phú Thọ lại nhắc tới ngọn núi này?

Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn cho biết xã Yên Lịch ở dưới núi cũng có miếu Đế Thuấn, 6 xã trong 1 tổng cùng phụng thờ. Ruộng này nằm ở phía bên phải xứ Ngòi Vực, rộng chừng 1 trượng, khá dài. Nước sông Lô mùa thu thường tràn vào. Tương truyền, ở bên bến sông này Đế Thuấn làm đồ gốm. Bên cạnh chỗ dân cư, có một cái giếng cổ, người ta cho là Đế Thuấn đào giếng ấy. Ở đó cũng có miếu Đế Thuấn, trước miếu có ruộng hè, rộng chừng vài mẫu, khá sâu. Người ta cho đó xưa là đầm Lôi, nơi Đế Thuấn đánh cá và cày ruộng.

Hùng Vương tứ hiếu - Bài 1: Hùng Hi Vương Thánh Tổ- Ảnh 5.

Núi Lịch nhìn từ cánh đồng thôn An Lịch.

Lịch Sơn, nơi Đế Thuấn cày ruộng, đào giếng, làm gốm, đánh cá không ở đâu xa mà ở ngay huyện Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang. Cũng sách Kiến văn tiểu lục chép tiếp:

Núi Sáng là ngọn cao nhất trong dãy núi Lịch. Trên núi Sáng cũng có đền thờ Đế Thuấn. Đằng trước núi lại đột khởi một ngọn núi đất hơi thấp, đỉnh núi như hình ghế chéo, trong núi có chỗ rộng ước dăm sào, có thể gieo được trăm bung mạ (nhổ mạ lên rồi buộc lại gọi là đon, mỗi đon phỏng 2,3 chét tay, 40 đon là một bung, bung là xâu những đon mạ gánh ra ruộng để cấy; thông thường khi xưa, cứ mỗi sào ruộng cấy 15-20 đon, trăm bung là 4.000 đon gieo khoảng 5 sào. Tương truyền chỗ ấy Đế Thuấn cấy lúa, nhân dân mới gọi là Bách Bung).

Núi Sáng còn có tên là Lãng Sơn, nay thuộc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Địa danh Yên Lịch xưa đến nay vẫn còn, trong tên thôn An Lịch của xã Đông Lợi (Sơn Dương, Tuyên Quang). Trước đây nơi này được gọi là tổng Yên Lịch, nằm dưới chân núi Lịch, là một vùng ruộng lúa chiêm ven sông Lô. Đây là đầm Sấm hay Lôi Trạch được nói đến trong truyền thuyết về Đế Thuấn.

Ất Sơn Thánh Vương ở vùng đất tổ

Sách Kiến văn tiểu lục cho biết: Núi Lịch ở xã Yên Lịch huyện Sơn Dương, từ núi Sư Khổng ở huyện Đương Đạo mà chạy xuống, tới nơi đất bằng thì đột ngột nổi lên một ngọn núi có 5-6 đỉnh, giăng ngang ra chia thành một nhánh tới Lập Thạch là Lãng Sơn, một nhánh tới Tam Dương là núi Hoàng Chỉ. Trong núi Lịch ở đỉnh cao nhất có 5-6 chỗ bằng phẳng như đền đài, có động Đế Thuấn rất thiêng. Hoa quả trên núi người ta có thể hái ăn, nhưng không được mang đi. Ai mang đi sẽ bị lạc vào mê lộ, không thể ra được. Phía trên động Đế Thuấn có đền Đế Nghiêu, cúng bằng cỗ chay.

Ở An Lịch tới nay vẫn lưu truyền rằng trên núi Lịch có di tích của Đế Thuấn. Trên núi có một ao nước rộng chỉ 5-6m nhưng rất sâu, xung quanh có những cây quýt tươi tốt. Người dân địa phương kể, quả của cây này có thể hái ăn, nhưng nếu chỉ nhỡ cất một quả trong túi mang về thì sẽ như bị che mắt, đi vòng quanh 7 lần không ra được khu Ao Trời đó.

Đình An Lịch từ xưa thờ Ất Sơn Đại Vương, là vị vua Hùng thứ ba trong Tam vị Hùng Vương Thánh Tổ được thờ ở đền Hùng (gồm Đột Ngột Cao Sơn, Viễn Sơn và Ất Sơn Thánh Vương). Cũng ở vùng chân núi Lịch này còn có nhiều di tích thờ ba vị vua Hùng như đình Quang Tất, đình Thọ Vực và đền Ất Sơn.

Đình Quang Tất ở xã Hào Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang) thờ ba vị vua Hùng là Cao Sơn, U Sơn và Ất Sơn. Cụ thủ từ đình Quang Tất cho biết, trước đây ở bên đình có 2 ông ngựa trắng và hồng bằng gỗ, đến ngày hội, dân làng kéo 2 ông ngựa này ra Mả Vua ở ngòi nước dưới chân núi Lịch để làm lễ. Vị vua có đền thờ trên núi Lịch cũng là một trong những vị vua Hùng được thờ ở đình. Tức là Đế Thuấn chính là Ất Sơn Thánh Vương, được thờ là quốc tổ ở đền Hùng.

Hùng Vương tứ hiếu - Bài 1: Hùng Hi Vương Thánh Tổ- Ảnh 6.

Đền Ất Sơn sau bóng 2 cây đa cổ thụ.

Thông tin di tích Mả Vua ở An Lịch trùng khớp với chỉ dẫn huyệt mộ được chép trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả: Ba huyện Sơn Dương, Tam Dương, Tây Lan của phủ Đoan Hùng phụng thờ Hùng Vương, vì Hoàng Đế lập lăng điện tôn quý ở đầu núi Tam Đảo, Bạch Long, ở giữa mộ phần Tây Thiên, Phù Nghĩa có 2 huyệt, cùng lăng điện tôn quý trên các đỉnh núi hiểm Sơn Dương, Lịch Sơn, ở trong núi dưới chùa là lăng tôn quý ở bên đầm.

Đình Thọ Vực thuộc xã Hồng Lạc (Sơn Dương, Tuyên Quang) cũng là nơi thờ 3 vị vua Hùng. Lễ hội đình Thọ Vực nay đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nhiều trò diễn dân gian. Trong lễ hội cũng có trò diễn Vua đi cày, diễn tả lại sự tích vua Hùng xuống đồng tại đây. Trò diễn Vua đi cày ở đình Thọ Vực như thế là nói đến sự tích Đế Thuấn đi cày ở đồng Lịch Sơn, tương tự như bài ca trù trình nghề trong hội làng Tứ Xã.

Đặc biệt hơn nữa, không xa đình Quang Tất còn có ngôi đền cổ không biết từ bao giờ. Ngôi đền mang tên đền Ất Sơn. Đây thực sự là một điều bất ngờ, một bằng chứng đến hiển nhiên về vua Hùng Ất Sơn là Lịch Sơn Đế Thuấn. Đền Ất Sơn cũng giống như ở đình Quang Tất và Thọ Vực thờ 3 vị vua Hùng. Nơi đây còn giữ được lễ hội Cầu đinh cầu lão cổ xưa với nhiều trò tích diễn. Khi được hỏi vì sao đền có tên là Ất Sơn thì cụ thủ từ cho biết nơi đây vốn từng mang tên này, sau cách mạng mới đổi thành châu Tự Do. Tra lại địa bạ cũ thì ra nơi đây vốn là tổng Át Sơn. Những chữ Ất - Át - Út Sơn đều chỉ là một vị thần, vị vua Hùng thứ 3 trong Tam vị Thánh tổ Hùng Vương.

Những di tích thờ Hùng Vương ở chân núi Lịch đã cho phép xác định Ất Sơn Thánh vương chính là Đế Thuấn. Như thế còn vị vua Hùng thứ hai Viễn Sơn hay U Sơn phải là Đế Nghiêu, người đã nhường ngôi cho Đế Thuấn. Điều này cũng dẫn đến một xác nhận khác, 2 vị công chúa họ Hùng được thờ cùng với Tam vị Thánh tổ Hùng Vương là 2 con gái của Đế Nghiêu đã gả cho Đế Thuấn.

Ở các di tích trên vùng đất tổ Hùng Vương, 2 công chúa Ngọc Hoa, Tiên Dung thường được thờ bằng ban Hai Cô, hoặc trở thành 2 vị "thành hoàng", thờ cùng với 3 vị Cao Sơn, U Sơn và Ất Sơn. Khu vực ven sông Lô của huyện Phù Ninh, Phú Thọ có tục thờ Ất Sơn và Hai Cô là bởi đây là nơi Đế Thuấn đã rước dâu qua sông, từ vùng kinh đô ở Việt Trì về miền quê núi Lịch ở Tuyên Quang.

Hùng Vương tứ hiếu - Bài 1: Hùng Hi Vương Thánh Tổ- Ảnh 7.

Đình Thọ Vực ở xã Hồng Lạc, Sơn Dương, Tuyên Quang.

Đức hiếu của Hùng Hi Vương

Đế Thuấn đi cày ở Lịch Sơn là Ất Sơn Thánh Vương, vị vua Hùng thứ 3 trong Tam vị Thánh tổ Hùng Vương. Lịch cũng nghĩa là "lịch pháp", liên quan đến lịch khắc trên lưng rùa. Trong sử Việt có chuyện họ Việt Thường cống lịch rùa cho vua Nghiêu như sau:

"Đời Đào Đường, phương Nam có Việt Thường thị qua hai lần sứ dịch sang chầu, dâng con rùa thần; có lẽ nó được đến nghìn năm, mình nó hơn ba thước, trên lưng có văn khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là quy lịch (lịch rùa)".

Có thể thấy họ Việt Thường ở phương Nam cống rùa cho Đế Nghiêu chính là Lịch Sơn Đế Thuấn. Hơn nữa, Kinh Thư chép: "(Vua Nghiêu) sai Hi Thúc đến Nam Giao, quan sát mặt trời di chuyển về phương Nam, ghi ngày Hạ chí. Lúc ngày dài nhất, sao Hỏa đầu hôm ở đỉnh đầu sẽ là ngày trọng Hạ (giữa mùa Hạ). Dân ăn mặc quần áo mỏng, chim thú thay lông".

Hùng Vương tứ hiếu - Bài 1: Hùng Hi Vương Thánh Tổ- Ảnh 8.

Bia rùa chùa An Lịch.

Hi Thúc cũng là Đế Thuấn, người đã tuân mệnh Đế Nghiêu đi khai mở đất Nam Giao, xem thiên tượng mà đề ra lịch pháp. Nam Giao chính là đất Việt Thường xưa.

Đế Thuấn, gương hiếu hạnh đứng đầu Nhị thập tứ hiếu xưa là Hùng Hi Vương, vị Thánh Tổ thứ 3 trong ngọc phả Hùng Vương. Ất Sơn Thánh Vương là người rất có hiếu đễ trong gia đình, sáng tạo trong công việc nông tang, phát triển nghề thủ công làm gốm, sáng chế ra lịch pháp gắn liền với nông nghiệp bên núi Lịch Sơn. Bởi những đức hạnh và công lao này, Ất Sơn đã được vua Hùng Viễn Sơn truyền lại ngôi vua, cai quản thiên hạ. Tên Hi Vương cũng gắn liền với núi Hùng Nghĩa Lĩnh thuộc xã Hi Cương ngày nay.

Chữ Hiếu của Ất Sơn Hi Vương không chỉ là hiếu với cha mẹ, mà đó là sự hiếu hiền trong đối nhân xử thế, sống hết lòng vì mọi người, thu phục được nhân tâm mà trở thành vị vua sáng của thời đại Nghiêu Thuấn thịnh trị trong lịch sử.

Lời tựa trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả nói: Sự trọng yếu của quốc gia, căn bản gốc rễ của thiên hạ là giúp thành cho người dân cày ruộng, đào giếng, làm nghề trồng dâu nuôi tằm, nước giàu quân mạnh, trị vạn dân, biết lấy trọng dưỡng sức dân làm nền tảng.

(Còn nữa)

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hung-vuong-tu-hieubai-1-hung-hi-vuong-thanh-to-179221021100847789.htm