Hồn cốt đích thực của Văn hóa Việt

Hồn cốt đó là thờ cúng tổ tiên. Vì cụ Đồ Chiểu đã dạy: "Thà đui mà giữ đạo nhà / Còn hơn có mắt ông cha không thờ!".

1. 

Không ngẫu nhiên một người dị chủng và khác tín ngưỡng là vị cha cố người Pháp Leopold Cadière, đã viết cả một công trình Việt Nam học về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Hẳn cả đời truyền đạo Gia Tô trên đất này, ông đã hiểu ra rằng thờ cúng tổ tiên là hồn cốt đích thực của người Việt, của văn hóa Việt. Bỏ nó, người Việt không còn là người Việt, cũng tức không thể thành con chiên thực lòng ngoan đạo. 

Thiết nghĩ đó là nguyên nhân sâu xa của việc đức Cha Cadière kiên trì bảo vệ trước Tòa thánh Roma quyền của gia đình người Việt theo đạo Thiên Chúa được đặt ban thờ tổ tiên trong nhà mình.

Bởi vậy, tôi không khỏi áy náy trong lòng khi 3 năm qua do đại dịch COVID phải giãn cách xã hội, không thể về dâng hương trước mấy nấm đất tại quê cha đất tổ là danh hương Hoa Đường xưa, nay, từ năm 2009 là Làng Văn hóa Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang - Hải Dương. 

Cơ may đã đến, Chủ nhật 24/07/2022, tức 26 tháng 6 âm lịch Nhâm Dần là ngày giỗ thứ 171 của ngũ đại tổ Vũ Tông Phan (1800 - 1851), tôi đã được thỏa tâm nguyện.

Tuân theo lời căn dặn của cụ Vũ Đình Hòe, cố Trưởng tộc Vũ-tông Lương Ngọc, việc đầu tiên chúng tôi làm là vào đình chiêm bái Thành hoàng Chí đức Ngọ lang Đại vương Vũ Thiệu, vị Tiến sĩ tử tiết vì chống nhà Mạc. Sau đó ra dâng lễ mọn, thắp hương tại Bia tưởng niệm Liệt tổ Vũ-tông Hoa Đường Thế kỷ 17-18 và Bia tưởng niệm Ngũ đại tổ Vũ Tông Phan cùng Hiển khảo Vũ Đình Hòe tại khu Khu tưởng niệm họ Vũ. Nhân dân và lãnh đạo làng xã chủ động đề nghị và tạo điều kiện đất đai cho tôi xây dựng năm 1996 và 2006. 

Vì, như anh Vũ Đình Năng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã 6 nhiệm kỳ liền, cộng 1 nhiệm kỳ Chủ tịch UBND, từng ngỏ lời: "Như vậy mới trọn nghĩa vẹn tình với cụ Hòe đã cho những ý kiến tâm huyết quý báu và bác Khôi suốt 17 năm đi lại giúp đỡ phục hồi danh hương xưa và xây dựng làng văn hóa mới". 

Cần nói ngay rằng nghĩa cử "tri ân" này, dân làng tôi và vị nguyên Bí thư 6 khóa liền của họ (điều xưa nay hiếm ở chốn quê!) thực hiện với nhiều dòng họ có công với làng nước. Chẳng hạn, nhờ dân làng tôi mà lăng mộ thân phụ của ông Phạm Quỳnh không bị đập phá. Rồi 8 năm trước, tức năm 2014, Bia tưởng niệm nhà văn hóa, tác giả câu nói nổi tiếng "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn - tiếng ta còn, nước ta còn", được dựng đầu tiên trong cả nước. 

Hồn cốt đích thực của Văn hóa Việt - Ảnh 1.

Bia tưởng niệm nhà văn hóa Phạm Quỳnh, tác giả câu nói nổi tiếng
"Truyện Kiều còn, tiếng ta còn - tiếng ta còn, nước ta còn". Ảnh: NGƯT Vũ Thế Khôi cung cấp

2. 

Chính Bí thư Năng từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đã đưa tôi ra đồng "để tận mắt thấy "Lăng Quỳnh" (như cách gọi của dân làng) vẫn tồn tại, bất chấp các cơn bão táp xã hội; đề nghị tôi về báo cáo với Thầy Phạm Tuyên tôi về "tình trạng tàn tạ" do con cháu không dám tìm về từ khi cụ Phạm lâm nạn tháng 8/1945...

Nay thì nhờ nghĩa tình của dân Làng Văn hóa, khu "Lăng Quỳnh" đã được mở rộng và trở nên khang trang. Hài cốt thân mẫu của Cụ Phạm đã quy tập về đây, người vợ tao khang của nhạc sĩ tài hoa đã an táng ở đây, chắc hẳn Thầy tôi rồi cũng sẽ về yên nghỉ tại nơi này. 

Bí thư một xã thôi mà có tầm nhìn xa lắm: "Làng văn hóa không chỉ có cái đình, phải có những ĐIỂM ĐẾN VĂN HÓA để thiên hạ tìm hiểu truyền thống văn hiến của danh hương".

Bí thư một xã thôi mà có tầm nhìn xa lắm: "Làng văn hóa không chỉ có cái đình, phải có những ĐIỂM ĐẾN VĂN HÓA để thiên hạ tìm hiểu truyền thống văn hiến của danh hương".

Lần về quê này có điều đặc biệt là có đại diện của họ Bùi ngõ Phất Lộc cùng về "đáp lễ". Vì trước đây hơn ba năm, tôi có được các vị họ Bùi đang chủ trì việc phục dựng Văn chỉ Thọ Xương ở trong ngõ Văn Chỉ - Bạch Mai - Hà Nội, cho về thăm nguyên quán của dòng họ này ở làng Phất Lộc - Đông Quan - Thái Bình và viếng mộ các tiên tổ họ Bùi; tham quan khảo sát ngôi đình cổ và quả Đại hồng chung khắc bài ký của Thám hoa Lê Quý Đôn. 

Văn chỉ Thọ Xương do cụ doanh nhân Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng cung tiến đến hơn 10 mẫu ruộng, ao và 3 nghìn quan tiền (bấy giờ chỉ 5 quan một con trâu!) xây dựng cho nhóm danh sĩ Hà thành Vũ Tông Phan - Nguyễn Văn Siêu - Nguyễn Văn Lý sử dụng làm trung tâm hoạt động chấn hưng văn hóa Thăng Long.

Đây là cả một mối NHÂN DUYÊN vì văn hiến Thăng Long, mà hai Cụ Phan - Tùng kết nối cách nay ngót hai thế kỷ, tôi sẽ trình các bạn đọc trong bài riêng.

Hồn cốt đích thực của Văn hóa Việt - Ảnh 3.

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi (giữa) bên bia tưởng niệm Tiến sĩ Vũ Tông Phan và Giáo sư Vũ Đình Hòe

Hồn cốt đích thực của Văn hóa Việt - Ảnh 4.

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi (ngoài cùng bên phải) trước Khu tưởng niệm họ Vũ

Hồn cốt đích thực của Văn hóa Việt - Ảnh 5.

Nhà bia "Vũ tộc Hoa Đường" (thế kỷ 17 - 18), lập năm 1997 trên gò Voi trắng cuốn nước,
táng Khởi tổ Vũ-tông (cuối 16-17). Ảnh: NGƯT Vũ Thế Khôi cung cấp

3.

Quanh mâm cơm thịnh soạn, anh Năng thay mặt thân mẫu đã ngoại cửu tuần, cùng con trai, con gái và con dâu đãi khách, chúng tôi trò truyện rôm rả về địa linh, nhân kiệt Hoa Đường - Lương Ngọc. 

Anh Năng cho biết, có 3 vị nhân kiệt danh hương Hoa Đường được các làng quanh vùng thờ làm Thành hoàng. 

Tôi báo cáo: Làng ta không phải chỉ có hai Bộ trưởng giáo dục như các cụ thường khoe. Xuân Nhâm Dần mới rồi, tôi may mắn phát hiện vị Bộ trưởng giáo dục thứ ba là cụ Tiến sĩ Luật khoa Đại học Đông Dương Vũ Quốc Thúc, mới khuất núi năm trước, từng giữ chức này trong nội các của ngài Ngô Đình Diệm. 

Cụ Thúc với cụ Hòe chẳng những là đồng môn Đại học Đông Dương, đồng hương Lương Ngọc, mà căn cứ bản tộc phả chữ Hán biên soạn đầu đời Gia Long và 2 tập hồi ký của cụ Vũ Quốc Thúc, "Thời đại của tôi", mới công bố ở Paris, còn đồng tộc Vũ-tông Hoa Đường - Lương Ngọc: Lục đại tổ của hai Cụ là Hương cống Vũ Tông Uyển và Giải nguyên Vũ Hữu Cơ là anh em con chú con bác. Cụ Hòe thuộc dòng trưởng, cụ Thúc thuộc dòng thứ. Nhờ phúc ấm tổ tiên hai Cụ thuộc hai phe thù địch trong cuộc chiến 30 năm, đã không phải đối diện trên một cây cầu độc mộc! 

Mồng Một Nhâm Dần - Tết Cha năm nay - tôi đã kính cáo Cụ Hòe về phát hiện mới này.

Tôi cũng trao anh Năng tài liệu văn bia đời Mạc, cho biết Hoa Đường được thành lập không phải "SAU Lê Trung hưng", như danh sĩ Phạm Đình Hổ viêt trong sách "Vũ trung tùy bút". Bởi lẽ trong văn bia đời Mạc, khắc năm 1537 trên vách đá động Hương Nham ở Tuyên Quang, đã có câu: Nguyễn Thụy HOA ĐƯỜNG XÃ nhân". Như vậy, rõ ràng xã Hoa Đường có từ trước đời Lê Trung Hưng. 

Cụ thể từ bao giờ? Câu đối cổ thờ Tiến sĩ tử tiết Vũ Thiệu, mà giáo thụ kiêm thương tá phủ Bình Giang Vũ Hữu Liên phát hiện tại "Tiết Nghĩa miếu", đầu đời vua Thành Thái, tức cuối thế kỷ 19 vẫn còn ở Lương Ngọc, đã gắn liền việc Vũ Thiệu đỗ tiến sĩ năm1493 đời Lê Thánh Tông, với việc ngài lập ấp trên đất vua ban theo lệ có từ đời Hồng Đức 1473: "Tam giáp khoa danh (danh tính nêu trên 3 bảng tiến sĩ) khai ấp lý (mở mang ấp và thôn)". 

"Ấp" là đất vua ban, "lý" là thôn xóm dân đã ở, tức thôn Bông vốn thuộc xã Ngọc Cục. Tân quan Nghè Nho học phải đặt tên chữ cho xã mới, thành lập trên đất ông được ban và đất gia tộc ông cùng dân làng cư trú từ xưa. Bông là hoa, vậy tên chữ Ngài đặt cho xã mới là HOA ĐƯỜNG.

Nếu giả thiết này đúng thì sang năm, 2023, Hoa Đường - Lương Ngọc tròn 530 năm. Tôi nhờ anh Năng báo cáo lại với bà con dân làng và lãnh đạo làng Văn hóa như vậy.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hon-cot-dich-thuc-cua-van-hoa-viet-179220728162321822.htm