Hội Nhà báo Hà Nội làm việc với Bộ đội Biên phòng Kiên Giang

TTH
23:07 - 16/05/2023

Ngày 16/5, tại Kiên Giang, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang và Hội Nhà báo Hà Nội đã có cuộc làm việc về nội dung phối hợp công tác tuyên truyền. Đồng thời 2 bên chia sẻ kết quả chuyến công tác các nhà báo của Hội Nhà báo Hà Nội đã tác nghiệp trên vùng biên giới Tây Nam Bộ.

Hội Nhà báo Hà Nội làm việc với Bộ đội Biên phòng Kiên Giang - Ảnh 1.

Đoàn cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí Hà Nội thăm và làm việc với Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Nguyệt Ánh

Làm việc với đoàn công tác Hội Nhà báo Hà Nội, Đại tá Huỳnh Văn Đông, Chính uỷ Bộ đội Biên phòng Kiên Giang bày tỏ niềm vui khi đón tiếp các nhà báo từ Hà Nội đến với mảnh đất xa xôi nhất Tây Nam Bộ là Kiên Giang. 

Đại tá Huỳnh Văn Đông thông tin: Bộ đội Biên phòng Kiên Giang quản lý địa bàn bao gồm nhiều địa hình đất liền, biển, hải đảo, có đầu mối đồn biên phòng ở đảo xa đất liền 200km. Đóng chân tại các địa bàn khó khăn, cán bộ, chiến sĩ biên phòng và đồng bào biên giới san sẻ, đùm bọc bằng nhiều chương trình an sinh xã hội ý nghĩa như: Chăm sóc, hỗ trợ Mẹ Việt Nam anh hùng, chương trình "Nâng bước em tới trường", "con nuôi đồn Biên phòng". 

Năm 2022, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang đã thực hiện công tác dân vận, đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội tổng trị giá 3,9 tỷ đồng; xây dựng và bàn giao 7 căn "Nhà đồng đội", 2 căn nhà chính sách, 2 căn nhà "Tết quân dân năm 2023".

Đặc biệt trong thời gian cách ly do dịch bệnh COVID-19, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang đã chủ động nguồn thực phẩm mang tận nhà hỗ trợ bà con nhân dân. Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang duy trì 85 chốt chống dịch, 4 tổ cơ động, huy động tối đa quân số tham gia tuần tra, chốt chặn thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19; chống buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép trên biên giới, biển đảo. 

Suốt thời gian diễn ra dịch COVID-19, địa bàn biên giới Kiên Giang giáp với nước bạn không xảy ra thẩm lậu dịch bệnh, hàng lậu, an ninh chính trị ổn định. Bộ đội Biên phòng Kiên Giang lại nỗ lực cùng đồng bào biên giới phục hồi kinh tế, xã hội. 

Đặc biệt, là thời gian gần đây, các đơn vị biên phòng tuyến biển và hải đảo của Bộ đội Biên phòng Kiên Giang thường xuyên phải tăng cường tuyên truyền cho ngư dân không đánh bắt hải sản tại vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, các đơn vị biên phòng sử dụng nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn cho ngư dân khi ra khơi, bám biển.

Hội Nhà báo Hà Nội làm việc với Bộ đội Biên phòng Kiên Giang - Ảnh 3.

Đại tá Huỳnh Văn Đông, Chính uỷ Bộ đội Biên phòng Kiên Giang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTH

Tại buổi làm việc, nhà báo Tô Quang Phán, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội cảm ơn Bộ đội Biên phòng Kiên Giang đã tạo điều kiện để các nhà báo tiếp cận, tác nghiệp tại 2 đồn biên phòng Tây Yên và Phú Mỹ. 

Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội nhấn mạnh: Các nhà báo Hà Nội mong muốn được tiếp cận với hoạt động của Bộ đội Biên phòng dưới góc độ chia sẻ, tri ân, phản ánh trung thực chức năng, nhiệm vụ, sự hy sinh thầm lặng, giúp công chúng báo chí hiểu hơn sự gian khổ của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng.

"Bộ đội Biên phòng đã ở những nơi khó khăn, gian khổ, đầu sóng ngọn gió. Thế hệ trẻ giờ đây không phải ai cũng biết được những hy sinh cao cả đó, nên công tác giáo dục truyền thống rất quan trọng. Báo chí chúng tôi là kênh tuyên truyền chính thống làm nhiệm vụ đó. Chúng tôi đã rất xúc động khi được cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên biên giới Tây Nam" - Nhà báo Tô Quang Phán chia sẻ.

Hội Nhà báo Hà Nội làm việc với Bộ đội Biên phòng Kiên Giang - Ảnh 4.

Bộ đội Biên phòng Kiên Giang và Hội Nhà báo Hà Nội mong muốn tăng cường thêm hoạt động phối hợp, chia sẻ thông tin tuyên truyền. Ảnh: Nguyệt Ánh

Hội Nhà báo Hà Nội đã tặng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang bức tranh "Hồ gươm - trái tim của thủ đô", qua đó, bày tỏ mong muốn tăng cường sự phối hợp, giao lưu để chia sẻ thông tin, hỗ trợ công tác thông tin tuyên truyền.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hoi-nha-bao-ha-noi-lam-viec-voi-bo-doi-bien-phong-kien-giang-179230516224151101.htm