Hội Khuyến học Việt Nam dâng hương tưởng nhớ công lao các Anh hùng liệt sĩ tại Quảng Trị
Tiếp tục chuyến công tác, sáng 5/8 Hội Khuyến học Việt Nam thăm viếng khu Di tích lịch sử hang Tám Cô, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi quy tập phần mộ các liệt sĩ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam, trên tuyến đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh.
Nghĩa trang có diện tích 140.000m², nằm trên 3 quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải, ranh giới phân đôi đất nước thời chiến tranh Việt Nam. Đây là một trong 72 nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Quảng Trị.
Đây là khu an táng của 10.333 liệt sĩ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam; được chia thành 10 khu vực theo địa phương: Hà Nội, Bình Trị Thiên, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Hải Hưng, Thái Bình, Hà Bắc, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hải Phòng, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Hà Tiên... nơi liệt sĩ sinh ra và một khu dành cho các liệt sĩ khuyết danh.
Tiếp tục chuyến công tác sáng 5/8, Hội Khuyến học Việt Nam ghé thăm khi Di tích lịch sử hang Tám Cô (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Chiều 14/11/1972, khi việc khôi phục giao thông sắp hoàn thành thì có báo động máy bay Hoa Kỳ oanh tạc, các chiến sĩ trong đơn vị đã kịp rút về hầm trú ẩn, 8 thanh niên xung phong chỉ kịp chạy vào trú ẩn tại một hang đá lớn.
Khi hết máy bay, các tổ thanh niên xung phong lại tiếp tục lao ra mặt đường. Mọi người hoảng hốt khi một tảng đá lớn lấp kín cửa hang nơi có 8 thanh niên xung phong đang ẩn nấp. Ngay lập tức chỉ huy Đội thanh niên xung phong 25 và Binh trạm 14 đã tìm mọi biện pháp để cứu đồng đội nhưng phương tiện cứu trợ ít ỏi, thô sơ, và thời gian chiến tranh cấp bách nên không thể cứu được 8 thanh niên xung phong trong hang.
Ngày 11/5/1996, lực lượng tìm kiếm phát hiện thấy bộ hài cốt đầu tiên được xác định là của liệt sĩ Hoàng Văn Vụ và một cụm xương, tóc, răng cùng một số kỷ vật lẫn lộn. 7 tiểu sành khác được tách từ cụm xương, tóc, răng, được cho là hài cốt 7 thanh niên xung phong còn lại. Quê quán của 8 liệt sĩ cùng tại Hoằng Hoá, Thanh Hoá.
Kết thúc sáng 5/8, Đoàn công tác Hội Khuyến học Việt Nam đã đến dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9.
Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 là một trong những nghĩa trang liệt sĩ có quy mô lớn nhất Việt Nam, nằm bên cạnh đường quốc lộ 9, trên một vùng đồi cách trung tâm TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi yên nghỉ của khoảng một vạn anh hùng, liệt sĩ, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Nghĩa trang có tổng diện tích là 13 ha, quy tụ gần 9.500 mộ liệt sỹ (con số tương đối vì có những ngôi mộ tập thể). Trong đó có 3.227 mộ liệt sỹ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh thành, có 785 mộ xác định chưa đầy đủ, còn lại chưa rõ tên tuổi.
Trong không khí trang nghiêm, GS.TS Nguyễn Thị Doan đã bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, tri ân tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.