Hội Khuyến học Tam Kỳ: Phấn đấu đạt tiêu chí "Thành phố học tập"
Với bề dày 30 năm phát triển, Hội Khuyến học Tam Kỳ đề ra nhiệm vụ trọng tâm là phấn đấu đến năm 2025 đưa Tam Kỳ đạt các tiêu chí "Thành phố học tập" và trở thành thành viên của mạng lưới "Thành phố học tập toàn cầu" của UNESCO.
Thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) xưa nay vốn được mệnh danh là vùng đất có truyền thống hiếu học, nơi đây đã sản sinh ra rất nhiều vị khoa bảng, doanh nhân tài ba lỗi lạc đã được sử sách ghi công.
Vào năm 1987, khi thành phố vẫn còn đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại, tiềm lực kinh tế còn nghèo nàn, trường lớp còn tạm bợ đổ nát chưa kiên cố.
Trước tình cảnh đó, với nhiệm vụ cấp bách và nặng nề là khởi công xây dựng trường học, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của thành phố. Lãnh đạo thành phố lúc bấy giờ, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng ( sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương ) đã khởi xướng vận động một số người có tâm huyết với sự nghiệp Giáo dục để thành lập Ban Vận động Khuyến học.
Ban Vận động Khuyến học ra đời trên 10 người do thầy giáo hưu trí Nguyễn Trân, nguyên hiệu trưởng trường Trung học Trần Cao Vân làm trưởng ban vận động, các đồng chí Thường vụ Thị ủy, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân được phân công tham gia từng mảng công việc khuyến học để hỗ trợ Ban Vận động.
Mặc dù mới thành lập nhưng sau khi ra đời, Ban Vận động Khuyến học đã tích cực hoạt động, vận động nhân dân cùng cán bộ chung tay đóng góp kinh phí, ngày công, cùng nhà trường tu sửa lại trường lớp phục vụ cho dạy và học.
Ngoài ra, khuyến khích tuyên truyền các gia đình có con em bỏ học giữa chừng trở lại trường lớp, nhận đỡ đầu cho những trường hợp gia đình thương binh, liệt sĩ, hỗ trợ khó khăn cho hộ nghèo. Sự ra đời của Ban Vận động Khuyến học Tam Kỳ ở thời điểm đó đã trở thành lực lượng tiên phong, nòng cốt, đưa phong trào học tập của thị xã lúc bấy giờ dần phục hồi và đi lên mạnh mẽ.
Thực tế đã cho thấy, với sự hoạt động hiệu quả của Ban Vận động Khuyến học thị xã Tam Kỳ vào những năm cuối của thập niên 80 đã trở thành tiền đề quan trọng đóng góp vào sự ra đời của Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vào năm 1991. Đến tháng 6/1992, Hội Khuyến học thị xã Tam Kỳ chính thức là thành viên của Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ.
Tính cho đến nay, Hội Khuyến học thành phố Tam Kỳ đã có trên 840 tổ chức thành viên phủ kín địa bàn từ cơ quan, trường học, doanh nghiệp đến thôn làng, khối phố, tổ dân phố... với trên 25.000 hội viên luôn nhiệt tình tâm huyết, tận tụy, sát cánh cùng nhà trường và các ngành có liên quan để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục địa phương.
Trong suốt chặng đường chông gai và đầy vất vả ấy, phong trào khuyến học của thành phố Tam Kỳ đã chắp cánh ước mơ cho hàng triệu học sinh nghèo viết tiếp tương lai, vững bước trên hành trang tươi sáng.
Hằng năm có hàng ngàn học sinh, sinh viên, con em gia đình nghèo khó được cấp học bổng, hàng chục nghìn lượt học sinh giỏi được khen thưởng với kinh phí gần chục tỷ đồng.
Chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, Hội Khuyến học Tam Kỳ đã huy động gần 30 tỷ đồng, cấp học bổng, hỗ trợ khó khăn cho trên 24.000 lượt học sinh, sinh viên với tổng số tiền trên 11 tỷ đồng, khen thưởng gần 120.000 lượt em với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng.
Đáng mừng là những năm qua Hội Khuyến học Tam Kỳ đã duy trì được 05 chương trình học bổng dài hạn cho gần 1.000 em với mỗi suất từ 700.000 đồng đến 11.000.000 đồng giúp các em giảm bớt khó khăn về tài chính, yên tâm học tập.
Bên cạnh các hoạt động khuyến học, công tác khuyến tài cũng được Hội đặc biệt quan tâm. Hằng năm, trong lễ tuyên dương khen thưởng ngành giáo dục do UBND thành phố tổ chức, Hội khuyến học thành phố Tam Kỳ đã khen thưởng cho các cán bộ, giáo viên có thành tích suất sắc trong công tác giảng dạy để kịp động viên, khích lệ tinh thần đến các thầy cô giáo.
Tháng 8/2014, thành phố Tam Kỳ được UBND tỉnh Quảng Nam giao nhiệm vụ triển khai thí điểm các mô hình học tập suốt đời, xây dựng "gia đình học tập", "dòng họ học tập", "cộng đồng học tập, "đơn vị học tập" theo Quyết định số 89 và 281 của Thủ tướng Chính Phủ.
Tuy gặp nhiều khó khăn ban đầu nhưng với sự quyết tâm của đội ngũ làm công tác khuyến học từ thành phố đến xã phường đã tích cực vào cuộc tham mưu cho cấp ủy, UBND ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch thực hiện và là lực lượng nòng cốt tổ chức triển khai thực hiện.
Nhờ vậy mà chỉ trong thời gian ngắn sau khi phát động, các phong trào xã hội học tập đã được lan toả mạnh lẽ trên phạm vi toàn thành phố, tạo được khí thế thi đua, tinh thần phấn khởi trong toàn dân với hơn 55% hộ gia đình đăng ký thực hiện "gia đình học tập", 100% dòng họ hiếu học trước đây đăng ký chuyển sang "dòng họ học tập", 100% thôn, khối phố đăng ký thực hiện "cộng đồng học tập", 95% cơ quan, đơn vị, trường học đăng ký thực hiện "đơn vị học tập".
Đến cuối năm 2020 - năm kết thúc giai đoạn của đề án thành phố Tam Kỳ có 27.456 gia đình đạt tiêu chí "gia đình học tập" đạt tỷ lệ 90%/tổng số hộ, vượt 20% kế hoạch thành phố đề ra, 82 dòng họ đạt tiêu chí "dòng họ học tập" chiếm 95,3% vượt 25% kế hoạch. 96,4% thôn, khối phố đạt tiêu chí "cộng đồng học tập" vượt 26,4%, 98,6% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chí "đơn vị học tập" vượt 8,6%.
Bên cạnh công tác khuyến học, khuyến tài thời gian qua công tác xây dựng phong trào, cộng đồng học tập, đơn vị học tập cũng đạt nhiều kết quả nổi bật và ấn tượng, hiện hữu rõ ràng trên từng con số. Đó là 100% thôn, khối phố đạt danh hiệu "Cộng đồng học tập", 100% đơn vị đạt danh hiệu "Đơn vị học tập".
Đáng chú ý là một số địa phương đã thành lập được quỹ khuyến học, khuyến tài nhằm động viên khuyến kích tinh thần học tập của các tầng lớp nhân dân. Tiêu biểu như Giải thưởng Khuyến học Lâm Cao Tuệ của xã Tam Thanh. Giải thưởng mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - liệt sĩ Lâm Cao Tuệ ra đời là khát vọng của Đảng bộ, nhân dân Tam Thanh trong việc thúc đẩy phong trào học tập, khuyến học, khuyến tài của xã phát triển, cũng chính là lời nhắn gửi của thế hệ cha anh đi trước đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau cố gắng học tập để xây dựng quê hương giàu đẹp.
Hay ghi nhận tại phường Tân Thạnh, địa phương xác định "Mô hình xã hội học tập chính là chìa khoá để nhân dân thoát nghèo", và lấy đó làm khẩu hiệu trong tuyên truyền, phát động phong trào khuyến học, khuyến tài đến mọi tầng lớp nhân dân. Con em trên địa bàn phường luôn được quan tâm, động viên kịp thời bằng các quỹ khen thưởng học tập.
Đặc biệt, địa phương còn thành lập và duy trì Giải khuyến tài phường Tân Thạnh để kịp thời động viên khuyến khích các cá nhân có thành tích xuất sắc và có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi. Nhờ đó mà các mô hình xã hội học tập tại địa phương lan toả rất mạnh mẽ.
Ngoài những hoạt động kể trên, điểm nổi bật trong hoạt động Khuyến học của thành phố Tam Kỳ là Giải thưởng Phan Châu Trinh. Thành lập năm 2001 đến nay, thành phố đã tổ chức 20 lần trao thưởng. Qua 20 lần trao thưởng đã có hơn 1.000 tập thể và cá nhân được tôn vinh. Trong đó 6 tập thể và 9 cá nhân là những người sáng lập và có đóng góp lớn cho giải thưởng; 995 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong học tập giảng dạy, nghiên cứu, công tác, trong đó có 03 nhà giáo ưu tú, 03 giáo sư, phó giáo sư, 42 tiến sĩ, 111 thạc sĩ xuất sắc, 9 bác sĩ chuyên khoa I, II, 21 giáo viên giỏi, 81 học sinh, sinh viên đạt giải cấp quốc gia, quốc tế, 169 học sinh, giáo viên đạt giải nhất cấp tỉnh, 532 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi với tổng kinh phí khen thưởng trên 2 tỷ 220 triệu đồng.
Giải thưởng Phan Châu Trinh đã trở thành truyền thống, mang bản sắc riêng của thành phố, tạo được giá trị tinh thần, tôn vinh việc học và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của sự nghiệp giáo dục - đào tạo và phong trào thi đua học tập của tuổi trẻ thành phố Tam Kỳ trong suốt hàng chục năm qua.
Đặc biệt, Hằng năm trước ngày tổ chức lễ trao Giải, Thường trực Hội Khuyến học thành phố Tam Kỳ cùng các em học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, cán bộ được nhận giải tổ chức viếng hương, đặt vòng hoa tại Nhà thờ cụ Phan Châu Trinh tại xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh để bày tỏ lòng tri ân đối với cụ - người luôn trọng vai trò của giáo dục trong sự canh tân đất nước.
Với những thành tích đóng góp đó, Nhiều năm liền, Hội Khuyến học thành phố Tam Kỳ luôn nhận được các danh hiệu thi đua cao quý; trong đó đáng chú ý nhất là đã nhận được: 2 cờ thi đua và 1 bằng khen đơn vị dẫn đầu cụm đồng bằng của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam vào các năm 2016, 2017, 2019; cờ thi đua xuất sắc của Hội Khuyến học Việt Nam vào các năm 2018, 2020 và nhiều bằng khen, giấy khen khác của các cấp; là đơn vị luôn ở tốp đầu của phong trào thi đua toàn tỉnh. Đặc biệt, năm 2017 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Hội Khuyến học thành phố trong giai đoạn 2012-2016.
Để đạt được những kết quả nêu, phải kể đến việc làm đầy trách nhiệm của đội ngũ những người làm công tác khuyến học từ thành phố đến cơ sở trong suốt 30 năm qua.
Đó là sự tâm huyết của các bậc tiền bối đã "khai sinh" ra Ban vận động khuyến học trong buổi đầu đầy gian khó, như đồng chí nguyên Bí thư Thị uỷ Vũ Ngọc Hoàng, thầy giáo Nguyễn Trân - Trưởng ban vận động thành lập Hội Khuyến học thị xã và nhiều đồng chí khác ….
Đó là sự lãnh đạo đầy nhiệt huyết, trách nhiệm và xứng tầm của các đồng chí Chủ tịch Hội qua các nhiệm kỳ như: bác Trần Văn Thiệp, Thầy Nguyễn Văn Tấn, Thầy Thái Nho, bác Dương Thanh Xuân, Thầy Nguyễn Văn Long; và các đồng chí Phó Chủ tịch Hội qua các nhiệm kỳ như: bác Trần Duy Tung, Thầy Đinh Quốc Việt, Thầy Bùi Tấn Nhã, … Đó còn là sự đồng hành đầy trân quý của các tổ chức, nhà tài trợ, mạnh thường quân và sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố... Tất cả đã cùng chung tay làm tròn "sứ mệnh" Khuyến học của thành phố Tam Kỳ trong hành trình 30 năm xây dựng và phát triển. Thế hệ làm công tác khuyến học hôm nay tri ân, tiếp nối kế thừa và quyết tâm chèo lái con thuyền khuyến học Tam Kỳ vươn xa hơn nữa.
Để viết tiếp truyền thống hiếu học của một vùng đất "Địa linh nhân kiệt", nơi khởi xướng phong trào Duy Tân, trong giai đoạn tiếp theo, Thành phố Tam Kỳ đề ra nhiệm vụ trọng tâm là phấn đấu đến năm 2025 đạt các tiêu chí "Thành phố học tập" và trở thành thành viên của mạng lưới "Thành phố học tập toàn cầu" của UNESCO.
Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi các cấp hội cần phải nỗ lực nhiều hơn, tiếp tục động viên cán bộ, hội viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tâm huyết năng động và sáng tạo hơn nữa vì sự nghiệp trồng người để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, đưa các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của thành phố đạt kết quả cao hơn, phấn đấu sớm đạt mục tiêu thành phố học tập góp phần vào sự phát triển của sự nghiệp Giáo dục và đào tạo của thành phố, xây dựng thành phố đạt tiêu chí đô thị loại 1 theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI đề ra.
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công, góp phần tích cực vào sự phát triển sự nghiệp giáo dục của thành phố, xứng tầm là một thành phố một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội hàng đầu của tỉnh Quảng Nam.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hoi-khuyen-hoc-tam-ky-phan-dau-dat-tieu-chi-thanh-pho-hoc-tap-179220714113256027.htm