Hội khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tìm cách tháo gỡ khó khăn trong công tác khuyến học
Ngày 3/11, Hội khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tổ chức hội nghị giao ban công tác khuyến học, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm xây dựng mô hình Công dân học tập.
Hội nghị đánh giá công tác của hội khuyến học các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng (cụm 3) kể từ tháng 6 đến nay; thống nhất định hướng trong thời gian tới, trao đổi kinh nghiệm, thảo luận tìm kiếm giải pháp khắc phục những khó khăn trong xây dựng mô hình Công dân học tập.
Tham dự hội nghị, về phía Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam có Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Lê Mạnh Hùng; Trưởng Ban Thông tin - Tuyên truyền Nguyễn Tiến Dũng; Phó Trưởng Ban Phong trào Nguyễn Đình Mạnh.
Về phía thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Phạm Anh Tuấn, đại diện các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội.
Cùng dự có lãnh đạo hội khuyến học các tỉnh, thành phố của cụm thi đua khuyến học số 3, bao gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên; đại diện hội khuyến học các quận, huyện của Hà Nội.
Cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch công tác khuyến học năm 2023
Báo cáo công tác khuyến học – khuyến tài của hội khuyến học các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng thời gian qua, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết, đến nay, các hội cơ bản đã hoàn thành mục tiêu, kế hoạch công tác năm 2023.
Hội khuyến học các tỉnh, thành phố trong cụm thi đua khuyến học số 3 đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền có văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Đồng thời đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt sử dụng có hiệu quả mạng xã hội giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong tầng lớp nhân dân.
Hội khuyến học các tỉnh, thành phố trong cụm phát triển các tổ chức hội khuyến học ở các cộng đồng dân cư, các cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, lực lượng vũ trang; tổ chức triển khai, hướng dẫn và tiến hành cho đăng ký danh hiệu các mô hình học tập và mô hình công dân học tập theo bộ tiêu chí mới; tổ chức hội nghị, tọa đàm về xây dựng và nâng cao chất lượng các mô hình học tập giai đoạn 2021-2030; tiếp tục tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác khuyến học cho cán bộ cơ sở.
Hội khuyến học các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và tổ chức chính trị-xã hội về công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Phát huy thế mạnh của địa phương, các hội khuyến học các tỉnh, thành phố tiếp tục nhân rộng các mô hình xây dựng quỹ khuyến học – khuyến tài với nhiều hình thức phong phú. Qua đó, tổ chức khen thưởng, trao quà động viên khích lệ học sinh, sinh viên, người lao động, góp phần có hiệu quả vào sự phát triển của giáo dục, khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập các tỉnh, thành phố.
Chuẩn bị cho tổng kết công tác hội năm 2023
Trong quá trình thực hiện công tác, hoạt động của hội khuyến học các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Trong đó, các điều kiện cho hoạt động của Hội Khuyến học còn gặp nhiều khó khăn như kinh phí hạn hẹp, thiếu cơ sở vật chất, điều kiện làm việc; nhiều tổ chức Hội chưa được công nhận hội đặc thù.
Việc tiếp thu bộ công cụ đánh giá mô hình công dân học tập chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chung. Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở một số cấp, ngành, địa phương, đơn vị còn hạn chế.
Các đại biểu đại diện cho hội khuyến học các tỉnh, thành thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Đắc Quang
Trong thời gian tới, hội khuyến học các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng tiếp tục thực hiện công tác theo kế hoạch năm đề ra; chuẩn bị tổng kết công tác hội năm 2023, xây dựng phương hướng, nhiệm vụ công tác hội khuyến học năm 2024; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức hội nghị giao ban hội khuyến học trong cụm tại tỉnh Ninh Bình (dự kiến quý 1 năm 2024).
Tại hội nghị, các đại biểu đã làm rõ những hạn chế, khó khăn của hội khuyến học tỉnh, thành phố trong thực hiện công tác; thảo luận tìm ra giải pháp khắc phục; tọa đàm chuyên sâu về thúc đẩy xây dựng mô hình Công dân học tập.
Đồng thời nêu lên những kiến nghị với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam để thúc đẩy công tác khuyến học – khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong thời gian tới.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao kết quả hoạt động của các hội khuyến học trong cụm 3 đã đạt được thời gian qua. Trong đó, các cấp hội đã có những hoạt động tích cực, tâm huyết, giúp phong trào khuyến học - khuyến tài thiết thực, hiệu quả hơn.
Nhận thức của cấp ủy, chính quyền khu vực đồng bằng sông Hồng về công tác khuyến học - khuyến tài ngày càng sâu sắc; công tác tham mưu của các hội khuyến học ngày càng chủ động, bài bản, cụ thể.
Trên cơ sở đó nâng cao phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể hiệu quả. Các mô hình học tập thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; đa dạng các loại hình quỹ khuyến học, đã hỗ trợ hiệu quả sự học của học sinh, sinh viên, nhân dân. Từ đó, công tác khuyến học - khuyến tài có sức lan tỏa rộng khắp trong các cấp, các ngành, đoàn thể và cả nước.
Ông Lê Mạnh Hùng cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước khó khăn, cùng những tác động mạnh mẽ của thế giới, bùng nổ thông tin, cạnh tranh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thì phải tiếp tục đổi mới tư duy về công tác khuyến học - khuyến tài.
"Khuyến học là dành cho tất cả mọi người, góp phần đào tạo con người có hiểu biết, có sức khỏe, trí tuệ, nghị lực. Khuyến tài là dành cho những người tài năng để dẫn dắt, phát triển xã hội", ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Để công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong các tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng sông Hồng đạt hiệu quả hơn nữa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị các hội cần xác định rõ được những cơ sở pháp lý để thực hiện các Quyết định 387/QĐ-TTg và Quyết định 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với ngành tuyên giáo, ngành giáo dục và đào tạo để đưa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến học - khuyến tài đến với cấp ủy, chính quyền; quan tâm nhiều hơn đến các trung tâm học tập cộng đồng; triển khai toàn diện các mô hình học tập, trong đó chú trọng đến mô hình Công dân học tập, Gia đình học tập và Dòng họ học tập.
Bên cạnh đó, các hội cần đa dạng loại hình quỹ khuyến học, hỗ trợ, giúp đỡ cho nhiều người hơn nữa trong sự học, gắn liền với đời sống của người dân; đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến học vững mạnh, vận động đông đảo các cán bộ, các cấp, các ngành làm khuyến học.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu trong hội nghị. Đồng thời khẳng định sẽ báo cáo lại với Trung ương Hội để có hướng tháo gỡ vướng mắc.