Hội An - xúc cảm miễn phí và giá trị của một di sản
48 giờ sau khi thông tin về việc thành phố Hội An, Quảng Nam sẽ thực hiện phương án bán vé đối với mọi du khách đến tham quan khu phố cổ đưa ra, công chúng vẫn không ngớt bàn luận.
Vì sao Hội An và việc bán vé tham quan di tích - một việc đáng lẽ khá bình thường đối với các điểm du lịch lại được quan tâm như vậy?
Phương án bán vé thu phí Hội An chưa thoả đáng?
Chính quyền thành phố Hội An cho biết họ sẽ phân ra hai lối đi tại các đường chính vào phố cổ. Trong đó một lối đi dành cho người địa phương và một lối đi cho du khách. Phương án này dự kiến áp dụng từ ngày 15/5. Thời gian bán vé từ 7 giờ 30 đến 21 giờ 30 hằng ngày vào mùa hè và 7 giờ 30 đến 21 giờ vào mùa đông.
Sở dĩ thành phố Hội An có phương pháp mới về việc thu phí vào phố cổ là bởi muốn tạo ra môi trường công bằng cho tất cả khách du lịch. Cư dân phố cổ không phải mua vé, còn lại giá vé khách quốc tế là 120.000 đồng và khách nội địa 80.000 đồng một lượt.
Tựu chung lại, Hội An sẽ áp dụng mô hình lấy di sản nuôi di sản. Nguồn thu từ vé tham quan của du khách sẽ phục vụ cho việc trùng tu công trình văn hóa, cải tạo hạ tầng trong khu phố cổ, phục vụ tổ chức các sự kiện du lịch, cũng như hỗ trợ người dân trong việc cải tạo nhà.
Thành phố dự kiến kinh phí tu bổ di sản cũng lấy từ nguồn thu vé tham quan. Người dân và du khách ở lại Hội An lâu ngày sẽ có nhận diện, lối đi riêng. Ngoài ra, những trường hợp vào phố cổ để làm việc tại các cơ sở kinh doanh, nhà hàng sẽ không thu phí nhưng đơn vị phải đảm bảo đúng mục đích. Nếu phát hiện tham quan mà trốn vé sẽ bị phạt.
Còn lại, ai đến Hội An cũng phải có trách nhiệm mua vé - đại diện thành phố di sản - ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch thành phố Hội An khẳng định.
Hội An là di sản có giá trị ngoại hạng về văn hoá, kiến trúc và lịch sử. Sự hấp dẫn của Hội An tăng lên theo từng năm - theo đánh giá của du khách không nằm ở các di tích vật thể.
Vậy giá trị của Hội An nằm ở đâu?
Phương pháp quản lí và lợi ích kinh tế du lịch - chuyện muôn đời khó nói
Điều đáng nói là việc thu phí tham quan đối với các di tích là việc không mới, cũng không lạ lẫm đối với bất cứ địa phương nào. Hội An hiện đang thực hiện bán vé thu phí ở những điểm tham quan nhất định. Du khách muốn vào một số ngôi nhà cổ, các công trình đình, chùa, cầu, quán cổ, công trình kiến trúc cổ, triển lãm... họ đều phải mua vé tham quan. Và xưa nay, các điểm tham quan này dù bán vé nhưng vẫn rất đông du khách ghé qua.
Hội An có hàng trăm ngôi nhà gỗ lịch sử, cũng như những ngôi đền, chùa linh thiêng và cây cầu Nhật Bản từ những năm 1700. Hiện những địa điểm này đều có thu phí tham quan.
Thêm nữa, hiện nay, Hội An đã cấm xe gắn máy vào trong phố cổ, dành không gian cho xe đạp và người đi bộ. Các tuyến phố chính rất nhỏ hẹp bao gồm các tiệm dịch vụ, hàng ăn, hàng cà phê, không gian dạo chơi trang trí đèn lồng, đốt trầm hương và nhang đèn mỗi tối nhằm tạo ra cảm giác huyền ảo, phục dựng lại bóng dáng thị cảng cổ xưa kia của Hội An. Mỗi đêm ở phố cổ có chơi bài chòi theo lối xưa, gánh hàng rong, thả đèn hoa đăng... đều là không khí nhân tạo - công sức của chính quyền địa phương và người dân tạo dựng.
Như vậy, toàn bộ không gian phố cổ được tính là di sản, không phải địa điểm riêng lẻ nào. Trong phạm vi vùng lõi khu vực 1 của di sản, nơi tập trung quần thể các công trình di sản cổ ở một số trục đường cắt theo trục ngang từ bờ Bắc sông Hoài chừng 400 mét, chiều dài tầm 1,5 kilômet sẽ là nơi du khách phải mua vé khi bước chân vào đây.
Còn lại, ngoại vi vùng lõi gồm rất nhiều khu vực dịch vụ và toàn bộ bờ Nam sông Hoài đều dành cho du khách dạo chơi miễn phí và thụ hưởng các dịch vụ.
Đáp lại những phản ứng từ dư luận về việc bán vé thu phí, thành phố Hội An đã đưa ra nhiều giải trình liên quan đến việc quyết định thu phí tham quan Hội An. Ngoài việc áp dụng phương pháp mới trong thu phí của Hội đồng nhân dân thành phố Hội An thì rõ ràng, đằng sau đó là việc thu phí theo cách cũ đã không hiệu quả. Trong nội tình của địa phương có nhiều bất cập trong việc quản lý di sản dẫn đến hiệu quả thấp trong kinh tế du lịch chỉ có địa phương là rõ nhất.
Một tình trạng rất hay gặp phải đối với các địa phương trong quản lí và khai thác di sản là trách nhiệm bảo tồn và tôn tạo, tu bổ di tích thuộc về địa phương. Họ cho rằng các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành thiên về khai thác hơn là trách nhiệm giữ gìn di sản. Đối với Hội An, quyền lợi từ di sản và trách nhiệm cũng thuộc rất nhiều bên, là quan trọng hơn nữa, liên quan đến chính những người dân đang sống trong di sản, trong những ngôi nhà cổ làm nên không gian văn hoá cho Hội An. Họ cũng chính là chủ thể văn hoá - quyền lợi của họ cũng là điều phải tính đến trong bài toán quản lí và khai thác di sản.
Dư luận quá quan tâm đến Hội An cho thấy đây chính là điểm đến cảm xúc của khá đông công chúng - đạt được ngưỡng này cũng là điều khao khát của các điểm du lịch. Ai đã đến Hội An rồi, cũng đã từng dạo chơi bên hàng phố, uống cafe bên các mái ngói cổ, chụp những bức ảnh nồng nàn màu vàng chanh và ngập trời hoa nến đèn lồng rồi thì tình cảm với nơi này khó mà vơi cạn được. Vì vậy, bất cứ quyết sách nào liên quan đến Hội An cũng đều được nhiều người bàn luận, tạo nên một làn sóng hỗn độn thông tin, có cả sự mất bình tĩnh dẫn đến rất nhiều lập luận nặng nề như: Hội An định lập thế trận an ninh nhân dân, chỉ điểm người Hội An cổ để không mất vé, tẩy chay di sản bóc lột vé tham quan người dân...
Hội An có thể sử dụng phương pháp bán vé thu tiền vào vùng lõi di sản để lọc bớt khách du lịch vào phố cổ theo lập luận của địa phương - tại sao không? Họ chấn chỉnh lại việc các doanh nghiệp lữ hành phải mua vé cho các đoàn khách tham quan, giảm thiểu trốn vé cũng là việc phải làm.
Việc giữ cho Hội An vẫn thân thương và thơ mộng - đó mới là việc khó.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hoi-an-xuc-cam-mien-phi-va-gia-tri-cua-mot-di-san-179230405190537038.htm