Học viện đào tạo game thủ đầu tiên của Nhật Bản

15:22 - 12/06/2023

Tại Nhật Bản, một học viện được thành lập với mục tiêu: Đào tạo game thủ chuyên nghiệp và đáp ứng nhu cầu của những học sinh quá đam mê môn thể thao này.

Học viện đào tạo game thủ đầu tiên của Nhật Bản  - Ảnh 1.

Học viện eSports - Ngôi trường đào tạo thể thao điện tử đầu tiên tại Nhật Bản. Ảnh: The New York Times

Sau hơn một năm rời khỏi lớp học, Wataru Yoshida (16 tuổi) đã quay trở lại trường học. Đó là một ngôi trường "không bình thường" - học viện đào tạo game thủ. Trước đó, Wataru Yoshida cho biết cậu không thể cố gắng được nữa và không muốn quay trở lại trường học kiến thức. 

Wataru Yoshida không thích giáo viên của mình. Cậu phản đối những nội quy dập khuôn và chán nản với các môn học trên lớp. Do đó, vào năm 2020, khi tất cả trường học tại Nhật Bản mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19, Wataru Yoshida quyết định ở nhà và chơi trò chơi điện tử suốt ngày.

Kae Yoshida, mẹ của Wataru Yoshida, cho biết: “Bỗng dưng vào một hôm, thằng bé nói với tôi rằng, con không quay trở lại trường". 

Vì sao Nhật Bản thành lập học viện đào tạo game thủ?

Wataru Yoshida và khoảng 20 thiếu niên khác là học viên của Học viện eSports. Đây là Học viện Thể thao điện tử đầu tiên của Nhật Bản, một trường học tư thục ở Tokyo được thành lập vào năm 2022, theo The New York Times.

Học viện là sự kết hợp giữa lớp học truyền thống và các khóa đào tạo chơi game, được thành lập nhằm đáp ứng sự tăng trưởng của nghề game thủ chuyên nghiệp.

Mặc dù mục tiêu ban đầu là huấn luyện, đào tạo ra các game thủ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, mô hình học viện này về sau lại thu hút những thanh niên bỏ học như Wataru Yoshida quay trở lại trường.

Hiện tượng "từ chối đến trường học" thường bắt nguồn từ chứng lo lắng hoặc bạo lực học đường - một vấn đề nhức nhối của nền giáo dục Nhật Bản từ năm 1990.

Với những học sinh không thể hòa nhập, môi trường học tập tại Nhật Bản có thể coi là "khắc nghiệt", khi họ áp lực phải tuân thủ từ cả giáo viên lẫn bạn bè.

Trong vài trường hợp, một số trường học thậm chí bắt học sinh có màu tóc nâu tự nhiên phải nhuộm đen cho giống những học sinh khác, tệ hơn là đưa ra các nội quy về màu của quần áo lót. 

Học viện đào tạo game thủ đầu tiên của Nhật Bản  - Ảnh 3.

Học viện eSports được thành lập nhằm thu hút các game thủ trẻ. Ảnh: The New York Times

Để giảm thiểu tình trạng "từ chối đến trường học", các nhà giáo dục đã thử nghiệm nhiều mô hình khác nhau, bao gồm cả học từ xa.

Vào tháng 12, Tokyo thông báo rằng sẽ thành lập một trường học theo kiểu metaverse (vũ trụ ảo), với những hình ảnh quảng cáo giống như được lấy từ những trò chơi nhập vai Nhật Bản.

Nhiều phụ huynh có điều kiện tài chính đã chuyển con mình sang học tại các trường tư thục hoặc trường học tự do (free school) - tập trung vào việc đào tạo kỹ năng giao tiếp xã hội, khuyến khích học sinh tự học hỏi qua trí tò mò và những điều mình thích.

Đối với những thanh niên đam mê game, Học viện eSports là thiên đường. Nhưng với các bậc cha mẹ, mô hình giáo dục này lại là "sự lựa chọn cuối cùng".

Chương trình học và mục tiêu đào tạo của học viện đào tạo game thủ

Để xoa dịu nỗi lo lắng của phụ huynh, học viện đào tạo game thủ đã đầu tư vào kế hoạch giảng dạy nhằm đáp ứng tiêu chuẩn giáo dục quốc gia.

Bên cạnh đó, học viện cũng đưa ra một số cách đối phó với tình trạng nghiện game và cung cấp triển vọng nghề nghiệp cho các game thủ chuyên nghiệp.

Tháng 4 năm 2022, 22 nam sinh cùng cha mẹ và người nhà đến dự lễ khai giảng của học viện tại tầng 8 của một tòa nhà ở quận Shibuya (Tokyo, Nhật Bản).

Học viện được thiết kế hiện đại với kiểu dáng nửa con tàu vũ trụ, nửa bo mạch chủ máy tính với sàn kính và trần được chiếu sáng bởi các đèn neon màu xanh lá cây.

Học viện đào tạo game thủ đầu tiên của Nhật Bản  - Ảnh 4.

Bên cạnh được hướng dẫn về chiến lược và kỹ năng trong game, học viên được dạy cả những môn học cơ bản như Toán, Sinh học và Ngoại ngữ. Ảnh: The New York Times

Vào thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần, các chuyên gia hướng dẫn học viên về chiến lược thi đấu trong các trò chơi phổ biến như Fortnite. Sau đó, họ được chia thành các nhóm để áp dụng những gì được học vào thực tế.

Vào thứ Ba và thứ Năm, học viên sẽ được học các môn cơ bản như: môn Toán, Sinh học và Tiếng Anh.

Khác với mô hình giáo dục truyền thống, Học viện eSports bắt đầu tiết đầu tiên vào lúc 10 giờ sáng, không yêu cầu học viên phải mặc đồng phục và không phạt nếu học sinh đến trễ.

Khi học viên đi học muộn, các giáo viên vẫn chào hỏi vui vẻ hoặc đơn giản là bỏ qua.

"Những học sinh bỏ học thường rất ghét việc bị ép buộc", Akira Saito - Giám đốc Học viện eSports cũng là người có kinh nghiệm dạy học tại các trường công lập chia sẻ.

Vì thế, các giáo viên tại học viện cảm thấy vui mừng khi học viên của mình đi học, cho dù họ có đến trễ.

"Triết lý của chúng tôi là thu hút học viên bằng các trò chơi điện tử. Từ đó sẽ chứng minh cho các em thấy rằng việc đến học viện rất vui và thực sự hữu ích cho tương lai về sau", Akira Saito nói thêm.

Cuộc sống lạc quan, tiến bộ hơn từng ngày sau khi theo học tại học viện đào tạo game thủ

Torahito Tsutsumi (17 tuổi) đã bỏ học sau khi bị bạn bè bắt nạt dẫn đến rơi vào tình trạng trầm cảm nặng.

Theo đó, Torahito Tsutsumi dành cả ngày trong phòng đọc truyện tranh và chơi game. Khi mẹ của cậu -  bà Ai Tsutsumi hỏi về vấn đề này, cậu trả lời rằng, cuộc sống của mình đã trở nên thật vô nghĩa.

"Khi các bậc cha mẹ khác nói với tôi rằng, họ cho con mình nghỉ học, tôi đã nghĩ họ đang chiều hư chúng", bà Ai Tsutsumi chia sẻ.

Đây là phản ứng bình thường. Nhất là khi người Nhật Bản đặc biệt coi trọng việc rèn luyện sự kiên nhẫn - còn được gọi với thuật ngữ là "gaman".

Cách tiếp cận giáo dục này thường tập trung vào việc dạy học sinh những giá trị của sự kiên nhẫn, áp dụng hình phạt nghiêm khắc và tránh nuông chiều trẻ nhỏ.

Học viện đào tạo game thủ đầu tiên của Nhật Bản  - Ảnh 5.

Torahito Tsutsumi trước đây từng dành cả ngày trong phòng đọc truyện tranh và chơi game. Ảnh: The New York Times

Chứng kiến con trai mình rơi vào trạng thái trầm cảm, Ai Tsutsumi lo sợ rằng sẽ càng tồi tệ hơn nếu để con mình đi học trở lại. Bà bắt đầu mất kiên nhẫn cho tới khi thấy con trai mình bị thu hút bởi đoạn quảng cáo của Học viện eSports.

"Tôi không biết đó có phải là ý tưởng tốt không, nhưng quan trọng hơn cả là việc Torahito Tsutsumi muốn đi học", Ai Tsutsumi chia sẻ.

Đến giữa năm học, Torahito Tsutsumi đã có tiến bộ. Nam sinh đến học viện vào đúng 10 giờ sáng mỗi ngày và tâm trạng cũng trở nên lạc quan hơn.

Tuy nhiên, Torahito Tsutsumi không có nhiều bạn bè như cậu ấy mong đợi. Cậu ấy thấy mình không thể cạnh tranh được với những game thủ khác.

Chàng trai 17 tuổi muốn làm việc trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử nhưng lại không tự tin về khả năng của bản thân.

Thực tế, rất ít học sinh có thể trở thành game thủ chuyên nghiệp. Ngành thể thao điện tử chuyên nghiệp vốn không phổ biến tại Nhật Bản - nơi mọi người thường thích chơi các trò chơi một người chơi hơn.

Hơn nữa, game thủ chuyên nghiệp thường có tuổi nghề ngắn ngủi, khi các vận động viên có xu hướng giảm phong độ từ độ tuổi 24 trở lên, đó là lúc đôi tay và phản xạ chậm dần theo thời gian.

Vậy nên, Học viện eSports đã khuyến khích học viên tìm kiếm các con đường khác thuộc ngành công nghiệp sáng tạo như lập trình hoặc thiết kế, xem việc trở thành game thủ chuyên nghiệp là sở thích chứ không phải là sự nghiệp chính.

Vào tháng 11 năm 2022, sau nhiều tháng luyện tập chăm chỉ, Wataru Yoshida và một nhóm bạn cùng lớp đã vượt qua vòng đầu tiên của Cuộc thi quốc gia Liên minh Huyền thoại. Đây là một trò chơi thuộc thể loại đấu trường trực tuyến có nhiều người chơi phổ biến nhất thế giới.

Tại vòng hai, đội của Wataru Yoshida giành lợi thế vào trận đầu, nhưng cuối cùng lại thất bại trước một nhóm game thủ có kinh nghiệm hơn.

Bị đánh bại, các thành viên trong đội ngồi trong im lặng, ánh sáng từ màn hình máy tính chiếu lên những khuôn mặt thất vọng.

"Có lẽ tôi nên về nhà thôi", Wataru Yoshida nói.

Cuối cùng, Wataru Yoshida vẫn ở lại học viện để tập luyện. Nam sinh 16 tuổi dù sao cũng là thành viên của đội và cậu đang tiến bộ từng ngày. Từ sau khi tham gia học ở Học viện eSports, Wataru Yoshida ít dè dặt hơn, háo hức vui đùa hơn với những người bạn mới của mình.

Nguồn: The New York Times

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hoc-vien-dao-tao-game-thu-dau-tien-cua-nhat-ban-179230612091639898.htm