Học tập trực tuyến - một xu thế toàn cầu
Xu thế tổ chức học tập trực tuyến mở đầu từ nhiều trường đại học trên thế giới, nhất là những trường đại học mở. Từ đó, việc học tập trực tuyến được tổ chức dần tới hệ thống trung học, tiểu học, mẫu giáo và các cơ sở giáo dục người lớn.
ì hệ thống giáo dục đại học ở nhiều quốc gia đã chuyển mạnh học tập trực tuyến nên nhà nước của họ đã thúc đẩy việc xây dựng các kỹ năng số cho học sinh phổ thông để trước hết, tạo cho học sinh phổ thông thích ứng với môi trường giáo dục số ở từng cấp học phổ thông, và đồng thời, khi học xong hệ phổ thông, học sinh sẽ không xa lạ với học trực tuyến ở hệ đại học.
Tại Hoa Kỳ, 80% trường đại học dùng phương pháp trực tuyến để đào tạo. Vào những năm 2015 – 2016, nhiều lớp học trực tuyến đồng bộ trong trường đại học được tổ chức, tức là lớp học nhiều người học cùng một thời gian, cùng nghe giảng, cùng trao đổi thông tin, cùng nhau chia sẻ tri thức qua hội thảo. Từ năm 2017, việc học trực tuyến không đồng bộ (cá nhân theo học qua Internet, qua đĩa compact quang học "CD ROM" hoặc Email...) được tổ chức. Vì thế, đối với học sinh phổ thông, trước khi các em được công nhận tốt nghiệp buộc phải đăng ký học một số môn tại các lớp trực tuyến.
Ở Hàn Quốc, để chuẩn bị năm học mới ở trường phổ thông, việc đầu tiên là họ lập các tài khoản học trực tuyến và giúp học sinh làm quen với phương thức học này. Việc học trực tuyến đã giúp học sinh không phải chi phí nhiều như học trực tiếp kiểu truyền thống.
Tại quốc gia này, họ có một ứng dụng gọi là Seoul Learn – một nền tảng học tập trực tuyến có mục đích thu hẹp khoảng cách giáo dục cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Seoul Learn cũng cung cấp nhiều bài giảng trực tuyến miễn phí từ các trung tâm tư nhân dạy thêm. Rất nhiều người lớn cũng tiếp cận các bài giảng này khi họ xây dựng kế hoạch học tập thường xuyên theo phương thức tự học hoàn toàn độc lập.
Ở Nhật Bản, những trường đại học hàng đầu như Đại học Tokyo, Kyoto, Đại học công nghệ Tokyo, Đại học Osaka... đã mở rất nhiều khóa học trực tuyến OCW (Open Courseware). Những trường này có website riêng chuyên cung cấp các OCW. Ngoài ra, họ cũng có những website như Coursera hay Udacity (đại học trực tuyến giúp sinh viên muốn học những đại học hàng đầu thế giới mà không có điều kiện).
Tại bậc giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở, Nhật Bản sử dụng hình thức "lớp học kết hợp", tức là sử dụng phương pháp học trực tuyến kết học với học trực tiếp, giáo viên vừa giảng bài vừa phát sóng trực tiếp cho học sinh tại lớp và từ xa.
Ở khu vực Đông Nam Á, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Philippines quyết định không cho học sinh học trực tiếp khi chưa tiêm vaccine. Học sinh học trực tuyến vì các trường học phải đóng cửa. Từ lớp mẫu giáo đến lớp 12, khung chương trình giảm xuống, đáp ứng việc học trực tuyến theo những kiến thức thiết yếu qua truyền hình, đài phát thanh hoặc kết hợp nhiều hình thức trực tuyến khác nhau.
Malaysia, Singapore, Brunnei cũng đang chú ý chuyển đổi hình thức học trực tiếp sang học trực tuyến hoặc kết hợp hai hình thức học tâp này. Họ sẽ định dạng bài học điện tử kết hợp với hình thức dạy học qua truyền hình và truyền thanh.
Mấy năm gần đây, nền kinh tế Internet ở Đông Nam Á đã phát triển với tốc độ lớn. Nó sẽ dẫn đến việc thúc đẩy nền giáo dục ở đây phải tiếp cận nhanh hơn nữa với việc sử dụng mạng Internet.
Trên thế giới, nhiều nước như Argentina, Croatia, Cyprus, Ai Cập, Pháp, Hy Lạp, Ý... đều sử dụng mạng Internet cung cấp các nền tảng học online. Phần mềm được sử dụng rộng rãi hiện là Zoom, Google Meet...
Ở Việt Nam, việc tổ chức học trực tuyến đang từng bước được thực hiện, những tiến độ chưa đủ nhanh theo yêu cầu chuyển đổi số ở một số trường.
Những thông tin đăng tải trên mạng cho ta thấy thực trạng đó.
- Giám đốc phát triển sản phẩm của Hocmai (Galaxy Education), ông Nguyễn Ngô, cho biết, trong mùa dịch, mỗi ngày có hơn 1.000 lớp học của đơn vị ông triển khai. Số tiết học từ xa của Galaxy Education không hề giảm đi qua thời gian.
- Bà Đào Lan Hương – giám đốc điều hành của Start-up công nghệ giáo dục Teky cho biết, các lớp học online của Teky đã trở lại trên cả nước, trong đó, 50% lớp học sử dụng phương pháp kết hợp học trực tuyến với học trực tiếp.
- Trong lĩnh vực edtech của Việt Nam có 5 start-up được Quỹ đầu tư mạo hiểm Ventures hỗ trợ.
Tuy nhiên, có hiện tượng khá rõ nét là các trường công lập sau dịch COVID-19 có xu hướng dạy theo phương thức trực tiếp, còn các trường tư lại đẩy mạnh học trực tuyến.
Một số mạng xã hội đã góp phần phát triển học trực tuyến cho học sinh phổ thông cũng như cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong nhiều lĩnh vực sản xuất.
Như trên đã nói, hocmai.com đã hoạt động 13 năm và trong mùa dịch bệnh, mạng này đã cung cấp nhiều khóa học và những thư viện trực tuyến rất quan trọng.
Viettel Study là mạng học tập trực tuyến đồng hành với học sinh trong quá trình học tập có hiệu quả.
FUNIX là chương trình học trực tuyến về công nghệ thông tin, tạo cơ hội học về công nghệ thông tin một cách bài bản, hiệu quả.
Unica.vn là khóa học trực tuyến dành cho người đi làm, luôn có khoảng 500.000 học viên theo học.
iNET Academy là siêu thị lớn các khóa học trực tuyến, cung cấp tri thức cho hàng chục triệu người.
Kyna.vn là một nền tảng học trực tuyến dành cho người đi làm, cung cấp tới hàng ngàn khóa học online về kiến thức, kỹ năng thuộc 10 ngành nghề như kinh doanh, nhân sự, marketing.v.v...
Với sự phát triển các mạng học tập như trên, cùng với sự tham gia ngày càng đông các trường đại học trong việc mở ra các khóa học trực tuyến, chắc chắn học trực tuyến ở nước ta sẽ phát triển tốt trong tương lai.
Tuy nhiên, đối với hệ thống giáo dục phổ thông, học trực tuyến đang là một thách thức lớn:
- Trước hết phải nói đến khó khăn về trang thiết bị. Học sinh phổ thông không dễ gì có một máy tính bảng hay một chiếc ipad khi gia đình còn khó khăn về thu nhập hàng ngày. Những gia đình có 2 con đang học phổ thông càng lúng túng hơn nếu khả năng kinh tế gia đình của chúng không cao.
- Mặt khác, trình độ giáo viên tiểu học, trung học cơ sở về dạy học trực tuyến chưa cao. Nhiều giáo viên còn rất lúng túng khi tổ chức lớp trực tuyến, từ việc giảng bài đến hướng dẫn trao đổi, đánh giá kết quả.v.v...
- Trên thực tế, trong nhà trường hiện nay, việc kết nối Internet còn thiếu ổn định, tốc độ đường truyền kém, dùng 3G khi không có wifi sẽ tạo ra chi phí cao. Ở miền núi và nông thôn xa xôi, đường truyền kết nối không ổn định, mạng điện hay bị cắt, gây rất nhiều rắc rối cho việc học tập của học sinh.
- Học trực tiếp vẫn là một nếp học lâu năm, nay phải thực hiện chuyển đổi số, tâm lý thầy, trò thích dạy – học theo lối truyền thống vẫn khá phổ biến.
Đối với những phụ huynh không có kỹ năng sử dụng công nghệ học tập thì việc theo dõi, giúp đỡ con cái học trực tuyến là điều không thể. Đó cũng là một thiệt thòi của học sinh.
Những khó khăn đó tất phải được khắc phục càng sớm càng tốt, nhưng một mình Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể tháo gỡ được.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hoc-tap-truc-tuyen-mot-xu-the-toan-cau-179221025234658354.htm