Học tập ở người lớn là quyền lợi và nhiệm vụ bắt buộc
Lĩnh vực học tập của người lớn là giai đoạn học tập và phát triển dành cho những người đã qua giai đoạn đầu của giáo dục (từ mầm non đến đại học, học nghề).
Tương lai của mỗi con người đang bị đe dọa bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên hỗ trợ cuộc sống của chúng ta (có nhiều nơi đây lại là nguồn sống chính của mỗi con người, mỗi gia đình), đang dần bị cạn kiệt. Và rồi cũng sẽ đến lúc những kiến thức chúng ta đã có do tích lũy được trong quá trình học tập, lao động cũng không còn đáp ứng được nhu cầu công việc. Lúc đó chúng ta sẽ làm gì khi công ăn việc làm của chúng ta bị máy móc thay thế hết, hoặc không phải là do máy móc thay thế mà do chính người khác có đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu công việc hơn thay thế chúng ta. Vô hình chung, chúng ta đã tự loại mình ra khỏi hệ thống do yếu kém của chính mình.
Vậy tương lai của chúng ta do ai quyết định? Có phải trước tiên do chính bản thân mình quyết định hay không? Với điều kiện sống như nhau, môi trường phát triển như nhau, xuất phát điểm như nhau thì việc tìm giải pháp cho các vấn đề chống lại sự đe dọa tương lai của chúng ta phụ thuộc vào mỗi con người, song không phải là khó. Giải pháp đó chính là con đường HỌC TẬP. HỌC TẬP là con đường duy nhất phát triển bền vững của bản thân, gia đình và góp phần cho phát triển bền vững của xã hội mà đối với người bình thường, ai cũng có khả năng này.
Tất nhiên học bằng nhiều con đường, học ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh... đều là cách đi đúng, mang lại hiệu quả cao, lâu dài và bền vững. Học suốt đời không chỉ nhằm trang bị và nâng cao kiến thức và kỹ năng cho con người, giúp chúng ta sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội, tăng ý thức phấn đấu vươn lên vì cuộc sống tốt đẹp hơn nhằm luôn hướng tới một tương lai phát triển bền vững.
Người lớn chúng ta phải học để có khả năng giải quyết vấn đề một cách năng động, sáng tạo, nhanh, nhạy, có trình độ hiểu biết về khoa học kinh tế, kinh doanh, các vấn đề về khoa học xã hội để thích ứng nhanh với cuộc sống hiện đại đang đổi thay nhanh chóng hàng ngày. Hãy thử nghĩ xem: Tư duy và cuộc sống của mỗi cá nhân, cuộc sống gia đình, nề nếp gia phong, gia pháp dòng họ và đời sống xã hội hiện nay so với trước đây có nhiều thay đổi không? Tâm hồn, tư duy của người cao tuổi, người già hiện nay có khác trước không? Và nếu chúng ta không chấp nhận sự khác biệt ấy mà cố gắng vươn lên thông qua học tập thì chắc chắn sẽ khó khăn trong cuộc sống.
Bởi lẽ: Thực tế hiện tại, vì cuộc sống người lớn đang có cách suy nghĩ mới, ít quan tâm đến gia đình con cái, con cháu sẽ chẳng quan tâm đến người cao tuổi (ông, bà, cha, mẹ...) nhiều như trước kia. Nền nếp, gia phong gia đình, dòng họ đang bị xói mòn. Nếu chúng ta không có đủ kiến thức để đủ sức đáp ứng yêu cầu công việc, động viên thuyết phục, giáo dục con cháu trong gia đình, dòng họ hướng về cội nguồn trong một dòng chảy xã hội không ngừng nghỉ, thì sự bi quan, trách móc, chán nản chỉ làm chúng ta yếu mòn.
Cuộc sống ngày nay đã khác xưa, tiến bộ hơn, văn minh hơn nhưng cũng có nhiều mối đe dọa hơn. Chính sự khác biệt ấy sẽ thôi thúc chúng ta phải đến với môi trường học tập, đến với các câu lạc bộ, các trung tâm văn hóa, y tế, các Trung tâm học tập cộng đồng. Các chương trình học tập riêng biệt sẽ giúp chúng ta xử lý các vấn đề không chỉ làm thay đổi tư duy, tâm lý đến các kỹ năng cần thiết, từ đó chúng ta sẽ thấy tự tin hơn, yêu đời hơn, phát triển hơn. Như vậy người lớn luôn có nhu cầu tìm kiếm tri thức mới để tự hoàn thiện mình ở mọi cấp độ.
Thế rồi, có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong con người Việt Nam yếu tố "âm tính" nhiều hơn, tức là họ đã quen với cách làm cũ trên cánh đồng, trên dòng sông, trên rừng, trên biển... và họ đã quen với cách khai thác tài nguyên thiên nhiên để sống. Họ chỉ dễ bắt chước, làm theo cách đã có hoặc cách làm của người khác mà ít sáng tạo. Do đó họ chẳng cần học cũng được, thậm chí nếu khai thác được nhiều tài nguyên từ rừng, từ sông, từ biển thì họ còn giàu hơn so với người khác.
Song, lịch sử đã chứng minh các yếu tố "dương tính" của con người Việt Nam rất rõ nét: Thông minh, hiếu học, sáng tạo, dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn, thách thức. Nhưng những yếu tố này phải có môi trường tốt để duy trì và phát triển. Cụ thể: Sự phát triển của khoa học công nghệ, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thông qua các cơ chế chính sách khuyến khích, động viên, công nhận, đặc biệt cuộc cách mạng số và nền kinh tế kết nối sẽ làm cho các yếu tố "dương tính" của người Việt Nam đã và đang được phát huy.
Người lớn chúng ta đã nhận thức được vấn đề, chịu khó học hành, năng động, sáng tạo trong tiếp thu và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, chế biến.... Sự khác biệt căn bản giữa con người "âm tính" và "dương tính" được nhìn nhận ngày càng rõ nét và đang làm thay đổi cuộc sống của mỗi người.
Có thể lấy những ví dụ cụ thể về các tấm gương sáng tạo được vinh dang trong giải thưởng "Nhân tài Đất Việt" nhiều năm qua, và cụ thể vừa mới đây làm ví dụ: Anh Phạm Văn Hát 46 tuổi ở Hải Dương mới có trình độ văn hóa 7/10, không học qua nghề cơ khí, chỉ qua thực tiễn sản xuất, thấy rõ sự vất vả trong quá trình lao động chăm sóc rau, củ, quả ở trang trại của gia đình mà đã tự học, tự nghiên cứu, áp dụng bài học kinh nghiệm của những năm tháng đi lao động ở Israel (tại Israel anh đã chế tạo ra 1 số máy: Máy rải phân, máy cắt rau, máy chọn rau, bộ dao cắt hành... và được chủ trang trại đánh giá cao, giữ lại nhưng anh quyết định về nước), từ tháng 2/2012 anh đã mở xưởng "Cơ khí nông nghiệp Hát sáng chế" để tự phát minh để sản xuất các loại máy bán ra thị trường. Đến cuối năm 2012, từ nghiên cứu thực tế, anh lại phát minh ra "Robot đặt hạt" với độ chính xác cao đạt 95%-97% thay thế cho 40 người làm thủ công. Anh đã sản xuất được 30 loại máy phục vụ bà con nông dân trong toàn quốc và xuất khẩu.
Như vậy, nhờ học ở mọi nơi, tự nghiên cứu, sáng tạo mà anh đã chế tạo ra các loại máy nhằm tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả kính tế, xã hội cao. Gia đình anh phát triển bền vững, góp phần phát triển quê hương.
Còn nhiều ví dụ về tự học thành tài đạt giải thưởng "Nhân tài Đất Việt" đã chứng minh: Học là chìa khóa của phát triển bền vững và tự học thành tài.
Như vậy, muốn phát triển bền vững thì phải học tập và học tập suốt đời, ở mọi nơi, mọi lúc có thể. Song nếu ý thức và trách nhiệm của người lớn không có sự thay đổi thì sẽ không đạt được kết quả mong muốn vì HỌC hay KHÔNG HỌC không ảnh hưởng ngay tức khắc đến cuộc sống hiện tại, nhưng nó sẽ làm cho chúng ta "chết dần, chết mòn" trong nhịp sống hiện đại theo cách sẽ bị loại dần khỏi cuộc sống đó. Chính vì vậy, tất cả người lớn chúng ta cần ý thức rằng: Học là quyền lợi và nhiệm vụ bắt buộc, song cũng là nhu cầu thiết yếu mang tính kỷ luật và giáo dục cao. Do đó người lớn phải xác định không cần phải vận động học mới học và đừng coi học không phải là vì bản thân mình.
Trong tất cả các quyền lợi của con người, quyền lợi được học là mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Thấu hiểu tầm quan trọng của sự học đối với mỗi con người, đối với sự phát triển của đất nước mà Bác Hồ đã đề ra một trong những mục tiêu đầu tiên của Cách mạng Việt Nam: "Ai cũng có cơm ăn, áo mặc; ai cũng được học hành" hoặc Bác đã viết thư gửi học sinh nhân ngày khai trường: "Non sông ta có được vẻ vang, bước lên đài vinh quang để sánh vai cùng với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ công lao học tập của các em".
Song tất nhiên chúng ta muốn thực hiện được quyền lợi học tập của mình thì Nhà nước cần thể hiện rõ trong chiến lược phát triển giáo dục vì sự phát triển bền vững là nhằm tạo nên xã hội bền vững cho tất cả mọi người trên cơ sở tích hợp các yếu tố phát triển bền vững vào trong tất cả các lĩnh vực học tập. Nhà nước cần tạo cơ hội được hưởng lợi từ giáo dục bình đẳng cho tất cả mọi thành viên trong xã hội. Ai cũng được học tập các kiến thức, các giá trị, hành vi và cách sống cho sự phát triển bền vững của mình, của gia đình mình và cho xã hội. Muốn vậy các trung tâm giáo dục và học tập cho mọi người phải được phát triển; mạng lưới liên kết, trao đổi, kết nối phải được xây dựng nhanh hơn; tiềm năng giáo dục và sự phát triển bền vững phải được cụ thể hóa bằng chiến lược và các kế hoạch đầu tư cụ thể hơn. Mỗi người lãnh đạo ở các cấp ủy, chính quyền cần nhìn nhận tốt hơn nhiệm vụ của mình đối với sự học của các thành viên trong tổ chức và nhân dân địa phương mình.
Trách nhiệm của chúng ta, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cần quán triệt đầy đủ mối quan hệ giữa học tập và phát triển bền vững để giúp đỡ mọi đối tượng là người lớn được học tập để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của mỗi người: Bền vững về kinh tế, về tình cảm, về môi trường, về sức khỏe...
Hy vọng những cuộc tập huấn trước tiên sẽ giúp chúng ta nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của học tập suốt đời đối với người lớn ở mọi lứa tuổi. Tại các cuộc tập huấn mỗi người cũng sẽ được trang bị thêm một số kiến thức mới về vận động người lớn học tập tại Trung tâm học tập cộng đồng. Tôi mong muốn tất cả chúng ta cùng nhau cố gắng trao đổi, đóng góp những kinh nghiệm quý báu để đợt tập huấn thành công tốt đẹp.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hoc-tap-tap-o-nguoi-lon-la-quyen-loi-va-nhiem-vu-bat-buoc-179220519171805659.htm