Học lịch sử và dạy lịch sử

19:47 - 05/06/2022

Vấn đề đang "hot" trong xã hội hiện nay là học sinh trung học phổ thông không nhất thiết phải… học sử, vì đấy là môn học… không bắt buộc. Thế thì… chắc là các cháu học sinh chẳng ai muốn học sử nữa, đó là thực tế, đố ai có thể phủ nhận được điều này.

Quả là các vị làm chính sách giáo dục quá quan liêu, phải hiểu thực tế là: Đến bắt buộc mà còn ít người hứng thú học, nữa là không bắt buộc thì đa số học sinh sẽ… "bye bye" luôn cho đỡ mệt mỏi.

Vậy, vấn đề ở đây cần hiểu rõ bản chất thế nào cho đúng? Tôi tin rằng đừng nên vội đổ lỗi cho học sinh, thì cũng là… oan cho các cháu quá! 

Học lịch sử và dạy lịch sử - Ảnh 1.

Quốc Tử Giám - ngôi trường đào tạo nhân tài cho quốc gia. Ảnh: Trịnh Sinh

Học lịch sử và dạy lịch sử - Ảnh 2.

Giáo sư Trịnh Sinh và trống đồng Kính Hoa, Bảo vật Quốc gia đầu tiên thuộc sở hữu tư nhân

Sự cần thiết phải biết sử và học sử

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Dân ta phải biết sử ta - Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Chính "nhờ gốc tích" nước nhà mà người Việt mới tự hào là… người Việt, suốt hàng ngàn năm vẫn giữ được cái bản sắc của mình, cái độc lập và cả cái căn cước trên bản đồ thế giới. Cách đây khoảng hơn 2.000 năm, tổ tiên người Việt là cộng đồng người Lạc Việt, duy nhất trong số 100 tộc Việt (Bách Việt) còn giữ được độc lập đến tận ngày nay, 99 tộc người Việt còn lại đã bị đế quốc Hán đồng hoá, đến giờ chẳng còn tăm tích.

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử Việt Nam là chống mọi sự đồng hoá của các đế quốc xâm lược để giữ vững độc lập - tự do. Để có được sức mạnh và sự đoàn kết dân tộc thì phải biết sử. Mà muốn biết sử thì phải học sử.

Đã từng có những kẻ xâm lược đô hộ nước ta muốn dân ta quên lịch sử của mình bằng cách đồng hoá văn hoá. Người Hán muốn Hán hoá triệt để văn hoá Việt nên đã ra lệnh thu hết trống đồng để đúc ngựa đồng và cột đồng Mã Viện. Để người Việt quên đi biểu tượng, hồn cốt và lịch sử của mình.

Buổi đầu thời Thực dân Pháp chiếm nước ta, trong những sách giáo dục của họ cũng viết về vấn đề nguồn gốc người Việt là từ… xứ Gauloise tận bên Pháp, muốn dân ta quên đi tổ tiên của mình.

Nguyễn Trãi từng đúc kết lịch sử dân tộc trong "Bình Ngô đại cáo": "Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu, núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác. Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập…". Có thể nói, sự trường tồn của các triều đại Việt Nam có sự đóng góp, kế thừa của lịch sử. Không phải ngẫu nhiên mà từ thời Trần, thời Lê chúng ta đã có các bộ sử để đời là: "Đại Việt sử lược" và "Đại Việt sử ký toàn thư". Thời Nguyễn đã lập Quốc sử quán để chuyên viết sử. Những quyển sử các triều đại để lại là những vốn quý để lưu truyền và dạy dỗ cho nhiều thế hệ.

Một nhà văn hoá lớn đã có câu "Tiếng ta còn - nước ta còn", câu đó cũng có thể hiểu rộng ra: Lịch sử còn - nước ta còn.

Giáo sư Trịnh Sinh
Một nhà văn hoá lớn đã có câu "Tiếng ta còn - nước ta còn", câu đó cũng có thể hiểu rộng ra: Lịch sử còn - nước ta còn.

Học sinh sợ và ngại học sử

Đã đi học thì ai cũng phải cố gắng thi đỗ trong kỳ thi, nhất là thi hết cấp trung học phổ thông. Trong từng ấy môn, học sinh tập trung vào các môn "thiết thực" như văn, toán khó, nhưng có đáp án cụ thể và đòi hỏi nhiều sự sáng tạo. Còn với lịch sử? Hầu như không có sự sáng tạo nào đáng kể, mà chỉ là… học thuộc lòng. Cứ xem lại các đề thi thì thấy sẽ là một sự đánh đố đơn giản về sự kiện diễn ra ngày nào, ở đâu, cùng lắm là ý nghĩa. Cái mà chỉ cần bấm máy tính tra Google vài giây là có kết quả. Thế thì đấy là cuộc thi trí nhớ, cái đó không cần nếu như ra trường các em đi sâu vào nghiên cứu lịch sử. Khi đó, máy tính cùng các sự kiện chỉ là phương tiện tối thiểu để làm nghề mà thôi. Có người nói đùa: Đấy là cuộc thi của những… con vẹt. Mà chao ôi, để đối phó với các đề thi môn sử thì phải tốn một khoảng thời gian khá lớn, còn đâu mà đối phó với các môn học khác nữa? Vì thế mà học sinh sợ môn sử là phải. Tôi cứ giả định, có một cuộc thi giao đề vừa thi của học sinh phổ thông cho 10 vị giáo sư đầu ngành sử học ngồi làm mà không cho mở tài liệu xem, thì có lẽ sẽ có đến 8 vị trượt. Vì sai năm tháng, sai địa điểm sự kiện… nghĩa là sai đáp án. Thế thì học sinh phổ thông sợ học sử là phải lắm!

Với cách dạy, thi cử đối với môn sử như hiện tại ở ta thì học sinh ngại học môn sử là có lý do. Học ngày đêm thì cuối cùng cũng chỉ đạt trình độ… con vẹt, mà còn lâu mới nhớ giỏi bằng máy tính.

Một nguyên nhân nữa, sâu xa hơn trong thời buổi kinh tế thị trường, học sinh học các môn có… "tương lai" hơn như khoa học tự nhiên về sau dễ vào các trường đại học ra trường lương cao hơn, hay chí ít xin việc dễ hơn. Vì thế mà, các phụ huynh và học sinh đều có vẻ "thực dụng" hơn: Ngành sử ra trường vô cùng khó kiếm việc. Vì thế mà cái "lực hấp dẫn" của môn sử không nhiều, học cốt là để thi cho qua cầu. Nay lại… không bắt buộc, thì ai lại tốn một khoảng thời gian quá nhiều để đầu tư, trong lúc áp lực các môn học… bắt buộc cũng không phải là nhỏ. Tôi chắc chắn, khi nghe tin môn sử sẽ là môn…tự chọn, thì phụ huynh và học sinh phổ thông trung học sẽ thở phào… Con số đó không phải nhỏ đâu.

Ngày 2/6 vừa qua, xét Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lắng nghe ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội liên quan đến Chương trình giáo dục môn Lịch sử cấp Trung học Phổ thông. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tổ chức hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; làm tốt hơn công tác truyền thông để xã hội được cập nhật đầy đủ hơn đối với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác giáo dục lịch sử cho học sinh.
Đâu là giải pháp?

 Cứ nhìn ra thế giới, có những nước đã từng áp dụng coi môn lịch sử là môn học không bắt buộc, thế rồi lại phải quay lại chính sách… bắt buộc vì động chạm đến những vấn đề lớn hơn, lợi bất cập hại. là lòng tự hào dân tộc…Việt Nam là nước giàu truyền thống yêu nước, lại càng phải giáo dục lịch sử dân tộc. Đấy là sức mạnh và lý do tồn tại của nước Việt sau hàng ngàn năm trường tồn. Nên duy trì mãi mãi môn học lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, giải pháp nào để "kéo" vị thế của môn học lịch sử trong lúc học sinh (và phần đông phụ huynh) vừa ngại, vừa sợ môn này, lại là một vấn đề không đơn giản.

- Phải đổi mới từ khâu soạn sách giáo khoa, học sử, thi sử và dạy sử. Có lẽ sách giáo khoa nên biên soạn lại, các sự kiện nên cô đọng, tận dụng phương tiện số (máy tính, điện thoại…) để tra cứu, nhấn mạnh đến ý nghĩa của sự kiện hơn. Cần đổi mới cách thi, có thể cho phép học sinh tra cứu sự kiện, nhưng cần hướng vào phân tích sự kiện, có thể theo nhiều góc độ để nâng tầm sáng tạo. Các giáo viên khi lên lớp cần phương pháp giảng dạy hấp dẫn hơn, có thể bằng cách sử dụng phương pháp trình chiếu, các tư liệu hình ảnh sẽ nhớ lâu hơn.

- Cần có sự phối hợp với các bảo tàng, khu di tích lịch sử, các chuyến tham quan thực tế để nâng cao hiểu biết, khuyến khích sự say mê lịch sử của học sinh. Tôi thực sự ngạc nhiên khi nhiều bảo tàng ở ta xây dựng đẹp, hiện vật phong phú mà vắng như… chùa Bà Đanh, các lớp học sinh có đến, nhưng thưa thớt. Trong lúc đó, ở nhiều nước, bảo tàng là nơi thu hút nhiều khách du lịch và các thế hệ học sinh.

- Một vấn đề nữa thuộc lĩnh vực vĩ mô. Đó là chúng ta cần có chính sách nào đó để giáo viên và những người làm việc trong ngành lịch sử có thu nhập tốt. Thực tế ở nước ta, cứ nhìn bảng lương thì thấy ai cũng như ai. Nhưng chỉ riêng một ngành giáo dục thôi thì đã có sự phân tầng sâu sắc. Giáo viên tiểu học, nhờ có dạy thêm mà thu nhập khá. Thu nhập giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông thì khác biệt rõ hơn: Chỉ các môn "hot" liên quan đến thi cử, có học trò để dạy thêm thì mới khá. Còn thì mấy học sinh nào… học thêm môn sử đâu, nên các giáo viên môn sử không thể có điều kiện… dạy thêm.

Nhìn rộng ra, những người làm công tác nghiên cứu ngành sử ở ta cũng có thu nhập thấp so với các ngành khác trong xã hội. Tôi có dịp sang công tác tại đại học Boston, Hoa Kỳ một năm. Tìm hiểu thì biết, giáo sư dạy lịch sử ở đó có lương cao hơn giáo sư Y khoa và họ chỉ dựa vào lương để sống, không có cảnh… dạy thêm gì cả. Ở ta thì ngược lại, giáo sư Y khoa thì thu nhập cao chót vót. Cứ nghĩ về thu nhập thực tế của các ngành nghề ở ta thì mới thấy cái sự… lép vế của ngành sử học nói riêng và khoa học xã hội nói chung nó èo uột thế nào.

Tôi cứ nghĩ lan man, trong vài chục năm nữa, cái chuyện lương và thu nhập ngoài lương ở ta được cải thiện, công bằng hơn, thì vị thế ngành sử sẽ lên ngôi. Nhiều học sinh sẽ đam mê ngành sử và các phụ huynh sẽ hướng nghiệp cho con cái vào ngành này nhiều hơn. Nhưng muốn được thế, thì ngay thời điểm này, chúng ta còn quá nhiều công việc phải làm, để giúp các em học sinh phổ thông trung học thêm yêu đất nước, dân tộc thông qua các bài học lịch sử… bắt buộc.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hoc-lich-su-va-day-lich-su-179220605193154692.htm