Họ Phạm làng Đông Ngạc - dòng họ khoa bảng hiếu học truyền đời
Tổ tiên họ Phạm rất nghèo nhưng hiếu học, trọng đạo nghĩa, đã mở đầu truyền thống học giỏi, đỗ cao và thanh liêm, có nhiều công lao đóng góp cho đất nước xóm làng.
Họ Phạm là dòng họ danh tiếng có truyền thống khoa bảng, hiếu học, nhiều người đỗ đạt, làm quan.
Khoảng năm 1997, tôi được dự buổi làm việc ở Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, lần đầu gặp Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và có ấn tượng với tác phong của ông ấy. Về sau, biết ông Khiêm người họ Phạm làng Đông Ngạc, Từ Liêm, bụng nghĩ, thảo nào.
Thời phong kiến, tính từ thời nhà Lý (1010 - 1225) đến nhà Nguyễn (1802 - 1945), nước ta có khoảng 20 làng khoa bảng. Tuy không có Trạng nguyên nhưng Đông Ngạc vẫn là một trong những làng khoa bảng tiêu biểu vì có tới 22 Tiến sĩ. Các dòng họ trong làng, dòng họ nào cũng có người đỗ Tiến sĩ, ít nhất là một người, nhiều nhất là họ Phạm chín người. Xa xưa, Đông Ngạc - Kẻ Vẽ còn có tên gọi là Đống Ếch, vì tiếng học bài, tiếng đọc sách trong làng lúc nào cũng râm ran như tiếng ếch kêu.
Họ Phạm làng Đông Ngạc (làng Vẽ cổ), phường Đông Ngạc, huyện Bắc Từ Liêm, Hà Nội, hình thành từ cuối thời nhà Trần (thế kỷ thứ XIV). Thuỷ tổ là cụ Phạm Húng (khoảng năm 1345).
Theo những thư tịch Hán Nôm hiện còn lưu giữ được như Phạm tộc phả ký, Phạm tộc gia phả, Đông Ngạc Phạm tộc gia tiên… thì tổ tiên họ Phạm gốc ở Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay). Do những biến cố của lịch sử, có ba anh em họ Phạm đầu tiên rời Ái Châu ra sinh cơ lập nghiệp ở các nơi: Một người về Đôn Thư (Thanh Oai – Hà Tây), một người về Bát Tràng (Gia Lâm – Hà Nội) và một người về Đông Ngạc (Từ Liêm – Hà Nội).
Trải qua trên 600 năm, dòng họ Phạm làng Đông Ngạc đã phát triển tới 16 chi (Đại tôn), thuộc hai hàng Giáp, Ất và qua 22 thế hệ con cháu.
Tổ tiên họ Phạm rất nghèo nhưng hiếu học, trọng đạo nghĩa, đã mở đầu truyền thống học giỏi, đỗ cao và thanh liêm, có nhiều công lao đóng góp cho đất nước xóm làng.
Làng Đông Ngạc có 5 dòng họ lớn, nhiều người đỗ đạt cao, là các dòng họ Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn, Hoàng. Dòng họ Phạm là dòng họ có nhiều người đỗ đạt cao nhất, thời phong kiến đã có 9 Tiến sĩ (trong đó có 1 Bảng nhãn, 1 Hoàng giáp) và 2 Sĩ vọng.
Truyền thống khoa bảng, văn hiến của người họ Phạm vẫn được gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Những câu chuyện như cụ Bảng nhãn Phạm Quang Trạch ham học tới mức đêm đông, lúc ngồi học, cụ lấy khăn vải tẩm nước đặt lên đùi để không thể ngủ gật, đã được các thế hệ người làng truyền kể cho con cháu. Không những thế, sự học ở Đông Ngạc luôn đi cùng với rèn giũa đạo làm người.
Các cụ Phạm Thọ Lý (1610-1685) và Phạm Quang Dung (1675-1739) được thờ là Hậu thần tại bái đường đình làng Đông Ngạc vì đã có nhiều công lao với nước, với dân. Cụ Phạm Quang Dung đỗ Tiến sĩ năm Bính Tuất (1706). Cụ đã từng làm Chánh sứ sang Trung Quốc năm Nhâm Tý (1732), làm quan tới chức Công bộ Thượng thư, tước Lệ Quận công.
Cụ Phạm Quang Trạch, đỗ Bảng nhãn khoa thi năm Quý Hợi (1683), đã từng giữ chức Lễ bộ Hữu Thị lang, tác giả cuốn Nam chưởng kỷ lục về mối bang giao giữa Đại Việt và Ai Lao.
Cụ Phạm Gia Chuyên (1791-1862), cháu 5 đời của Bảng nhãn Phạm Quang Trạch, cháu 4 đời của Tiến sĩ Phạm Nguyên Ninh, đỗ Tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân năm 1832. Cụ làm quan thời nhà Nguyễn, đã từng giữ các chức Tri phủ Kiến Xương (Thái Bình), Lễ bộ Viên ngoại lang, Đốc học tỉnh Ninh Bình, Tu nghiệp Quốc tử giám. Cụ tham gia soạn cuốn Quốc sử lược biên.
Con cháu dòng họ Phạm vẫn lưu giữ được gần như trọn vẹn các bản gia phả, tộc phả được bảo quản tại Viện Hán Nôm và trong các gia đình từ đời thứ nhất đến đời thứ 19.
Thời hiện đại, nhiều người trong họ đã thành đạt, trong đó có Trung tướng Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Gia Khánh, Giám đốc Học viện Quân y; Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Gia Khải, Viện trưởng Viện Tim mạch. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm là hậu duệ đời thứ 17 chi Ất.
Ngày nay, con cháu họ Phạm có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, có nhiều đóng góp cho đất nước, quê hương.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ho-pham-lang-dong-ngac-dong-ho-khoa-bang-hieu-hoc-truyen-doi-179220705161050787.htm