Hệ thống thủy điện trên sông Đà sẵn sàng vận hành mùa lũ năm 2022
Kết quả kiểm tra của Tổ chuyên gia và Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ đánh giá an toàn đập, hồ chứa cho thấy, các công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng và Bản Chát đang làm việc trong trạng thái ổn định, sẵn sàng vận hành mùa lũ năm 2022.
Thông tin được đưa ra tại Phiên họp thường kỳ Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ đánh giá an toàn đập, hồ chứa trên bậc thang thủy điện sông Đà mới đây tại Sơn La. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá an toàn đập, hồ chứa trên bậc thang thủy điện Sông Đà chủ trì phiên họp Hội đồng.
Các công trình thủy điện vận hành ổn định, an toàn
Cho đến nay, trên bậc thang thủy điện sông Đà đã xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện gồm: Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng. Theo ông Nguyễn Đình Hậu - Uỷ viên thường trực Hội đồng, toàn bộ 5 công trình thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà đang được hoạt động theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.
Qua các kết quả quan trắc và đo đạc các thông số, đánh giá tình trạng làm việc của công trình đến thời điểm tháng 5/2022, Cơ quan thường trực Hội đồng đồng thuận với kết quả báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Công ty thủy điện, đánh giá các công trình đang làm việc an toàn và ổn định.
Các công ty đã thực hiện công tác kiểm tra tổng thể, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước; sửa chữa và củng cố các hạng mục công trình, thiết bị; thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống, xử lý kịp thời các hư hỏng để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước. Các công trình đủ điều kiện sẵn sàng tham gia chống lũ và tích nước năm 2022.
Ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, trong thời gian từ tháng 4/2021 đến tháng 6/2022, mạng trạm quan trắc động đất ở khu vực Tây Bắc và lân cận (với 28 trạm) đã ghi nhận được tổng cộng 124 trận động đất. Trong đó, số lượng động đất nhiều nhất tập trung ở khu vực hồ thủy điện Lai Châu, Sơn La và ít hơn ở hồ thủy điện Hòa Bình, Bản Chát và Huội Quảng.
Động đất vẫn xảy ra trong các chu kỳ tích – xả nước ở khu vực các hồ thủy điện nhưng với tần suất thấp và cường độ yếu. Ông Xuân Anh đã đưa ra một số kiến nghị liên quan đến vấn đề này.
Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa mưa lũ năm 2021, khu vực Tây Bắc đã xuất hiện 10 đợt lũ bao gồm cả lũ nhỏ và lũ vừa. Đơn vị này đã thực hiện cung cấp các bản tin cảnh báo, dự báo tình hình mưa lũ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Khi xuất hiện các hình thế thời tiết nguy hiểm có thể gây mưa lũ lớn hoặc xuất hiện lũ bất thường, Trung tâm đã ban hành các bản tin cảnh báo mưa, lũ lớn và chuyển tới các đơn vị theo quy định qua email, fax, website.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mặc dù năm 2021 tiếp tục gặp nhiều khó khăn do các tác động bất lợi của đại dịch COVID - 19, tình hình thủy văn diễn biến bất thường, phức tạp và rất khó dự báo nhưng bằng sự nỗ lực của toàn hệ thống, hệ thống điện vẫn đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho các sự kiện trọng đại như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tổng sản lượng điện sản xuất 5 tháng đầu năm 2022 của thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Huội Quảng và Bản Chát là 8,34 tỷ kWh, tăng 170 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 7.30% sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện. Hiện các công trình thủy điện thuộc EVN trên bậc thang thủy điện sông Đà ở trạng thái làm việc bình thường, tin cậy và an toàn, đủ điều kiện tích nước và đón lũ năm 2022.
Tăng cường công tác dự báo và thực hiện chuyển đổi số
Các thành viên Hội đồng, chuyên gia và đại biểu tham dự phiên họp đều khẳng định vai trò quan trọng của các công trình thủy điện trên bậc thang sông Đà. Đồng thời cho rằng, các công trình đã và đang vận hành an toàn, ổn định; cần tăng cường công tác dự báo thủy văn; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào kiểm tra, quan trắc đập; thực hiện chuyển đổi số trong công tác đánh giá an toàn đập;…
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, qua các kết quả quan trắc và đo đạc các thông số, đánh giá tình trạng làm việc của công trình đến thời điểm tháng 5/2022, Cơ quan thường trực Hội đồng đồng thuận với kết quả báo cáo của EVN, các công trình đang làm việc trong trạng thái ổn định, an toàn, đủ điều kiện sẵn sàng tham gia chống lũ và tích nước năm 2022.
Đối với 5 công trình thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà, Bộ trưởng lưu ý: Cần tiếp tục theo dõi các hiện tượng thấm, nứt, nhiệt độ bê tông trong thân đập, kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý hiệu quả, đồng thời chú trọng việc xây dựng kế hoạch chi tiết công tác kiểm định an toàn đập; xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá hiện trạng chất lượng công trình.
Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, đơn vị liên quan phối hợp, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo hướng tiệm cận dần với thời gian thực; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy hoạch phòng lũ trên sông Hồng và sông Thái Bình; xem xét, đánh giá tác động tới lòng hồ, bờ hồ khi quyết định phê duyệt các dự án khai thác nạo vét cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường có nguồn từ vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Đề nghị lãnh đạo các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Ðiện Biên và Lai Châu cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn; tuân thủ các quy định về bảo vệ cảnh quan, môi trường nguồn nước; tăng cường tuyên truyền người dân trong công tác trồng và phát triển rừng, hạn chế dần đến cấm sử dụng các chất diệt cỏ, phá hủy môi trường, làm tăng bào mòn của đất, ảnh hưởng đến lượng nước của các hồ chứa…
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/he-thong-thuy-dien-tren-song-da-san-sang-van-hanh-mua-lu-nam-2022-179220630111639999.htm