Hệ luỵ của việc kỷ luật học sinh hình thức đình chỉ học có thời hạn
Một học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Ảnh Thủ, Thành phố Hồ Chí Minh vừa nhận hình thức kỷ luật đình chỉ học 7 ngày vì đánh nhau với bạn và tố nhà trường bất công trên mạng xã hội.
Có thể đình chỉ học đối với học sinh trong trường hợp nào?
Theo Trường Trung học cơ sở Nguyễn Ảnh Thủ, trong thời gian nữ sinh bị tạm đình chỉ học, nhà trường sẽ cử giáo viên bộ môn giao bài tập, hướng dẫn học sinh này học. Giáo viên chủ nhiệm sẽ thường xuyên đến nhà trò chuyện, nắm bắt tâm lý, giúp em sớm vượt qua giai đoạn này.
Hiện nay, xử lý kỷ luật học sinh vi phạm vẫn theo quy định trong Thông tư 08/1988 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo quy định, việc thi hành kỷ luật đối với học sinh phổ thông vi phạm khuyết điểm trong việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của mình với 5 hình thức, cụ thể như sau:
Khiển trách trước lớp; Khiển trách trước hội đồng kỉ luật nhà trường; Cảnh cáo trước toàn trường; Đuổi học một tuần lễ; Đuổi học 1 năm.
Vì thế, việc nhà trường áp dụng hình thức kỷ luật tạm dừng học 1 tuần với nữ sinh đánh bạn và tố nhà trường bất công trên mạng xã hội là đã áp dụng đúng Thông tư hướng dẫn.
Tuy nhiên, điều làm công chúng băn khoăn, áp dụng hình thức tạm dừng học, thực ra là cấm đến trường với những học sinh được coi là cá biệt như em học sinh trường Trung học cơ sở Nguyễn Ảnh Thủ. Về học sinh này, giáo viên nhận xét, em là học sinh cá biệt, tự coi mình như "chị đại" ở trường. Theo tố giác của các bạn cùng lớp, khi không vừa ý điều gì, học sinh có hành vi hăm dọa, đòi đánh bạn hoặc học sinh các lớp khác. Nữ sinh này cũng thường giao du với các thành phần bất hảo, từng đánh bạn và hút thuốc lá điện tử.
Như vậy, áp dụng hình thức kỷ luật đình chỉ học có thời hạn với các học sinh này thì có hiệu quả không?
Khi áp dụng hình thức kỷ luật ai đó, điều nhiều người mong muốn nhất là hình thức kỷ luật ấy sẽ là bài học giúp người vi phạm kỷ luật sửa đổi để tiến bộ.
Tuy nhiên trong thực tế, trong rất nhiều hình thức kỷ luật đối với học sinh thì oái oăm là hình thức kỷ luật tạm dừng học có thời hạn lại trở thành "đặc ân" đối với một nhóm học sinh lười học. Những học sinh này cho rằng nhận hình thức kỷ luật tạm dừng học, bản thân càng không phải đến trường, có thời gian lêu lổng và quậy phá nhiều hơn.
Học sinh làm gì trong thời gian không được đến trường?
Theo nhà trường, trong thời gian nữ sinh tạm nghỉ học, nhà trường sẽ cử giáo viên bộ môn giao bài tập, hướng dẫn em học. Giáo viên chủ nhiệm sẽ thường xuyên đến nhà trò chuyện, nắm bắt tâm lý, giúp em sớm vượt qua giai đoạn này.
Có thể nói, giải pháp mà nhà trường đưa ra để giúp đỡ nữ sinh khi bị đình chỉ học là giao bài tập, hướng dẫn em học, giáo viên chủ nhiệm sẽ thường xuyên đến nhà trò chuyện, nắm bắt tâm lý… nghe thì rất nhân văn nhưng sợ rằng sẽ không có nhiều tác dụng. Thêm nữa, một học sinh không đến trường thì vô hình chung, vẫn phải học, lại thêm việc cho thầy cô, gia đình, nhiều người bị ảnh hưởng,
Bởi lẽ, học sinh đã được nhà trường đưa vào diện cá biệt thì học trên lớp, có sự giám sát của thầy cô, bạn bè còn chẳng ăn thua mà nay lại phải ở nhà, tự làm bài tập giáo viên ra nghe chừng sẽ rất khó.
Còn việc giáo viên chủ nhiệm sẽ thường xuyên đến nhà động viên, hỏi han và giúp đỡ… liệu thầy cô đến được mấy lần? Đến vào thời gian nào để gọi là thường xuyên trong khi công việc trường, việc lớp, việc nhà của thầy cô cũng bù đầu.
Chưa kể, khi học sinh đã lười học, việc không đến trường càng khiến việc học bị gián đoạn, thói quen bị thay đổi, đến khi quay lại lớp càng tụt lại so với các bạn, thiếu hụt kiến thức, bật khỏi môi trường sinh hoạt tập thể.
Trong thực tế, có không ít học sinh sau khi bị nhà trường đình chỉ học, có em đã rất vui mừng và cho đó là thời gian được nghỉ ngơi hợp pháp. Có em còn nói rằng đó là "đặc ân" mà nhà trường ban tặng. Có em nhân cơ hội nghỉ này là nghỉ học luôn vì trước đó cũng đã chán đi học rồi. Có em lại đi chơi lêu lổng, tụ tập với một số bạn bè không đi học hoặc đã nghỉ học trước đó để vào trường trêu chọc bạn, nhập hội cà khịa, đua xe, thậm chí trộm cắp. Có em lại tụ tập nơi quán xá để chơi bời.
Hệ lụy lâu dài và khó lường của việc đình chỉ học học sinh, tạm dừng đến trường
Những buổi không được học, học sinh sẽ mất bài, hổng kiến thức. Ngày đi học trở lại cũng không có ai dạy kèm để các em lấy lấy kiến thức vừa bỏ qua. Những học sinh thường xuyên vi phạm vốn học lực đã yếu, do phải nghỉ học nhiều thì lực học lại càng yếu hơn.
Khi đã đuối kiến thức, không nắm được kiến thức cũ thì sẽ không thể nạp thêm kiến thức mới. Và như thế mỗi ngày, lực học sẽ đi xuống nhiều hơn rồi sinh ra chán nản.
Một số học sinh, chỉ sau thời gian nghỉ học cũng đã kịp làm quen với một số bạn bè không tốt. Thế là, tính xấu chưa kịp sửa đổi lại học thêm được nhiều tính xấu khác.
Kỷ luật học sinh vi phạm nhằm đảm bảo nội quy của lớp, của trường là điều cần thiết. Thế nhưng, áp dụng hình thức kỷ luật thế nào để học sinh từ bỏ được hành vi xấu, hướng đến những hành vi chuẩn mực hơn mới cần đến môi trường giáo dục.
Vì thế, ở nhiều trường học hiện nay, nhà trường gần như không muốn áp dụng hình thức kỷ luật đình chỉ học, chính xác hơn là tước quyền đến trường của các em (trừ trường hợp học sinh vi phạm nghiêm trọng), vừa làm khổ giáo viên (phải phụ đạo kiến thức ngay sau đó) lại vừa khổ học sinh khi tiếp xúc với môi trường tự do hơn sẽ dễ bị ảnh hưởng.
Một số hình thức kỷ luật được áp dụng là, yêu cầu học sinh vi phạm hằng ngày vẫn đến trường nhưng ngồi trong phòng giám thị tự học có giám sát. Ngoài ra, mỗi ngày phải viết bản kiểm điểm cá nhân và lời hứa không được tái phạm.
Có trường yêu cầu học sinh đi lao động công ích vào ngày nghỉ cuối tuần. Đặc biệt, có trường cho học sinh vào thư viện đọc sách và ghi lại nội dung, rút ra bài học cho bản thân. Dùng hình thức kỷ luật nào mà học sinh nhận ra được những vi phạm của mình là đáng trách và tự nguyện sửa đổi, đó chính là giáo dục đã thành công.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/he-luy-cua-viec-ky-luat-hoc-sinh-hinh-thuc-dinh-chi-hoc-co-thoi-han-179231116103702679.htm