Hệ lụy của việc dạy thêm, học thêm tràn lan

06:00 - 03/10/2022

Chuyện dạy thêm, học thêm của một số nhà trường đang tạo nên sự giả dối trong đánh giá, xếp loại học trò qua từng học kỳ và từng năm học trên lớp.

Nếu nói dạy thêm, học thêm không có tác dụng cho người học thì không đúng bản chất vấn đề. Các em đi học thêm, có hiểu bài hơn, điểm số cao hơn nhưng không phải em nào cũng có được kết quả tốt như vậy.

Bị ép đi học, hay đi học thêm cho có phong trào, cá biệt có hiện tượng học thêm để có cơ hội đi chơi không phải là chuyện hiếm trong chuyện học thêm hiện nay. 

Điều trớ trêu hơn nữa là chuyện dạy thêm, học thêm của một số nhà trường đang tạo nên sự giả dối trong đánh giá, xếp loại học trò qua từng học kỳ và từng năm học ở trên lớp.

Khó đánh giá chính xác chất lượng học tập của học sinh khi học thêm tràn lan

Một sự thật là khi học sinh đã tham gia học thêm với mình ở nhà trường, ở nhà thầy cô thì chẳng có giáo viên nào lại tổng kết điểm trung bình môn cho học trò dưới trung bình. Điểm số được nâng lên cao đột biến, học sinh giỏi trở thành… đại trà. Học sinh trung bình bỗng trở nên hiếm hoi hơn bao giờ hết. Khi điểm số được nâng lên, nhà trường, thầy cô và cả học trò đều… có lợi. Nhưng, chất lượng thực của một bộ phận học sinh hiện nay đang nằm ở đâu là điều khiến nhiều người lo lắng.

Qua theo dõi kỳ thi tuyển sinh 10 của các tỉnh trên cả nước được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, điều dễ nhận thấy là kỳ thi nào thì điểm thi của các thí sinh cũng chiếm tỉ lệ dưới trung bình nhiều hơn. Chỉ có những học sinh tham gia thi tuyển vào các trường trung học phổ thông chuyên là có điểm trên trung bình cao hơn mà thôi.

Trong khi, ngay cả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương luôn khẳng định nội dung, kiến thức đề thi là nằm trong sách giáo khoa, không đánh đố học trò. Những câu hỏi, bài tập khó trong các đề thi thường chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, chủ yếu câu hỏi nằm ở dạng kiến thức phổ thông bình thường, bởi người ra đề luôn hướng tới việc học sinh phải đạt được điểm trung bình.

Không chỉ kỳ thi tuyển sinh 10 mà ngay cả những đề kiểm tra học kỳ do sở, phòng giáo dục ra đề cũng phản ánh một thực trạng tương tự. Điểm dưới trung bình của các trường thường chiếm tỉ lệ rất cao. Nhiều môn học điểm dưới trung bình là chủ yếu, như một số môn tự nhiên và môn Ngoại ngữ. Câu hỏi đặt ra là tại sao cũng học sinh đó học, làm bài, cũng những thầy cô đó ôn luyện mà điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ (giáo viên ở nhà trường ra đề) thì cao chót vót, điểm các kỳ thi tập trung lại thấp lè tè như vậy?

Mặt trái của việc học thêm 

Theo các văn bản hướng dẫn hiện hành, việc dạy thêm, học thêm các môn văn hóa chỉ cấm đối với cấp tiểu học nhưng thực tế, có nhiều thời điểm một số địa phương cấm dạy thêm học thêm khi dịp hè, hoặc thời điểm dịch bệnh COVID-19 vừa qua. Nhưng, cấm chuyện dạy thêm, học thêm như chuyện "bắt cóc bỏ dĩa". Cấp trên cấm cứ cấm, nhà trường, giáo viên sẽ tìm cách để lách luật.

Nhiều trường và giáo viên dạy thêm (kể cả dạy thêm online trong thời điểm dịch bệnh) trên tinh thần "tự nguyện". Nhưng, điều mà ai cũng biết là các trường bây giờ cứ viện vào lý do chuyện dạy thêm là nguyện vọng của phụ huynh, phụ huynh có đơn đăng ký tự nguyện học thêm cho con em mình để đối phó với cấp trên khi thanh, kiểm tra. Các mẫu đơn xin tự nguyện học thêm in sẵn, chỉ điền tên chiếu lệ. 

Trước thực trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay dẫn đến chất lượng "dạy thật, học thật" trên lớp không cao. Giáo viên nếu muốn trả bài, gọi học sinh phát biểu bài, làm bài tập mà học sinh không làm được cũng không dám phê bình. Thậm chí học sinh học yếu thực sự thì giáo viên cũng rất khó có thể trao đổi tình hình học tập của học trò với phụ huynh. Dù sao, phụ huynh họ cũng đã gửi gắm con em họ cho nhà trường cả học chính, học thêm còn gì!

Hơn nữa, một khi học sinh cứ học đi, học lại chừng ấy đơn vị kiến thức, chừng ấy nội dung của bài học sẽ tạo nên một sự nhàm chán, nhất là đối với các em có học lực khá giỏi thực sự. Bởi, lớp học thêm mà đông, với nhiều học trò có sức học khác nhau cũng đồng nghĩa thầy cô phải dành một phần thời gian hướng tới học sinh yếu kém, giảng lại những kiến thức cũ. Bắt buộc những em học trò đã hiểu bài cũng phải nghe lại. Nhiều em vì thế mà thường xuyên nói chuyện, trao đổi với nhau trong lớp để giết thời gian.

Các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ trên lớp thì đa phần giáo viên phải lấy những bài (đề) tương tự như đã dạy, đã ôn học trò để kiểm tra. Vì thế mà điểm 9, điểm 10 cũng được các thầy cô hào phóng cho học trò. Từ đó, một bộ phận học sinh ỷ lại, học sinh không chịu sáng tạo trong học tập cũng bắt nguồn từ chuyện học thêm của nhà trường hay ở nhà thầy cô.

Học sinh phát sinh những hành vi không phù hợp với người lớn, với thầy cô giáo cũng có một phần nguyên nhân được bắt nguồn từ một số giáo viên dễ dãi trong quản lý lớp học thêm của mình. Những cái lợi chỉ đến với một số người, một số thầy cô nhưng hệ lụy từ việc dạy thêm, học thêm như hiện nay thì ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều học sinh mà ai cũng thấy, cũng biết.

Nếu như, các cơ quan chức năng không có giải pháp tối ưu, không quản lý được tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan như hiện nay sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Một bộ phận học sinh thờ ơ, mất đi động lực học tập của mình vì điểm số trên lớp đã có thầy cô lo hết. Một khi điểm số đánh giá không chính xác sẽ dẫn đến khen thưởng cho học trò không chính xác, bệnh thành tích ngày một nhiều. Đặc biệt, gánh nặng chi phí học thêm như hiện nay sẽ khiến cho nhiều phụ huynh đuối sức, nhất là những gia đình còn gặp khó khăn.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/he-luy-cua-viec-day-them-hoc-them-tran-lan-179220930105602324.htm