Hành trình trở thành công dân toàn cầu: Bài 1 - Chặng đường nào trải hoa hồng?
Đời sống kinh tế toàn cầu, sự giao lưu văn hóa toàn cầu, những giá trị cơ bản được phổ cập toàn cầu..., buộc con người trong xã hội hiện đại phải trở thành những công dân toàn cầu. Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay đang có lợi thế nào và gặp những rào cản nào trên hành trình trở thành công dân toàn cầu?
Không có gì thuộc về nhân loại mà xa lạ với tôi! – câu cách ngôn này được nhà triết học tư tưởng Karl Marx lấy làm quan điểm nghiên cứu thế giới. Với ông, người ta luôn có cách lý giải thế giới bằng các cách khác nhau, nhưng làm thế nào để thay đổi thế giới ấy? Khao khát của nhân loại luôn là mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, kéo gần lại các động lực phát triển và phá bỏ các rào cản giữa các quốc gia, con người, không gian địa lý.
Tạp chí Công dân và Khuyến học xin đưa ra quan điểm của nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục, người học, và đặc biệt là các công dân toàn cầu hiện nay nhằm có được bức tranh chung trong vấn đề này.
Toàn cầu hoá là tiến trình tất yếu
"Tôi cho rằng, khái niệm công dân toàn cầu khởi sinh từ nhu cầu lao động và việc làm của các nền kinh tế thế giới" - GS.TS Phạm Tất Dong, cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam, Nhà nghiên cứu Xã hội học tập - mở đầu câu chuyện về chủ đề căn bản trong vận động phát triển xã hội với điểm mấu chốt chính là nhu cầu việc làm toàn cầu.
Nhu cầu phân chia việc làm khiến công nghệ mới, trí tuệ mới ra đời. Và trên cơ sở đó, người ta phải cấu kết với nhau, hội nhập với thế giới, biến nhân loại trở thành thế giới đại đồng như nhiều triết gia lỗi lạc từng mong mỏi.
Tiến trình toàn cầu hóa ấy là quá trình tăng lên mạnh mẽ, thay đổi mạnh mẽ các mối liên kết và trao đổi giữa các quốc gia, các tổ chức và các cá nhân trên quy mô toàn cầu.
Có tới 5 vấn đề cần lưu tâm trong tiến trình này.
Trước hết, các quốc gia trên thế giới buộc phải cạnh tranh trong hợp tác. Các nền kinh tế cũng sẽ dần trở nên phụ thuộc lẫn nhau, dần đi đến sự phân công chuyên môn hoá.
Thế giới phẳng biến thành thị trường chung và sự thẩm thấu, giao thoa văn hoá là không tránh khỏi. Các quốc gia không thể "cố thủ" chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bởi theo nhiều dòng chảy của lao động và việc làm, thế giới ngày càng hình thành nhiều tập đoàn đa quốc gia.
Và một sự tất yếu là mẫu người đạt tiêu chuẩn công dân toàn cầu sẽ ngày càng nhiều lên. Ai không thể theo kịp tiến trình này sẽ là những người bị bỏ lại trong sự lạc hậu, khiến họ không thể nắm bắt và đi cùng thời đại.
Làm rõ nhu cầu toàn cầu hoá của nhân loại, GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh rằng nhu cầu này bản chất là mối liên kết, trao đổi giữa các quốc gia về phương diện kinh tế, văn hoá. Trên thế giới, rất ít các quốc gia hiện nay không có nhu cầu toàn cầu hoá do gặp phải khủng hoảng nợ dẫn đến "bế quan toả cảng" và hạn chế xuất nhập khẩu, kể cả lao động.
Còn lại, cuộc chạy đua giữa các quốc gia về công nghệ mới không bao giờ dừng lại. Ai dám bảo đảm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - cuộc cách mạng về công nghệ kỹ thuật số sẽ neo giữ nhân loại ở mặt phẳng internet mà không phải là một sự tiến hóa cao hơn về công nghệ, vật liệu, thậm chí là siêu trí tuệ sẽ tới?
Bước ra thế giới - bản lĩnh của những công dân toàn cầu
Ngày nay, giới trẻ chỉ cần ngồi trước màn hình internet là có thể kết nối thế giới và tạo ra các xu hướng phát triển hết sức mạnh mẽ không bị giới hạn bởi không gian địa lí. Họ chính là chủ thể giải quyết các vấn đề toàn cầu đang nóng bỏng hiện nay. Vì vậy, công dân toàn cầu ngoài năng lực Anh ngữ, kiến thức về thế giới sâu rộng, điều quan trọng là phải thể hiện được trách nhiệm với xã hội và môi trường chung.
Với bản lĩnh học tập và làm việc trong môi trường quốc tế, công dân toàn cầu giữ vững được giá trị riêng có của mình về văn hoá và bản sắc, đóng góp và cống hiến giá trị riêng vào kho tàng nhân loại.
Ngô Hồng Quang - nghệ sĩ âm nhạc dân gian đương đại của Việt Nam vừa trở về từ Hà Lan sẵn sàng chia sẻ với Công dân và Khuyến học về chủ đề này. Anh là một trong số hiếm hoi những nghệ sĩ trẻ của Việt Nam hiện nay có thể mang âm nhạc dân gian của Việt Nam ra thế giới.
Con người "nghệ sĩ" của Ngô Hồng Quang là một thanh âm độc đáo đầy bản sắc Việt trong dàn nhạc quốc tế gồm nhiều thành viên đến từ nhiều quốc gia. Hiện, anh duy trì chế độ làm việc xen kẽ giữa Việt Nam và ở nước ngoài nhằm mục đích có thể vừa nghiên cứu điền dã văn hoá dân gian Việt Nam, vừa biểu diễn và có thể tu nghiệp ở các quốc gia có sự quy tụ văn hoá từ khắp thế giới.
Năm 2010, Ngô Hồng Quang bắt đầu tu nghiệp bậc thạc sĩ chuyên ngành sáng tác tại Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Lan sau khi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Năm 2023, Quang tiếp tục hoạt động nghệ thuật với vai trò vừa là nhạc công, nhạc sĩ, ca sĩ và hoàn thiện nhiều dự án âm nhạc tại nước ngoài.
Có dịp lưu diễn tại nhiều quốc gia khác nhau, Ngô Hồng Quang muốn khoe với bạn bè quốc tế chất liệu âm nhạc dân gian của các dân tộc Việt Nam qua con mắt của anh, tâm hồn anh. Cơ hội va chạm với nhiều nền văn hóa trên thế giới còn giúp anh chắt lọc, tìm ra sự đồng điệu lẫn sự khác biệt của ngôn ngữ âm nhạc.
“Rồi đây, văn hóa của loài người sẽ chẳng còn biên giới nào cả, chỉ có sự hòa nhịp chung, câu chuyện sinh tồn chung mà riêng, bản địa nhưng hòa nhập, liên kết để hòa chung một dòng chảy” - Anh nói.
Quả thật, Ngô Hồng Quang có khả năng kết hợp với nhiều nghệ sĩ mang nhiều bản sắc văn hóa khác nhau để tạo thành một bản hoà âm không biên giới.
Với xu hướng số hóa nghệ thuật, văn hóa dân gian càng có nhiều cơ hội được phổ biến lan tỏa trên thế giới với điều kiện là nền văn hóa đó phải mạnh mẽ, bản sắc. Cùng với xu hướng này, những người trẻ cũng đã tiếp nhận âm nhạc dân tộc theo một xu thế mới, xoá nhòa ranh giới địa lí nhưng giữ lại tinh hoa văn hóa.
Câu chuyện về phong cách sống và làm việc, mục tiêu cuộc đời của Ngô Hồng Quang chỉ là một trong số vô vàn những công dân toàn cầu hiện nay.
Anh nói rằng, bản thân chọn học ở nước ngoài vì muốn sống và làm việc một cách tự do nhất.
"Tôi muốn mình có tư duy sáng tạo ra không gian âm nhạc của riêng mình, và tự biểu diễn thứ âm nhạc riêng biệt đó trong môi trường quốc tế. Việc đi tu nghiệp ở nước ngoài còn cho tôi nhiều cơ hội kết nối với nhiều nghệ sĩ trên thế giới để học tập và chia sẻ kinh nghiệm âm nhạc với nhau, được làm những dự án âm nhạc mới lạ, mang tính quốc tế. Điều này chỉ có thể sống và học tập ở môi trường quốc tế mới có thể có cơ hội được" - Ngô Hồng Quang chia sẻ.
Môi trường giáo dục của nước ngoài luôn luôn nghiêm túc và đầy đủ điều kiện, tiện nghi cho sinh viên tự học và phát triển độc lập tư duy, để có thể trở thành những nghệ sĩ sống tự do và tự chủ về sáng tạo.
Phải chăng, du học cũng là con đường ngắn nhất để trở thành công dân toàn cầu?
Nâng cấp bản thân - hành trình không dễ dàng gì
GS.TS Phạm Tất Dong thẳng thắn chia sẻ nhận định: Những người có tính cách có thể trở thành công dân toàn cầu là cởi mở, tự tin, tò mò thích khám phá, có thể đắm mình trong văn hoá đa dạng, luôn nhìn thấy cơ hội cho sự phát triển.
Quan trọng nhất là cá nhân phải tự tin, tự trọng, phải có khả năng giao tiếp, lắng nghe, phản biện và hùng biện bằng ngôn ngữ thông thạo. Khi hội tụ đủ điều đó, thì hợp tác hay giải quyết khủng hoảng, xây dựng dự án kế hoạch, tổ chức và gây tầm ảnh hưởng đều chỉ là chuyện...nhỏ - trên quy mô toàn cầu.
Còn nhiều người trong số chúng ta không thể trở thành công dân toàn cầu vì họ bảo thủ, cố cựu, không thể thẩm thấu và tiếp nhận cái mới, bởi họ quá cũ kĩ.
Xét một cách công bằng, ai trong chúng ta cũng đang hưởng thụ tri thức toàn cầu theo nhiều kênh khác nhau, phổ biến nhất là qua internet. Trong kho tàng tri thức toàn cầu đó, chúng ta đóng góp gì cho sự thịnh vượng chung, và kho tài nguyên chung?
Thomas Friedman - chuyên gia truyền thông người Mỹ là người đưa ra khái niệm "Thế giới phẳng". Thomas Friedman và các học giả tiến bộ đều hướng đến xây dựng các luận điểm, phương pháp để con người có thể lại gần nhau, giao hòa và xóa đi xung đột. Nhờ có phương tiện truyền thông hiện đại, tri thức bây giờ không còn là tri thức của một cá nhân, một tổ chức, một quốc gia mà là của toàn nhân loại. Thế giới dần thu bé lại và cơ hội được chia bình đẳng hơn cho mọi người buộc những công dân sống trên trái đất này phải hình thành ý thức mình là "công dân toàn cầu".
Vậy mới nói rằng, dù có thông thạo nhiều ngoại ngữ, đi du lịch khắp thế giới, và bạn bè khắp năm châu, bốn biển, thì chưa hẳn mỗi cá nhân đã là một công dân toàn cầu.
Việc được hưởng lợi ích hợp pháp từ quốc tịch và luật pháp của từng quốc gia mà một công dân toàn cầu đang sống và làm việc cũng là vấn đề đang tranh cãi. Khi sống ở quốc gia nào, bạn phải có tư cách công dân của quốc gia đó đã, bạn mới được hưởng nền lập pháp và tiến bộ tri thức do quốc gia đó mang lại. Vì vậy, tư cách để một công dân toàn cầu bước ra thế giới rất quan trọng. Người ta có thể đề cập đến khái niệm hộ chiếu xanh đi khắp thế giới, với điều kiện bạn phải là công dân có giá trị, không vi phạm pháp luật và có đóng góp cho sự phát triển chung.
Với thanh niên Việt Nam, thế hệ trẻ "sau luỹ tre làng" tưởng chừng đã hết thời và không còn phù hợp với thời đại phát triển. Họ tiêu biểu cho thế hệ yêu văn hoá truyền thống, dựa vào sức mạnh cổ truyền và sự cố kết cộng đồng, có khả năng tự cung tự cấp. Tuy nhiên, sau khi "bung ra", họ lại có những khao khát tiềm ẩn về việc tìm chỗ "ẩn trú" khi gặp nhiều vấn đề áp lực từ toàn cầu hoá. Họ co rút vào bản thể và nhanh chóng tìm nơi mà họ cho là an toàn và khép kín. Việc "bỏ phố về rừng" làm nông nghiệp, cắt bỏ internet và ăn thô, cắt bỏ thực phẩm qua chế biến, từ chối động cơ là một ví dụ về việc từ bỏ áp lực phải trở thành những cá nhân xuất sắc trong một thế giới toàn cầu hoá.
Xu hướng về toàn cầu hoá cũng có thể bị "bẻ gãy" bởi các sự cố mà nhân loại không thể lường trước. COVID-19 là một ví dụ cụ thể. Khi các quốc gia liên kết và chuyên môn hoá cao, họ sẽ không biết kiếm đâu ra một chiếc khẩu trang chống dịch, mà phải nhập khẩu. Họ coi trọng giao thoa văn hoá và coi nhu cầu giao tiếp là nhu cầu tối thượng, trên cả cái chết và nỗi ám ảnh khủng hoảng dịch tễ. Khi biên giới các quốc gia đóng lại, chẳng có chuyến bay nào cất cánh cả, thì lúc đó mọi nỗ lực của loài người dường như vô nghĩa.
Giới trẻ Việt Nam khi được phỏng vấn đã cho rằng để trở thành "công dân toàn cầu" cần phải có khả năng thích ứng, tôn trọng sự khác biệt và đa dạng, có khả năng hiểu và kết nối với những xu hướng thay đổi trên thế giới. Những nhân tố này sẽ kích thích óc sáng tạo, tìm tòi cái mới trong một thế giới bao la nhưng vẫn biết gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể là đại diện vĩ nhân của Việt Nam nhấn mạnh tới vấn đề giáo dục và đào tạo những công dân toàn cầu rõ ràng nhất. "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em" - trích thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 15/9/1945.
"Trở lại luận điểm đầu tiên, toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, không có vấn đề riêng lẻ của các cá nhân, mà vấn đề đặt ra trước mắt luôn là nhu cầu học tập và tu dưỡng, tiếp nhận kỹ năng để mỗi công dân có thể trở thành công dân toàn cầu. Họ có thể làm việc ở nơi nào họ muốn trên Trái Đất này; sống hạnh phúc như họ có thể và thực hiện nhu cầu cao nhất của một con người: Nhu cầu chia sẻ và đóng góp sức mình vào kiến tạo thế giới" - GS.TS Phạm Tất Dong khẳng định.
Học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay vẫn chưa được hưởng một nền giáo dục tiên tiến để có thể trở thành công dân toàn cầu. Bên cạnh việc giáo dục thế hệ trẻ để xây dựng quê hương, đất nước như đã từng đề cao, chúng ta cần có những công dân không chỉ làm chủ vận mệnh chính mình, còn làm chủ vận mệnh nền kinh tế, mà phải có năng lực tham gia vào tiến trình thay đổi thế giới vì những điều tốt đẹp chung.
Mọi điều đều phải bắt đầu từ chính sách giáo dục và khuyến học.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hanh-trinh-tro-thanh-cong-dan-toan-cau-bai-1-chang-duong-nao-trai-hoa-hong-179230721114900867.htm