Hạnh phúc là gì?
Đã có biết bao triết gia, thi sĩ, văn sĩ, tiến sĩ... mất công sức, thậm chí tiêu tốn cả đời để tranh biện, lý giải về hạnh phúc, để cố gắng có hạnh phúc, nhưng nhiều khi hạnh phúc thật sự cũng rời xa chúng ta.
Hạnh phúc - bản chất thực sự của nó chính là… cảm giác!
Con người luôn có cảm giác vui sướng, an bình với những điều giản dị nhất trong khoảnh khắc của thời gian. Mà đời người là hữu hạn. Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc - bản chất thực sự của nó chính là… cảm giác! Hạnh phúc là cảm giác ta đạt được điều mong muốn sau nhiều nỗ lực về tâm trí, thời gian, có những điều to tát, có những điều giản dị, cụ thể, ngay chính trong ta, bên cạnh ta. Đó là hạnh phúc!
Nhiều người tốt nghiệp đại học trong những năm 80 của thế kỷ 20 từng mơ ước có một chiếc xe đạp Thống Nhất, trên tay lái treo một chiếc cặp lồng, chăm chỉ đạp xe đến cơ quan làm việc mỗi buổi sáng. Đơn giản là ở Hà Nội thời đó, hình ảnh này đã đóng dấu trong rất nhiều đôi mắt thèm muốn: Họ có việc làm ổn định ở một cơ quan nhà nước. Tôi đã không ngừng mơ ước suốt gần 3 năm đằng đẵng, rằng mình vô cùng muốn trở thành một trong cả triệu người hàng ngày đi xe đạp như vậy trên đường phố Hà Nội.
Rồi việc gì đến cũng phải đến sau nhiều nỗ lực. Tôi đã trở thành một trong rất nhiều người đi xe đạp với chiếc cặp lồng tòng teng, ngày ngày đến công sở. Nhưng như đã nói, hạnh phúc là cảm giác trong những khoảnh khắc. Khoảnh khắc qua đi, ta lại đuổi theo hạnh phúc khác, đến khi đạt được cảm giác hạnh phúc, lại đuổi theo hạnh phúc với cảm giác khác. Người có đủ tham, sân, si, hận thì hạnh phúc của họ là được hơn người về tiền tài, danh vọng, hơn người về phì thân, ngênh ngang về trí. Thỏa mãn những điều đó thì họ thấy hạnh phúc, không thỏa mãn thì họ thấy mình thật… bất hạnh.
Cho nên, quan niệm về hạnh phúc – cảm giác của mỗi người rất khác nhau.
Hạnh phúc được "kết cấu" bền vững từ những điều giản dị…
Thời còn học đại học, tôi có quen 2 người đàn anh. Một người là bộ đội, sau khi hết thời hạn nghĩa vụ quân sự về đi học, một người học đại học ra, vừa đi làm cơ quan nhà nước vừa kinh doanh (làm chủ một cơ sở sản xuất). Khi tôi đang còn ngây ngô với những khái niệm đa chiều về hạnh phúc thì họ có những quan niệm về hạnh phúc khác nhau mà sau này đến độ tuổi trưởng thành tôi mới hiểu.
Người đàn anh là bộ đội phục viên đi học là một người đàn ông ít nói, chỉn chu, thích chơi ghi ta, thích đá bóng. Anh luôn chuẩn chỉ trong từng lời nói, cử chỉ. Câu trả lời của anh với những người nhiều lời chỉ là nụ cười hiền lành và rồi im lặng.
Dù lớn tuổi hơn lứa sinh viên xuất thân là học sinh phổ thông chúng tôi nhưng anh không bao giờ tỏ ra mình là bề trên, lên giọng dạy dỗ. Anh không đối đầu với những ai muốn anh đối đầu, anh không tranh luận với ai muốn anh tranh luận. Anh lặng lẽ và an hòa, không phiền lụy đến ai. Ở bên anh, người ta có cảm giác an bình. Anh có thể cùng tôi ngồi hàng giờ tỉ mẩn luyện ngón, chạy những gam khó trên phím ghi ta để chơi một bản nhạc cổ điển nào đó mà không tỏ ra sốt ruột. Mê đá bóng, khả năng rê, lắc người để dẫn bóng rất tốt, nhưng khi đối thủ hùng hổ dùng bạo lực lao vào tranh bóng thì anh né ngay. Có lúc tôi tự thắc mắc, tại sao anh không dùng kỹ thuật rê bóng của mình để "dạy" cho đối thủ một bài học?
Một người đàn ông như thế đương nhiên là có sức hút với phái nữ. Cuối năm thứ nhất đại học, một cô gái 19 tuổi xin xắn học cùng trường công khai tình cảm với anh. Cô ấy tìm mọi cách gặp gỡ, quan tâm, chăm sóc anh. Mọi người trong lớp đều biết, còn anh thì như… không biết. Anh né. Nhiều người vun vào, anh trả lời: "Tớ có vợ ở quê rồi". Trước đó anh chưa bao giờ nói đã có vợ, nên có người không tin. Có người nói với tôi: "Tình yêu là hạnh phúc không tự tìm được, nó là thứ Trời cho, cứ hưởng. Một cô gái xinh xắn, non tơ, thân hình hấp dẫn thế kia, tội gì mà không đón nhận. Vậy mà lão ấy từ chối. Rõ là hâm!". Còn anh ấy vẫn chỉ cười và tiếp tục né tránh cô gái. Anh cũng không cố tỏ ra mình là người đàn ông đàng hoàng. Vào một ngày, mọi người nhìn thấy cô gái nước mắt vòng quanh. Anh ấy đã chính thức từ chối cô gái, và chỉ coi cô như em gái! Thế rồi mưa gió cũng qua đi, anh vẫn tiếp tục cùng tôi luyện những ngón đàn vào mỗi đêm. Nhưng tôi biết, tiếng đàn đó hàng đêm vẫn làm đau trái tim cô gái đến nhiều năm sau.
Trong mấy năm học đại học, có những lần tôi cần tiền mua vé xe buýt đi thăm người nhà, anh đều cho vay (đến 2 tháng sau khi nhà bếp thanh toán tem gạo do không ăn sáng, tôi đem bán cho mấy quán nước mới có tiền trả anh). Khi tôi có việc về muộn, nhờ anh lấy suất cơm độn khoai tây chan nước mắm "đại dương", anh đều cẩn thận đem về mà không đặt điều kiện gì.
Tốt nghiệp đại học, tôi trụ lại Hà Nội xin việc làm, còn anh về quê Hải Dương dạy học ở một thị trấn, sống với người vợ thưở hàn vi. Anh vẫn chơi đàn, đá bóng, chăm hoa. Gần 70 tuổi anh vẫn ra sân đá bóng, vẫn chơi đàn. Nhìn anh chơi ghi ta, hát hò, đá bóng, chụp ảnh với vợ, tôi thấy anh chị hạnh phúc trong từng cử chỉ, ánh mắt. Bản chất của hạnh phúc chỉ là cảm giác, nhưng tôi nghĩ những cảm giác đó ở anh có "kết cấu" bền vững vì anh hài lòng với những gì thật có của mình, với những người thân yêu của mình. Mới đây, anh nhắn tin cho tôi: "Em bố trí về quê anh đi. Anh em mình gặp nhau hàn huyên, ôn lại những kỷ niệm thời đại học".
Người đàn anh thứ hai của tôi ngày đó vừa đi làm ở cơ quan nhà nước vừa làm ông chủ một xưởng sản xuất. Anh ấy năng động và đam mê kiếm tiền. Đó là một người đàn ông phải nói là khá hấp dẫn phái nữ. Khi anh ấy cười tủm tỉm, tôi cam đoan rằng cô gái ngồi đối diện sẽ xao xuyến ít nhiều. Trong khi chờ xin việc phải kiếm cơm hàng ngày, tôi được anh ấy thuê làm thợ, ăn ngủ tại xưởng. Từ chỗ là thợ phụ, tôi trở thành thợ chính và phụ trách hầu hết những đơn hàng, kể cả những đơn hàng khó nhất. Có nghĩa là trong nhiều thời điểm, không có tôi, anh ấy không thể "trả nợ" những đơn hàng của bạn bè. Anh ấy là hình mẫu để tôi mong ước vì tôi coi những gì anh ấy đạt được là hạnh phúc. Thế nhưng…
Tôi có đứa em trai đang học đại học, chủ nhật nó đạp xe từ trường sang xưởng tôi làm việc để xin một trăm đồng lo sách vở. Nhìn đứa em hớt hải, mồ hôi nhễ nhại, tôi không khỏi nghẹn lòng. Tôi nói với anh ấy xin ứng chút tiền công để cho đứa em. Anh ấy không nói gì, bỏ đi rửa ấm pha trà, rồi cầm chổi quét nền nhà, quét mãi, quét mãi, quét đi rồi quét lại. Tôi vừa làm công việc của thợ cả, thi thoảng sốt ruột lại chạy vào năn nỉ cho ứng tiền công, nhưng anh ấy vẫn... quét nhà. Giời ạ, sao nhà anh ấy nhiều rác thế? Mãi đến gần trưa, anh ấy mới đưa cho tôi một trăm đồng - như thứ bố thí. Tôi đưa em trai ra ngoài chiêu đãi một bát phở quê lỏng bõng. Mấy tuần sau nó hớt hãi đạp xe sang thông báo: một trăm đồng nhét tút quần khi đạp xe về trường đã bị rơi mất.
Anh ấy nhận những đơn hàng chủ yếu là của bạn bè và luôn yêu cầu nhận tiền trước, có khi là 50 -70%, có khi là 100%. Bạn bè tin nhau nên họ dễ dàng đưa tiền theo yêu cầu của anh. Anh ấy nhận tiền mà không làm đúng hẹn nên bạn bè luôn luôn đến thúc dục, nhiều người tỏ thái độ bức xúc. Anh ấy mặc kệ. Nhưng điều mà tôi lo lắng nhất là anh toàn đưa vật tư phế phẩm vào làm sản phẩm cho bạn bè. Tôi là thợ, thấy không ổn nên khuyên anh không nên như thế. Anh ấy không trả lời mà cứ yêu cầu thợ phải làm. Vừa làm tôi vừa lo lắng đến ngày mọi việc bung ra thì không biết anh ấy sẽ cư xử với bạn bè ra sao.
Có một đôi vợ chồng đi xuất khẩu lao động ở Đức về, đưa gần hết tiền cho anh ấy theo hợp đồng miệng để có sản phẩm theo yêu cầu. Quá thời hạn, bị thúc dục quá nhiều, anh ấy mới yêu cầu tôi và nhóm thợ bắt tay vào làm. Nhưng hỡi ôi, anh ấy yêu cầu dùng toàn nguyên liệu phế phẩm. Tôi nói là không nên làm thế, nhưng anh ấy vẫn không nghe. Ngày nghiệm thu (quá hạn đến hơn 1 tháng), đôi vợ chồng khách hàng rất tức giận đòi lại tiền và yêu cầu đem tất cả sản phẩm phế phẩm về (không biết sau này anh ấy có trả lại tiền hay không).
Những việc tương tự như thế thường xuyên xảy ra. Bạn bè dần dời xa anh ấy. Không sao, anh ấy lại có những bạn bè mới và vòng xoáy tin tưởng, bực tức, giận dữ, từ mặt lại diễn ra. Cùng thời gian đó, anh ấy xây một ngôi nhà 2 tầng hoành tráng. Những năm 1985-1986, ngôi nhà 2 tầng của anh ấy trở thành tâm điểm thèm muốn của nhiều người, nó như là biểu tượng của sự thành đạt trong kinh doanh.
Đỉnh điểm xung đột giữa tôi với anh ấy buộc tôi phải rời xa dù chưa tìm được việc làm là chuyện mấy chỉ vàng. Anh ấy đến tận nhà người thân của tôi nhận mấy chỉ vàng và hứa sẽ xin việc cho tôi vào một cơ quan. Cả năm trời không thấy tôi có việc làm, người thân của tôi yêu cầu trả lời thì anh ấy nói là ông trưởng phòng tổ chức cầm hết vàng rồi. Gặp ông trưởng phòng thì ông ấy nói chẳng biết vàng vọt gì cả, chỉ được anh ấy mời một bữa bia hơi mà thôi. Mất vàng, xụp đổ thần tượng, không có việc làm, tôi thấy cái gọi là hạnh phúc thật mông lung, xa vời.
Khi tôi đã có việc làm, vào một buổi chiều, anh ấy đến tìm. Vẫn nụ cười làm xao xuyến người khác phái, vẫn dáng vẻ trí thức pha chút hình ảnh thành đạt về kinh tế, anh ấy đưa ra lời đề nghị: vay tiền! Tôi mới đi làm thì lấy đâu ra tiền cho anh ấy vay? Mà có thì tôi cũng không cho vay. Khi anh ấy về rồi, qua người quen tôi mới biết rằng, ngôi nhà 2 tầng từng là biểu tượng của người thành đạt đã bị tòa án phát mại để trả cho những người đã tin tưởng đưa nhiều tiền cho anh ấy. Cũng may là anh ấy thoát được pháp luật hình sự vì những người kiện đó chủ yếu là bạn bè nên chỉ muốn giải quyết trong phạm vi quan hệ dân sự.
Sau đó anh ấy đi nước ngoài làm ăn buôn bán, có tiền rồi mất tiền, có bạn rồi mất bạn. Ở với vợ con tại nước ngoài, nhưng anh ấy lại quan hệ với người phụ nữ khác. Sự việc tệ đến mức con anh ấy không nhận cha. Ngày cưới, đứa con không cho anh ấy đến.
Vậy thế nào là hạnh phúc? Hạnh phúc là cảm giác và hoàn toàn có thật. Hai người đàn anh của tôi có quan niệm về hạnh phúc khác nhau. Một người coi hạnh phúc là những gì giản dị, cụ thể, sát sườn, của mình, hạnh phúc chỉ có thật khi không làm phiền, làm hại người khác. Một người coi hạnh phúc là phải giành giật của người khác, làm người khác đau khổ, để rồi cái gì không phải của mình lại mất đi, kể cả những thứ quý giá là những người thân yêu của mình cũng rời xa.
Đến đây, tôi chợt nghĩ, chẳng cần các triết gia, thi sĩ, tiến sĩ... mất công sức để tranh biện về định nghĩa hạnh phúc thế nào là chuẩn. Bởi vì mỗi người quan niệm hạnh phúc khác nhau. Và hạnh phúc là có thật, có "kết cấu" bền vững từ những điều giản dị chứ không phức tạp, to tát và cao siêu như nhiều người vẫn nghĩ!
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hanh-phuc-la-gi-179230402002222585.htm