Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với Kinh Dịch

06:00 - 15/12/2022

Đại danh y Lê Hữu Trác có hiệu là Hải Thượng Lãn Ông. Lãn Ông nghĩa là "ông lười"/ không chăm chút, không ham lợi danh, quyền thế. Năm 2024 tới đây là kỷ niệm tròn 300 năm ngày sinh của ông.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với Kinh Dịch - Ảnh 1.

Chân dung của Hải Thượng Lãn Ông. Nguồn: wikimedia

Cha của ông là Lê Hữu Mưu (1685-1739), người ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên ngày nay). Mẹ của ông là bà  Bùi Thị Thưởng, người ở là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay. Năm 1743, Lê Hữu Trác thi đỗ Tú tài. Ông học thêm thuật Âm dương, Thiên văn, Nhân thuật "nghiên cứu trong vài năm cũng biết được đại khái, mới đeo gươm tòng quân để thí nghiệm sức học của mình" (Lời tựa "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh") gia nhập quân đội chúa Trịnh, theo đuổi con đường binh nghiệp, lập nhiều chiến công nên được cất nhắc nhưng ông từ chối.

Khi người anh thứ năm mất, ông đã từ bỏ con đường binh nghiệp để về Hương Sơn lo việc tang cho người anh và chăm sóc mẹ già, các cháu. Không bao lâu, ông mắc bệnh nặng phải ra Thanh Chương (tỉnh Nghệ An ngày nay) nhờ lương y Trần Độc cứu chữa hơn một năm. Trong thời gian này, ông đọc sách kinh điển y học "Phùng Thị cẩm nang", của Phùng Triệu Trương là danh y dưới triều nhà Thanh (Trung Hoa). Những chỗ sâu sắc về Dịch lý, Âm dương trong sách thuốc, ông đều hiểu cả. Trần Độc thấy ông có năng khiếu, muốn truyền cho nghề.

Nhờ sách "Phùng Thị cẩm nang", ông đã chữa cho hai người con gái của ông khỏi bệnh và bắt đầu chữa bệnh cho những người trong họ, người làng. Được gọi là thầy thuốc, ông đánh giá cao Phùng Triệu Trương như một bậc thầy kính trọng và đã vẽ một bức tranh về Thầy để thờ. Năm 1782, tiếng tăm thầy thuốc Lãn Ông đã lan tới Kinh thành Thăng Long. Ông được chúa Trịnh Sâm triệu lên Kinh thành chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm.

Lê Hữu Trác để lại trước tác đồ sộ, trong đó có bộ sách nổi tiếng Hải Thượng Y tông tâm lĩnh. Đây là công trình tâm huyết cả đời thầy thuốc của ông. Ông cho biết: "Tôi đã tự đặt mình vào nghề y nên lúc nào cũng muốn làm hết khả năng của mình, trước thuật cho thật nhiều để cắm ngọn cờ hồng trong ngành y".

Tác phẩm chính: "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh" (tên phổ biến)

"Hải Thượng Y tông tâm lĩnh" là Bách khoa toàn thư về Đông y, là cột mốc đánh dấu một bước tiến mới, mở đường cho sự phát triển của y học cổ truyền Việt Nam. Bộ sách có giá trị không chỉ ở trong nước Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Bộ sách "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh" gồm 28 tập, 66 quyển, nội dung bao quát khắp các lĩnh vực của Y học cổ truyền phương Đông, từ triết học, y lý, vận khí, bệnh học, chẩn đoán, điều trị, dưỡng sinh, phòng bệnh, dược học, phương tễ cho đến dinh dưỡng ăn uống, nữ công gia chánh, từ nội khoa, nhi khoa, phụ sản khoa, đến ngoại khoa, nhãn khoa, hầu khoa... "Có thể coi 28 tập của "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh" như 28 vì sao sáng trên bầu trời Y học cổ truyền phương Đông" - Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Văn Thang.

Đóng góp học thuật cơ bản

- Xây dựng lý luận và phương pháp chữa bệnh phù hợp với "phong thổ" (địa lý, khí hậu, đặc điểm con người) Việt Nam.

Tham khảo, chọn lọc, tiếp thu những tinh hoa của các lý thuyết kinh điển Trung y, kế thừa tư tưởng "Nam dược trị Nam nhân" của Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đã có những sáng tạo mới nhằm tìm ra những gì phù hợp nhất với phong thổ Việt Nam, thể trạng con người Việt Nam, từ đó, xây dựng hệ thống lý luận và phương pháp chữa bệnh mang tính khả thi, tính thực tiễn sâu sắc. Ông chỉ rõ những điểm khác biệt giữa khí hậu Phương Bắc (Trung Hoa) và khí hậu Phương Nam (Việt Nam), vạch ra phương pháp chữa bệnh Ngoại cảm ở Việt Nam, sử dụng thuốc Nam và đưa ra các bài thuốc, các phương pháp chữa bệnh cụ thể.

Vấn đề này được trình bày rõ trong tập "Ngoại cảm thông trị" - điều được ông khẳng định ngay từ tựa đề chương 1: "Những Y lý do tôi nghĩ ra".

Lê Hữu Trác nhận định do "phong thổ" khác nhau mà về hình thái chứng bệnh Ngoại cảm ở Việt Nam không giống với Phương Bắc (Trung Hoa): "Nước ta gần với mặt trời, không có băng tuyết, mùa Đông mà cũng có khí nóng, cử động thường ra mồ hồi, mồ hôi dễ ra thời khí trong người yếu, nếu có cảm mạo tà khí cũng không vào sâu quá, thế là vì hư mà cảm mạo nhẹ, cho nên mùa Đông chỉ là cảm hàn (cảm lạnh), vì thế ba mùa Xuân, Hạ và Thu chỉ là cảm mạo thời khí".

Từ đó Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác kết luận: "Nước ta (Việt Nam) tuyệt không có chứng Thương hàn và Ôn bệnh hay Nhiệt bệnh. Thế mà thầy thuốc tầm thường hễ thấy nhức đầu và phát sốt đều bảo là Thương hàn, rồi đem những vị thuốc mạnh của người phương Bắc vẫn dùng để điều trị, mà không rõ phương Nam, phương Bắc, phong thổ và tiết khí khác nhau".

Lê Hữu Trác khuyến cáo việc sử dụng thuốc: "Nước Nam ta không nên dùng bài thuốc Ma hoàng và bài thuốc Quế chi" - là những bài thuốc của phương Bắc (Trung Hoa) dùng để trị Thương hàn.

- Phát triển và hoàn thiện học thuyết Thủy - Hỏa

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã tham khảo hầu hết các sách kinh điển y học từ thời cổ đại đến triều Minh, triều Thanh (Trung Hoa); tiếp thu một cách có chọn lọc, có sáng tạo, có phê phán, có phát triển và hoàn thiện các lý luận và phương pháp chữa bệnh phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Ông chỉ rõ sách "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh": "Lấy "Hoàng Đế nội kinh" làm gốc, lấy "Phùng Thị cẩm nang", "Cảnh Nhạc toàn thư" làm đề cương"... và mạnh dạn chỉ ra những thiếu sót của người xưa khi vận dụng Âm dương, Ngũ hành để trình bày các vấn đề của y học.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác phát triển học thuyết Thủy – Hỏa, làm rõ quan hệ của Thủy - Hỏa với Khí Huyết. Về thuyết Thủy - Hỏa, ông dành riêng một tập "Huyền tẫn phát vi" - là phát minh những tinh vi về Thủy - Hỏa nhằm nói rõ công dụng mở đầu của "Tiên thiên" Thủy - Hỏa, cùng phép chữa theo học thuyết Tâm - Thận. Nhưng nói đến Thủy Hỏa mà không nói đến Khí Huyết sẽ là một thiếu sót lớn, nên ông soạn tập "Khôn hóa thái chân" kế theo "Huyền tẫn phát vi" nói rõ vai trò của "Hậu thiên" Tỳ vị, cơ năng tiêu hóa, tác dụng của Khí Huyết, bệnh lý và phép chữa. Theo Lê Hữu Trác, đem Khí Huyết là vật hữu hình, dễ nhận biết mà so với Thủy Hỏa là vật vô hình khó hiểu thì một đằng sâu, một đằng nông; nhưng mọi bệnh sinh ra thì cả Thận và Tỳ đều là cơ quan trọng yếu. Ông viết "Chữa bệnh nặng không biết đến Thủy Hỏa, chữa bệnh nhẹ mà không biết đến Khí Huyết thì cũng như trèo cây tìm cá"; "Nhà y mà không hiểu rõ chân tướng của Tiên thiên, Thái cực, không nghiên cứu tác dụng thần hiệu của Thủy Hỏa vô hình, không trọng dụng được những bài thuốc hay như Lục vị, Bát vị thì đạo làm thuốc còn thiếu sót đến hơn một nửa".

Giáo sư Tiến sĩ Trương Việt Bình nhận định: "Từ lý thuyết Âm dương – Ngũ Hành, Hải Thượng Lãn Ông nhấn mạnh yếu tố Âm Dương, chỉ ra mối quan hệ Âm dương và Thủy Hỏa, mối quan hệ giữa Thủy Hỏa và Khí Huyết, với Tinh, với Thần với Tân dịch trong cơ thể con người. Ông nhấn mạnh vai trò của Thủy – Hỏa và coi đó là cội nguồn của học thuyết Tâm - Thận. Ông đề cao hai bài thuốc cổ là Lục vị và Bát vị, coi đó là bài thuốc quý để giữ gìn sinh mạng cho con người. Cũng từ hai bài này, Lãn Ông đã biến hóa ra hàng trăm phương khác nhau để chữa rất nhiều bệnh".

Học thyết Thủy - Hỏa được nhiều danh y Trung Hoa phát triển trong đó danh y Triệu Hiến Khả đời Minh là tiêu biểu. Đóng góp lớn của Hải Thượng Lãn Ông là đã hiệu chỉnh, chỉ rõ và xác định vị trí Mệnh môn, nhấn mạnh vai trò Mệnh môn, đã hoàn thiện lý luận Y dịch của y gia nổi tiếng Triệu Hiến Khả khiến "Học thuyết Mệnh môn" của ông ấy được tiếp thu và truyền bá sâu rộng tại Việt Nam.

Học thuyết Thủy - Hỏa  do Hải Thượng Lãn Ông phát triển được nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam áp dụng, đã từng hình thành "Học phái Thủy – Hỏa". Luận án "Les Secret des Reins révéles" (Những bí mật về thận được tiết lộ) nghiên cứu tác phẩm Huyền tẫn phát vi được viết bằng tiếng Pháp, được giải thưởng năm 1952, một luận án có công bắc nhịp cầu nối giữa Đông y và Tây y, của Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ.

Kinh Dịch – tri thức không thể thiếu để trở thành thầy thuốc

Bàn về vai trò của Kinh Dịch, Hải Thượng Lãn Ông đã chỉ rõ trong lời tựa tập "Y gia quan miện" (cái mũ đội cho nhà làm thuốc): "Bậc Tiên hiền có nói: "Có học Kinh Dịch mới có thề học được y đạo". Học Kinh Dịch không phải là học về quẻ, về hào, về lời của vua Văn Vương và Đức Không Tử, mà đề học về Âm Dương biến hóa, về Ngũ hành sinh khắc như thể vòng tròn không có đầu mối: Là vì trong khoảng trời đất nào sinh ra thai, nào đẻ ra trứng, do khí mà hóa sinh ra hình cả đến cỏ cây sâu bọ cũng đều nhờ ở ngũ hành mới có thể sinh hoá được.

Huống chi người ta khôn hơn vạn vật được toàn thể của Âm-Dương, Ngũ hành rồi đến bệnh tật cũng không ngoài chỗ Âm-Dương thịnh hay suy, Ngũ hành thịnh hay kém. Vậy nhà làm thuốc có thể bỏ ngoài được Âm-Dương, Ngũ hành mà khởi tử hồi sinh cho bệnh nhân được không?"

Hải Thượng Lãn Ông cũng đề cập kỹ càng đến Bát quái, Thập can, Địa chi...

Có thể nói, nhờ sự hiểu biết và sự vận dụng sâu sắc dịch lý trong chữa bệnh, làm thuốc đã làm nên tên tuổi một ông tổ ngành y dược học cổ truyền Việt Nam.

Điều đáng nói là "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh" là tác phẩm vô cùng đồ sộ, không chỉ dành cho giới Lương y mà còn là bộ sách quan trọng cho những người nghiên cứu Kinh Dịch, Phong thủy khi vận dụng vào thực tiễn Việt Nam.

Trong 28 tập chia 66 quyển của bộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh thì các nhà nghiên cứu Kinh Dịch và Phong Thủy hoàn toàn có thể đọc các tập như "Y gia quan miện" - khái niệm cơ bản về Âm dương, Ngũ hành, tạng phủ, kinh lạc, khí huyết, mạch học, chuẩn đoán, bệnh lý, trị pháp; "Huyền tẫn phát vi" - nói rõ công dụng mở đầu của "Tiên thiên", Âm dương, Thủy - Hỏa; Cách phân biệt chứng trạng, dùng thuốc. Phép chữa theo học thuyết Tâm – Thận và "Vận khí bí điển" - Nói rõ và gọn cách xem mây, xem gió, chủ vận, khách vận, chủ khí, khách khí, nhằm dự đoán bệnh dịch hằng năm.

Thay lời kết

Vừa qua, Hội thảo "Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác  - Thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng" do Bộ Y tế, UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức, có bài tham luận: ""Vận khí bí điển" - của Hải Thượng Lãn Ông đã nêu chính xác thời điểm các đại dịch từ đầu thế kỷ XXI" của Lương y Nguyễn Ngữ. Điều đó có nghĩa là tác phẩm của Hải Thượng Lãn Ông vẫn có giá trị đến ngày nay và là cuốn sách cần thiết được quan tâm nghiên cứu đối với các nhà nghiên cứu Kinh Dịch và Phong thủy.

Nguồn: Viện Nghiên cứu ứng dụng Kiến trúc Phong thủy

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hai-thuong-lan-ong-le-huu-trac-voi-kinh-dich-179221214224829742.htm