Hải Phòng: Diễn đàn "Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông" cùng tháo gỡ khó khăn cục bộ
Phát biểu tại Diễn đàn "Liên kết phát triển Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông", Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, Diễn đàn sẽ giúp cho 4 địa phương cùng tháo gỡ, khắc phục khó khăn, liên kết các thế mạnh.
Hội nghị giao ban vùng và Diễn đàn "Liên kết phát triển Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức vào 31/8 tại Trung tâm Hội nghị thành phố.
Chương trình nhằm hiện thực hóa "Thoả thuận hợp tác kết nối kinh tế cao tốc phía Đông" được ký ngày 28/7/2022 giữa VCCI với 4 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Theo Ban tổ chức, Diễn đàn nhằm cung cấp bức tranh toàn cảnh về đầu tư, phát triển hạ tầng Khu Công nghiêp, Cụm Công nghiệp các tỉnh trục cao tốc phía Đông cho các nhà đầu tư, các tổ chức xúc tiến đầu tư và các tổ chức có liên quan. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp 4 tỉnh nằm trên trục cao tốc phía Đông liên doanh, liên kết, kết nối với nhau để khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất của từng đơn vị, nguồn hàng, các dịch vụ hỗ trợ khác nhằm mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm chi phí vận tải, chi phí trung gian của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu…
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng nêu rõ, nằm trong tiểu vùng kinh tế trục cao tốc phía Đông, 4 địa phương, gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đều có vị trí địa lý thuận lợi, để phát triển kinh tế. Những năm vừa qua, 4 địa phương đều có những thành công trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, nên đã trở thành một vùng tăng trưởng kinh tế quan trọng của cả nước. Tuy nhiên, mặc dù thu hút đầu tư của 4 địa phương hiện tương đối tốt, nhưng vẫn còn một khoảng cách khá lớn so với các trung tâm kinh tế lớn; chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng bộ, chưa tạo thành chuỗi hoạt động logistics liên hoàn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, tại Diễn đàn này sẽ giúp cho 4 địa phương cùng tháo gỡ, khắc phục được những khó khăn cục bộ, liên kết các thế mạnh; khắc phục tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương; đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông vùng và liên vùng; chia sẻ kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước, nhất là trong việc phát triển và kết nối hạ tầng các Khu Công nghiệp; giải quyết những bất cập về thu hút đầu tư, quản lý tài nguyên - môi trường và các vấn đề xã hội giữa các địa phương.
Theo thống kê, chỉ tính đến tháng 7/2023, trên địa bàn các tỉnh, thành trên trục cao tốc phía Đông có 87 Khu Kinh tế và Khu Công nghiệp, trong đó Hải Dương có 24 Khu Công nghiệp tổng quy mô diện tích khoảng 4.508 ha; Hải Phòng có 1 Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 25 Khu Công nghiệp với tổng diện tích 12.702 ha; Quảng Ninh có 5 Khu Kinh tế (gồm 3 Khu Kinh tế cửa khẩu, 2 Khu Kinh tế ven biển) và 16 Khu Công nghiệp với tổng diện tích khoảng 388.671 ha; Hưng Yên có 17 Khu Công nghiệp có diện tích là 4.395,43 ha.
Tuy vậy, tỷ lệ lấp đầy của các Khu Công nghiệp hiện mới đạt khoảng 50%. Cụ thể, Hải Dương dù đã thu hút được 348 dự án (tính đến 30/6/2023) nhưng mới đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 51%; Hải Phòng cao nhất trục cao tốc với tỷ lệ lấp đầy xấp xỉ 60% (tính đến đến 2021) với tỷ suất đầu tư trung bình đạt 9 triệu USD/ha. Đối với Quảng Ninh có 8 Khu Công nghiệp đi vào hoạt động nhưng tỷ lệ lấp đầy mới dừng ở con số 43% thấp hơn so với bình quân cả nước, số Khu Công nghiệp đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư với tổng số vốn đạt 4.100 triệu USD và 40 dự án trong nước với số vốn là 21.000 tỷ đồng. Riêng Hưng Yên, mặc dù có 261 dự án đầu tư vào các Khu Công Nghiệp với vốn đầu tư đạt 4.434 triệu USD, nhưng tỷ lệ lấp đầy trong các Khu Công nghiệp Hưng Yên mới đạt 47,8%.
Diễn đàn cũng đã tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức liên quan và ý kiến phản hồi, kiến nghị của các doanh nghiệp kịp thời bổ khuyết vào nhiệm vụ giải pháp của các thành phố, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hạ tầng công nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển trong hoạt động phát triển hạ tầng Khu Công nghiệp, tận dụng lợi thế của trục cao tốc phía đông và thế mạnh của từng địa phương…