Hải Phòng: Chọn đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm làm nơi biểu dương, khen thưởng học sinh xuất sắc tiêu biểu

19:01 - 08/11/2023

Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng vừa tổ chức biểu dương, khen thưởng học sinh, giáo viên xuất sắc tiêu biểu năm 2023. Buổi lễ diễn ra trang trọng tại Quảng trường Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Vĩnh Bảo.

Huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng biểu dương, khen thưởng học sinh xuất sắc tiêu biểu - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam và Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đào Trọng Đức khen thưởng giáo viên xuất sắc tiêu biểu huyện Vĩnh Bảo năm 2023. Ảnh: Huyện Vĩnh Bảo cung cấp

Đây là hoạt động nhằm tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, góp phần đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; tiếp tục đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thu hút sự đóng góp tự nguyện của các tập thể, cá nhân xây dựng quỹ khuyến học của địa phương.

Huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng biểu dương, khen thưởng học sinh xuất sắc tiêu biểu - Ảnh 2.

Học sinh và giáo viên xuất sắc tiêu biểu huyện Vĩnh Bảo năm 2023 được biểu dương khen thưởng. Ảnh: Huyện Vĩnh bảo cung cấp

Tại buổi Lễ, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo đã biểu dương, khen thưởng 215 học sinh đạt giải Ba trở lên trong Kỳ thi chọn học sinh Giỏi cấp thành phố năm học 2022-2023. Cùng với đó, biểu dương, khen thưởng 16 giáo viên các trường có học sinh đạt giải Nhất trong Kỳ thi chọn học sinh Giỏi cấp thành phố. 

Nhân dịp này, các tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã ủng hộ Quỹ khuyến học huyện 680 triệu đồng.

Theo cuốn "Công dư tiệp ký" của Vũ Phương Đề - một danh thần ở khoảng cuối đời Lê Trung Hưng: "Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Hồng Đức thứ 21 (tức năm Tân Hợi 1491), lúc nhỏ vốn dáng kỳ vĩ, chưa đầy một năm đã nói sõi. Năm 4 tuổi, thân mẫu dạy cậu học các bài nghĩa của kinh, mới đọc qua đã thuộc làu làu...". Lớn lên được mẹ và thầy Dương Đức Nham dạy học. Sang tuổi trưởng thành, ông học thầy bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Do xã hội lúc đó nhiều biến động, mãi đến năm 44 tuổi ông mới dự thi thời triều Mạc. Cả 3 kỳ thi đề đỗ giải Nguyên Khôi. Kỳ thi Đình năm Ất Tỵ (1535), ông đỗ Trạng Nguyên và được Vua bổ làm Hiệu thư ở viện Hàn Lâm, rồi Đại học sỹ tòa Đông Các. Ông làm quan cho nhà Mạc được 8 năm rồi dâng "Thất trảm sớ", không được Vua ưng thuận nên cáo lão từ quan về quê, mở trường dạy học, sáng tác hàng nghìn bài thơ bằng chữ Nôm và chữ Hán. Người đời tương truyền, ông có nhiều bài sấm ký bao quát tầm nhìn thời thế ứng nghiệm. Nhiều học trò theo học ông đã lừng danh như: Giáp Hải, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ, Đinh Thời Trung, Trương Thời Cử... có người làm tới chức Tể Tướng. Như vậy, Ông không chỉ là cây đại thụ về thơ văn mà còn là một nhà giáo lỗi lạc.

Mặc dù sống cuộc đời điền viên, vui thú cỏ cây hoa lá, ngâm thơ, vịnh cảnh cùng môn sinh nhưng lòng ông vẫn đau đáu nỗi yêu nước, thương dân. Ông mất ngày 28 tháng Giêng mùa đông năm Ất Dậu (1585) niên hiệu Diên Thành thứ 9 đời Mạc Mậu Hợp, thọ 95 tuổi.

(Theo: haiphong.gov.vn)

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hai-phong-chon-den-tho-trang-trinh-nguyen-binh-khiem-lam-noi-bieu-duong-khen-thuong-hoc-sinh-xuat-sac-tieu-bieu-179231108173336834.htm