Hà Nội tăng cường tuần tra, chấn chỉnh tình trạng học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông
Phòng Cảnh sát giao thông - Công an Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục, gia đình phụ huynh trong công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho các em học sinh; tăng cường công tác tuần tra, xử lý những trường hợp học sinh vi phạm.
Đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm học sinh vi phạm an toàn giao thông
Trước tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu... diễn ra từ đầu năm học, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục, gia đình phụ huynh trong công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho các em học sinh. Đồng thời bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp học sinh, sinh viên điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn giao thông, góp phần hình thành ý thức chấp hành pháp luật cho các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Theo thông kê, trong 10 tháng đầu năm 2023, các lực lượng Công an Thành phố Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 2.374 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tạm giữ 1.031 trường hợp xe mô tô vi phạm. Tập trung vào các hành vi như: không đội mũ bảo hiểm (2.248 trường hợp); không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông (800 trường hợp); không có giấy phép lái xe (67 trường hợp).
Để chấn chỉnh tình trạng học sinh vi phạm giao thông, ngay từ những ngày đầu năm 2024, Phòng Cảnh sát Giao thông thành phố đã phối hợp các cơ sở giáo dục trên địa bàn, tuyên truyền cho học sinh tuân thủ các quy định về Luật Giao thông trong các buổi chào cờ đầu tuần, các tiết học về an toàn giao thông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, xử lý những trường hợp học sinh vi phạm; xử phạt cả những phụ huynh giao phương tiện cho học sinh tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát giao thông tham mưu lãnh đạo Công an Thành phố Hà Nội chỉ đạo Công an quận, huyện thị xã tăng cường xử lý vi phạm giao thông như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, kiểm tra xử lý các điểm trông giữ phương tiện tự phát quanh khu vực các cơ sở giáo dục; đồng thời tuyên truyền các hộ xung quanh trường học không được trông giữ xe gắn máy cho học sinh.
Ngày 2/1/2024, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 5 - Phòng Cảnh sát giao thông - Công an Thành phố Hà Nội đã tiến hành tuần tra kiểm soát, xử lý tình trạng học sinh điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Đại úy Nguyễn Văn Kiên, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 5 cho biết, đa phần các em học sinh hay vi phạm các hành vi như không đội mũ bảo hiểm, hoặc điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Điển hình như em H.K.L (17 tuổi, trú tại Long Biên) điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Trong quá trình kiểm tra, L. chưa đủ 18 tuổi, không xuất trình được giấy phép lái xe, giấy tờ xe liên quan.
Hay tương tự về việc vi phạm không có giấy tờ xe, em N.T.D (15 tuổi, quê Phú Thọ hiện đang trú tại Long Biên) điều khiển xe máy tham gia giao thông.
Tất cả các trường hợp vi phạm của học sinh không đủ điều kiện khi điều khiển phương tiện, đều bị lực lượng Cảnh sát giao thông tiến hành lập biên bản xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các trường hợp chủ xe giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Đại úy Nguyễn Văn Kiên khuyến cáo, để giảm thiểu tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở học sinh, các bậc cha mẹ, phụ huynh học sinh cần chủ động hướng dẫn, quản lý con em mình, không giao phương tiện khi các cháu chưa đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông, thực hiện nêu gương trong việc chấp hành các quy định về Trật tự, an toàn giao thông. Đối với nhà trường, cần phối hợp tốt với phụ huynh và lực lượng chức năng trong công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật, góp phần hình thành ý thức tự giác chấp hành các quy tắc giao thông cho các em ngay từ khi còn đang đi học.
Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh là nhiệm vụ quan trọng
Ngày 21/12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ, tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh diễn ra phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông đối với học sinh; chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra gần 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội cả trước mắt và lâu dài.
Tình hình trên đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp căn cơ để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh, thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh là nhiệm vụ rất quan trọng, là một trong những ưu tiên hàng đầu trong tổng thể công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, vừa có tính cấp bách trước mắt vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, cần được thực hiện một cách quyết liệt, kiên trì, thường xuyên, liên tục để bảo vệ và xây dựng thế hệ công dân tương lai có văn hóa giao thông văn minh, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Từng bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát lại các chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xác định rõ các nội dung, biện pháp và trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn.
Giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông bị xử phạt như thế nào?
Theo quy định tại Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2018, "giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ" là hành vi bị nghiêm cấm.
Theo Khoản 1 Điều 58, Luật giao thông đường bộ năm 2018, một trong những điều kiện của người lái xe tham gia giao thông là: Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Về tuổi, sức khỏe của người lái xe, Điều 60 Luật giao thông đường bộ năm 2018 quy định như sau: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3. Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;...
Như vậy, hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe là vi phạm pháp luật. Nếu phụ huynh giao xe cho con chưa đủ tuổi, điều kiện điều khiển phương tiện giao thông theo các quy định trên, thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Cụ thể, việc giao ô tô hoặc để cho người không đủ điều kiện lái xe ô tô tham gia giao thông theo quy định thì chủ xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (đối với cá nhân) và từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng (đối với tổ chức).
Việc giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện lái xe máy (xe mô tô, xe gắn máy) tham gia giao thông theo quy định thì chủ xe máy sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng (đối với cá nhân) và từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng (đối với tổ chức).
Trường hợp nếu để xảy ra tai nạn giao thông, thì người cho mượn phương tiện bị xử lý "Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" quy định tại Điều 264 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:
1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Làm chết 2 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Làm chết 3 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 21% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.