Hà Nội: Tạm giữ hình sự, tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 3 cán bộ bắn chết dê của dân
3 cán bộ Công an thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội bắn chết dê của dân bị kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân và tạm giữ hình sự để điều tra vụ án "Trộm cắp tài sản".
Cán bộ Công an bắn dê của dân khi đi săn
Theo thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Công an Thành phố Hà Nội, trưa ngày 26/6/2023, 3 cán bộ Công an thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức gồm: Đại úy Nguyễn Văn Nhân, Thượng úy Bùi Đình Việt và Thượng úy Bùi Tiến Tùng đã đi xe ô tô, mang theo 1 khẩu súng hơi vào khu vực núi Mào Gà (thôn Ái Nàng, xã An Phú, huyện Mỹ Đức) để bắn chim. Trong lúc đi săn, nhóm này đã bắn chết 2 con dê của người dân và cho vào cốp xe ô tô rồi đi về. Khi đến khu vực cầu Ái Nàng, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, cả nhóm bị người dân phát hiện và chặn lại.
Hình ảnh 3 cán bộ Công an và vụ việc được chia sẻ trên mạng xã hội.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ Công an Thành phố, Công an huyện Mỹ Đức khẩn trương điều tra xác minh, làm rõ vụ việc.
Tạm giữ hình sự 3 cán bộ Công an, khởi tố vụ án hình sự "Trộm cắp tài sản"
Căn cứ kết quả điều tra, ngày 27/6/2023, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 3 cán bộ Công an thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, gồm: Đại úy Nguyễn Văn Nhân, Thượng úy Bùi Đình Việt và Thượng úy Bùi Tiến Tùng.
Cùng ngày 27/6/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Trộm cắp tài sản" xảy ra ngày 26/6/2023, tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức; Quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Nhân, Bùi Đình Việt và Bùi Tiến Tùng, để tiến hành điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo xem xét, xử lý trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy có liên quan trong việc quản lý để cán bộ sai phạm, vi phạm pháp luật; đồng thời, yêu cầu Công an huyện Mỹ Đức gặp trực tiếp xin lỗi và bồi thường đối với gia đình người bị hại.
Tội "Trộm cắp tài sản"
Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định về tội "Trộm cắp tài sản" như sau:
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.”.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.