Hà Nội: Số ca sốt xuất huyết tăng 5 lần so với cùng kỳ năm trước
Sốt xuất huyết là một dịch bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong. Trong nửa đầu năm 2023, Hà Nội đã có gần 400 người mắc bệnh này, cao hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Sốt xuất huyết tại Hà Nội: Không còn quy luật 4 - 5 năm một đợt đỉnh dịch
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhất là: Hà Đông, Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Tây Hồ, Thanh Trì và Cầu Giấy. Sở Y tế Hà Nội cho biết, dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay và việc phòng chống sẽ gặp nhiều thách thức.
Theo Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai, dịch sốt xuất huyết bắt đầu sớm hơn mọi năm. Từ tháng 5 - 6, Trung tâm đã nhận được một số bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết.
Sở Y tế Hà Nội phân tích rằng, thời tiết hiện nay có nhiều nắng và mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi và phát triển. Ngoài ra, do xả rác thải sai quy định, để phế liệu đọng nước hoặc tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, nước tưới cây trong các bể xây, thùng phi, xô, chậu… hay trồng cây cảnh, hòn non bộ… người dân đã vô tình tạo ra môi trường lý tưởng cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bọ gậy.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, sốt xuất huyết là một bệnh dịch thường xuyên xảy ra ở nước ta, đặc biệt trong những năm gần đây do thời tiết thay đổi bất thường. Đồng thời, ông cảnh báo: "Không còn quy luật 4 - 5 năm một đợt đỉnh dịch như trước, mà dịch căng thẳng hằng năm. Năm 2023, hiện tượng EI Nino khiến thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều sẽ làm sốt xuất huyết gia tăng".
Sốt xuất huyết - những điểm cần lưu ý và biện pháp ứng phó
Để phòng chống sốt xuất huyết, người dân cần chú ý vệ sinh môi trường, nhà ở, loại bỏ các nguồn nước đọng để muỗi không có điều kiện đẻ trứng và phát triển. Ngoài ra, cần kết hợp các biện pháp diệt loăng quăng bọ gậy và phun muỗi tại những nơi có ca bệnh để ngăn chặn sự lây lan của dịch.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, công tác phòng chống sốt xuất huyết không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà còn cần sự hiểu biết và tham gia tích cực của người dân. Chỉ khi người dân nắm rõ cơ chế lây truyền bệnh và tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan y tế về các biện pháp phòng chống mới có thể kiểm soát được dịch bệnh.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyên, khi có triệu chứng sốt cao, người dân nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm máu và NS1Ag để sớm phát hiện sốt xuất huyết. Nếu xác định là sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ được theo dõi và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà nếu không có biến chứng hoặc chỉ định nhập viện, giảm thiểu áp lực cho bệnh viện.
Sốt xuất huyết là một bệnh cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể tự điều trị tại nhà nếu không có biến chứng. Tuy nhiên, bệnh nhân phải được các nhân viên y tế chẩn đoán và theo dõi sát sao. Trong hai ngày đầu tiên, bệnh nhân chỉ có sốt cao và có thể dùng thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol. Tuy nhiên, không được dùng aspirin và ibuprofen vì chúng sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu.
Đặc biệt, giai đoạn từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm nhất, khi bệnh có thể tiến triển nặng và gây ra các biến chứng như chảy máu cam, chảy máu chân răng, phân đen hoặc tụt huyết áp. Nếu xuất hiện các triệu chứng này hoặc cảm thấy chân tay lạnh, đau bụng, buồn nôn, bệnh nhân cần phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Sốt xuất huyết là một bệnh rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ và không tự ý dùng thuốc khi sốt cao liên tục từ 2 đến 7 ngày. Bệnh nhân cũng cần uống nhiều nước để hạn chế các biến chứng do mất nước.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ha-noi-so-ca-sot-xuat-huyet-tang-5-lan-so-voi-cung-ky-nam-truoc-17923070406375771.htm