Hà Nội lên kế hoạch chuyển đổi 100% sang xe buýt điện
Hà Nội đang lên kế hoạch để thực hiện lộ trình chuyển đổi từ xe buýt dùng động cơ đốt trong sang 100% xe buýt điện theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đang giao cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải, trong đó lên kế hoạch chuyển đổi 100% xe buýt chạy động cơ đốt trong sang xe buýt điện theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải, trong lĩnh vực giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đánh giá bước đầu hoạt động của 9 tuyến buýt điện đầu tiên triển khai tại Hà Nội sau 9 tháng vận hành cho thấy ưu điểm vượt trội, thu hút ngày càng đông hành khách bởi chất lượng dịch vụ.
Không chỉ cung cấp dịch vụ vận chuyển hiện đại hơn so với buýt chạy xăng dầu, xe buýt điện còn giúp giảm phát thải khí nhà kính bền vững và bảo vệ môi trường tốt hơn. Việc xe buýt điện không khoán về thời gian chuyến đi cũng giúp lái xe chủ động thời gian chuyến đi.
Là đơn vị được giao tham mưu, xây dựng kế hoạch sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh trên địa bàn, Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết, hiện nay, đơn vị này đang vận hành 83 tuyến buýt đấu thầu và 1 tuyến buýt nhanh BRT đặt hàng với tổng số phương tiện gần 1.100 xe.
Từ năm 2016 đến nay, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã tập trung đầu tư gần 600 xe buýt mới tiêu chuẩn khí thải euro 3 và 4 để thay thế các phương tiện cũ. Số phương tiện dưới 5 tuổi hiện là khoảng 800 xe, chiếm trên 73% tổng số phương tiện. Dự kiến tổng số phương tiện đủ điều kiện đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện từ năm 2025 là 225 xe, chiếm 21,3% số phương tiện hiện có.
Với 55 tuyến xe buýt (gần 650 xe) còn lại, theo tổng Công ty Vận tải Hà Nội, ngành giao thông vận tải cần xem xét kỹ công suất xe buýt điện dựa trên tuyến buýt vận hành, tại một số tuyến xe buýt thường chạy từ 260-400 km/ngày, trong khi đó xe buýt điện hiện nay chỉ có công suất từ 250 - 300 km cho mỗi lần sạc.
Riêng 3 tuyến sử dụng xe buýt nhỏ (23, 84, 99), tổng Công ty Vận tải Hà Nội đề xuất chưa đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện do hiện tại chưa có loại xe buýt điện tương ứng
Về tuyến xe buýt nhanh BRT, chưa đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện.
Căn cứ kế hoạch lộ trình chuyển sang sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đề xuất thành phố Hà Nội chỉ đạo xây dựng lộ trình triển khai xe buýt điện để các doanh nghiệp vận hành xây dựng phương án chuẩn bị; nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu kỹ thuật vận hành phù hợp với đặc điểm kỹ thuật của xe buýt điện và điều chỉnh định mức năng suất ngày xe đối với xe buýt điện không quá 250 km/xe/ngày.
Theo dự tính của Tổng công ty Vận tải Hà Nội, để chuyển toàn bộ xe buýt chạy động cơ đốt trong của đơn vị này sang sử dụng xe buýt điện thì cần khoảng 21.000 tỉ đồng.
Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và mê-tan của ngành giao thông vận tải nêu rõ lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với từng loại hình giao thông. Trong đó bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và giao thông đô thị.
Với đường bộ, trong giai đoạn 2022 – 2030, thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện. Mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông đường bộ.
Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đối với giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45% - 50%; Thành phố Hồ Chí Minh đạt 25%; Đà Nẵng đạt 25% - 35%; Cần Thơ đạt 20%; Hải Phòng đạt 10% - 15%; đô thị loại I đại ít nhất 5%.
Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đến năm 2050, 100% xe buýt , xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ha-noi-len-ke-hoach-chuyen-doi-100-sang-xe-buyt-dien-179220918133457738.htm