Hà Nội: Kịp thời cứu bé trai có ý định tự tử từ tầng cao chung cư
Khoảng 16h15' ngày 04/5/2023, Công an quận Hoàng Mai nhận được tin báo về một trường hợp có ý định tự tử từ tầng cao của Chung cư Sky Center, địa chỉ số 176 phố Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Cậu bé có ý định tự tử được lực lượng công an bàn giao an toàn cho gia đình
Theo thông tin từ Cổng TTĐT Công an Thành phố Hà Nội, ngay sau khi nhận tin báo, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an quận Hoàng Mai đã điều động xe cứu nạn, cứu hộ, xe thang đến hiện trường phối hợp với Công an phường Định Công tiếp cận hiện trường vụ việc.
Hiện trường là ban công một căn hộ tại tầng 8, chung cư Sky Center. Người có ý định tự tử là bé trai tên là Đ.Q.T, 14 tuổi, quê quán Đông Anh, Hà Nội. Theo thông tin từ gia đình cung cấp, cháu Đ.Q.T vừa được điều trị rối loạn hành vi tại Bệnh viện Bạch Mai trước đó 01 tháng, thời điểm xảy ra sự việc, cháu đang ở nhà một mình.
Lúc lực lượng cứu nạn, cứu hộ có mặt tại hiện trường, cháu T đang có ý định phá lưới an toàn ở ban công để nhảy xuống. Ngay lập tức, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm bảo vệ an toàn và cứu nạn, cứu hộ cháu T. Một mũi phối hợp cùng Công an phường Định Công tiếp cận cháu T từ bên trong căn hộ. Một mũi khác triển khai xe thang chữa cháy vươn lên, ngăn chặn việc cháu T có thể lao xuống từ ban công.
Sau khoảng 15 phút, vừa áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, vừa thuyết phục cháu bé, các lực lượng thuộc Công an quận Hoàng Mai đã tiếp cận và khống chế được hành động của cháu T, sau đó tiến hành bàn giao cháu T an toàn về cho gia đình.
Qua vụ việc này, một lần nữa là một bài học để các bậc phụ huynh cần quan tâm và có trách nhiệm hơn với con em mình. Đặc biệt đối với những gia đình ở chung cư, nhà cao tầng, việc lắp lưới thép an toàn là việc hết sức cần thiết nhằm đảm bảo an toàn, chống rơi, ngã và cũng thuận tiện cắt phá để cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp khẩn cấp xảy ra.
Về giải pháp hạn chế tự tử ở thanh thiếu niên, một số ý kiến của chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn tự tử khẩn cấp, những người thân có thể giúp đỡ người có ý định tự tử bằng cách ở cạnh người muốn tự tử, tránh để họ ở một mình; cố gắng thuyết phục hoặc đưa họ đến gặp bác sĩ tâm thần hoặc tới bệnh viện gần nhất; loại bỏ các loại dao, kéo, dây thừng, thuốc,... Người có hành vi, ý định tự sát phải được sơ cứu tâm lý và can thiệp khẩn cấp. Đặc biệt những người có nguy cơ cao phải được nhập viện ngay để điều trị y tế, can thiệp dược lý, gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Về lâu dài, các thanh thiếu niên có vấn đề về tâm lý và hành vi tự gây tổn thương cần được giúp đỡ bằng loạt biện pháp phối hợp như huấn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc có thể dẫn đến việc thực hiện hành vi tự gây tổn thương; huấn luyện kỹ năng chấp nhận bản thân để cởi mở với những trải nghiệm khó chịu; hướng dẫn kỹ năng ứng phó giải quyết vấn đề cuộc sống một cách hiệu quả; cung cấp một môi trường an toàn và nuôi dưỡng khả năng phục hồi (ở nhà, trường); loại bỏ định kiến của cha mẹ, thầy cô, bạn bè về người có hành vi tự gây tổn thương.
Chuyên gia cũng cho rằng sự quan tâm của gia đình và xã hội chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp bảo vệ trẻ khỏi tự sát. Theo đó, có 3 bước để phòng ngừa hành vi tự tử. Bước 1 là, phát hiện ý tưởng và mưu toan tự sát. Bước 2 là, ngăn chặn các hành vi tự sát. Bước 3 là, ngăn ngừa tự sát tái diễn.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ha-noi-kip-thoi-cuu-be-trai-co-y-dinh-tu-tu-tu-tang-cao-chung-cu-17923050423130931.htm