Hà Nội hướng đến mô hình Thành phố thông minh, bền vững như thế nào?
Mô hình Thành phố thông minh, bền vững mà Hà Nội hướng tới sẽ mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân; xây dựng chính quyền phục vụ vì sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp; với nền kinh tế năng động...
Sáng 29/11, Hội nghị "Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023" với chủ đề "Khai thác dữ liệu - Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững" chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Hội nghị do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức.
Hà Nội hướng đến mô hình Thành phố thông minh, bền vững
Theo Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội, phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại", Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mô hình Thành phố thông minh, bền vững mà Hà Nội hướng tới sẽ mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân; xây dựng chính quyền phục vụ vì sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp; với nền kinh tế năng động, trong đó kinh tế số chiếm tỷ trọng ngày càng lớn; lực lượng lao động có khát vọng vươn lên, không ngừng sáng tạo và cống hiến, góp phần tạo nên xã hội thịnh vượng và toàn bộ người dân được sống, học tập, lao động trong môi trường an toàn, hạnh phúc.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, một thành phố phát triển bền vững là thành phố phát triển với mọi tiện ích thông minh, được thể hiện thông qua những lựa chọn "thông minh", giải pháp "thông minh", công nghệ "thông minh". Tuy nhiên, thực trạng xây dựng và phát triển đô thị thông minh của Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước đang diễn ra như thế nào? Những chính sách nào cần được khuyến nghị cho quá trình xây dựng thành phố thông minh bền vững của không chỉ Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố khác để cùng nghiên cứu, tham khảo? Công nghệ số, chuyển đổi số, và đặc biệt là dữ liệu số sẽ đóng góp như thế nào vào quá trình phát triển. Mô hình Thành phố thông minh nào trên thế giới mà Hà Nội có thể tham khảo?...
Hà Nội là điểm sáng nhất trong hệ sinh thái công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo
Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam Trương Gia Bình cho biết, Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang tỏa sáng trên trường quốc tế về mọi mặt, trong đó Hà Nội là điểm sáng nhất trong hệ sinh thái công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, với vai trò đầu tàu, dẫn dắt của cả nước về lĩnh vực này, Hà Nội cần có được cơ chế đặc thù, vượt trội, thu hút tài năng của Việt Nam và thế giới, cùng với đó là đi đầu trong công tác đào tạo công nghệ thông tin cả về phần cứng và phần mềm.
Theo ông Trương Gia Bình, Hà Nội không chỉ xây dựng thành phố thông minh, mà còn sáng tạo ra cả phần cứng, phần mềm, dẫn dắt và đi đầu trong chuyển đổi xanh, qua đó tạo ra nhiều cơ hội phát triển công nghệ thông tin trong cả nước.
Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam Trương Gia Bình tin tưởng với chủ đề chuyển đổi số là có dữ liệu đúng, đủ, sạch sẽ phục vụ hiệu quả nhất cho chính quyền thành phố, doanh nghiệp và người dân, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Phát triển Thành phố thông minh gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, phát triển thành phố thông minh gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, lấy người dân làm trung tâm, người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể tham gia các hoạt động.
Trong phạm vi Hội nghị, các đại biểu sẽ được lắng nghe những chia sẻ của các chuyên gia quốc tế, các doanh nghiệp công nghệ về các giải pháp, đề xuất để xây dựng thành phố thông minh bền vững. Đặc biệt, sẽ có chia sẻ của một số địa phương triển khai bước đầu thành công mô hình này.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng không có đô thị nào là giống nhau, vì vậy không có hình mẫu nào có thể áp dụng cho toàn bộ đô thị. Mỗi địa phương, mỗi đô thị sẽ có quy hoạch, đặc thù khác nhau, cách giải quyết khác nhau.
Về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có các báo cáo đánh giá sơ kết, tổng kết về hoạt động triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam. Trong quý I/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Xây dựng để cập nhật và ban hành mới bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững Việt Nam, với mục tiêu xây dựng một hướng dẫn chung về việc xây dựng, phát triển và đánh giá mức độ trưởng thành của đô thị thông minh, tạo sự thống nhất về nhận thức chung trên cả nước về phát triển đô thị thông minh.
Trên tinh thần đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng tin tưởng rằng, với sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân, Việt Nam sẽ sớm có những thành phố thông minh, hiện đại, bền vững, mang lại cuộc sống tốt đẹp, kiến tạo những giá trị mới, mang lại hạnh phúc cho người dân.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ha-noi-huong-den-mo-hinh-thanh-pho-thong-minh-ben-vung-nhu-the-nao-179231129131233163.htm