Hà Nội: 4 trường hợp tử vong, gần 26.000 ca sốt xuất huyết
Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội hiện tăng so với cùng kỳ năm 2022, một số ổ dịch có diễn biến kéo dài ghi nhận thêm bệnh nhân. Tình hình dịch có thể gia tăng trong các tuần tới.
Hà Nội có gần 26.000 ca sốt xuất huyết
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 25.893 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 là 9.033 ca). Bệnh nhân phân bố tại 30 quận/huyện/thị xã, 577/579 xã/phường/thị trấn. Tổng số ổ dịch là 1.520, hiện còn 233 ổ dịch đang hoạt động tại 29 quận/huyện/thị xã.
Cụ thể, trong tuần qua thành phố Hà Nội ghi nhận 2.579 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận/huyện/thị xã, giảm 187 trường hợp so với tuần trước đó (2.766 ca).
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong tuần là Thanh Oai 247 ca, tiếp đến là Hà Đông 222 ca, Đống Đa (170), Thanh Trì (168), Hoàng Mai (146), Thanh Xuân (144), Chương Mỹ (142).
Ngoài ra, trong tuần ghi nhận 100 ổ dịch tại 21 quận/huyện/thị xã, giảm 3 ổ dịch so với tuần trước (113 ổ dịch). Địa bàn có số ổ dịch nhiều như Nam Từ Liêm (15), Đống Đa (15), Thanh Oai (11), Hà Đông (8), Chương Mỹ (7), Hoàn Kiếm (7), Thanh Trì (6).
Ngành y tế Hà Nội nhận định số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua mặc dù giảm so với tuần trước nhưng vẫn ở mức cao, một số ổ dịch có diễn biến kéo dài ghi nhận thêm bệnh nhân. Kết quả kiểm tra, giám sát tại một số ổ dịch cho thấy chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, tình hình dịch có thể gia tăng trong các tuần tới.
Tiếp tục tăng cường phòng chống sốt xuất huyết
Giám đốc CDC Hà Nội Bùi Văn Hào cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, thành phố đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các địa phương.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát tại các quận, huyện thì vẫn còn bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan, chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, vệ sinh môi trường; các quận, huyện chưa phát huy được hiệu quả tối đa đội xung kích và tổ giám sát tại cộng đồng, việc phát hiện ổ dịch còn chậm, muộn dẫn đến số ca mắc gia tăng.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần lưu ý xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch cụ thể, chi tiết hơn đối với từng nội dung hoạt động làm sao triển khai một cách hiệu quả.
Không để bị muỗi đốt giúp phòng tránh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm nặng, đôi khi có thể dẫn tới biến chứng và gây tử vong được gọi là sốt xuất huyết Dengue nặng. Tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết Dengue tăng trên 30 lần trong vòng 50 năm qua.
Theo ước tính, có tới 50-100 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue hàng năm ở trên 100 nước có bệnh dịch lưu hành, tức là gần một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh.
Cách tốt nhất để không bị sốt xuất huyết Dengue là bảo vệ bản thân không bị muỗi đốt. Có thể phòng tránh muỗi đốt bằng cách mặc quần áo che kín tay chân và bôi thuốc chống muỗi (chứa DEET, IR3535 hoặc Icaridin). Đây là biện pháp đơn giản và phù hợp nhất.
Lắp tấm lưới chắn muỗi ở cửa sổ, cửa ra vào và bật điều hòa cũng làm giảm nguy cơ muỗi xâm nhập vào trong nhà. Ngủ trong màn (mùng) (và hoặc màn/mùng tẩm hóa chất) kể cả ban ngày cũng là hàng rào bảo vệ bổ sung và cũng là biện pháp bảo vệ trước loài muỗi khác thường hoạt động vào ban đêm (muỗi gây sốt rét). Dùng các biện pháp bảo vệ khác trong nhà để xua và diệt muỗi như phun thuốc diệt muỗi, đốt nhang/hương trừ muỗi hoặc các loại thuốc/tinh dầu.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ha-noi-4-truong-hop-tu-vong-gan-26000-ca-sot-xuat-huyet-179231031102547217.htm