Hà Giang: Hơn 60% thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển đại học
Năm 2022, Hà Giang thuộc 10 địa phương có điểm trung bình thi tốt nghiệp thấp nhất cả nước. Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đề ra những giải pháp gì để nâng thứ hạng và điểm thi tốt nghiệp?
Phóng viên Tạp chí Công dân và Khuyến học vừa có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang về vấn đề này.
Tăng cường ôn tập, tổ chức các đợt thi thử tốt nghiệp
Phóng viên: Công tác chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang thực hiện như thế nào, thưa ông?
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang: Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 diễn ra sớm hơn 9 ngày so với năm 2022.
Ngay khi có các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông cấp tỉnh, và ban hành Kế hoạch chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan, ủy ban nhân dân các huyện/thành phố trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.
Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục có học sinh lớp 12 tổ chức tuyên truyền tới học sinh, cha mẹ học sinh về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023; tổ chức tập huấn cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên nghiệp vụ thi và quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023; tổ chức, hướng dẫn học sinh đăng ký dự thi trực tuyến trên phần mềm quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang cũng đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thi (toàn tỉnh có 1 Hội đồng thi với 32 điểm thi), thành lập các Ban của Hội đồng thi để thực hiện các nhiệm vụ thi theo quy chế thi và hướng dẫn thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phóng viên: Thưa ông, để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, công tác tổ chức ôn thi cho học sinh được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang chỉ đạo các trường triển khai như thế nào?
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang: Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục một số nội dung trọng tâm như sau:
Thứ nhất, ngoài giờ dạy chính khóa, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, ôn luyện, củng cố kiến thức cho học sinh trong suốt cả năm học.
Thứ hai, ngay khi bước vào học kỳ II, các cơ sở giáo dục tổ chức phân loại thí sinh theo học lực, theo môn học để tổ chức các lớp bồi dưỡng, ôn thi tốt nghiệp cho các em.
Thứ ba, tăng cường tổ chức các đợt thi thử tốt nghiệp cho học sinh trên cơ sở đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, mỗi cơ sở giáo dục đã tổ chức thi thử cho học sinh từ 2 đến 4 lần.
Hơn 6.200 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp
Phóng viên: Năm 2023, Hà Giang có bao nhiêu thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thưa ông?
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang: Tổng số thi sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 là 6.275 thí sinh. Số thi sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển đại học là 3.783/6.275, chiếm tỉ lệ 60,28%.
Phóng viên: Thưa ông, năm 2022, Hà Giang thuộc 10 địa phương có điểm trung bình thi tốt nghiệp thấp nhất cả nước. Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo có đề ra mục tiêu và thực hiện các giải pháp để nâng thứ hạng và điểm thi tốt nghiệp?
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang: Hà Giang hiện nay vẫn là tỉnh khó khăn nhất trong cả nước, trình độ dân trí thấp, đồng bào là người dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ cao, đặc biệt là ý thức học tập của học sinh còn hạn chế, dẫn đến chất lượng học tập chưa cao.
Nhằm nâng cao chất lượng học tập nói chung và điểm thi tốt nghiệp năm 2023, ngay khi bước vào năm học mới 2022-2023, ngành giáo dục đã triển khai các tổ chức các hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học, bàn giải pháp đổi mới phương pháp quản lý và phương pháp dạy học trong các cơ sở giáo dục; giao chỉ tiêu chất lượng dạy học cho các cơ sở giáo dục; tổ chức cho các cơ sở giáo dục ký cam kết với Sở Giáo dục và Đào tạo về đảm bảo chỉ tiêu chất lượng giáo dục; phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và gia đình học sinh trong việc quản lý, giáo dục và duy trì sĩ số học sinh đến lớp.
Phóng viên: Về kế hoạch dài hạn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang có kiến nghị, đề xuất gì để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, thưa ông?
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang: Thực hiện Nghị quyết của của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho tỉnh kiện toàn, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục trong đó có thành lập 8 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông trên cơ sở nâng cấp các trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở tại 8 huyện, nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư cho các trường phổ thông dân tộc nội trú. Đây cũng là nơi để học sinh được chăm sóc, giáo dục tốt hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, hiện nay, nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất và chi cho các hoạt động giáo dục từ nguồn ngân sách tỉnh còn hạn chế; tình trạng thiếu giáo viên ở tất cả các cấp học xảy ra ở hầu hết các cơ sở giáo dục và giáo viên có độ tuổi cao chiếm tỉ lệ lớn gây khó khăn cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
Do đó, về kế hoạch dài hạn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang tiếp tục kiến nghị, đề xuất các cấp có thẩm quyền tiếp tục cân đối, bổ sung ngân sách cho phát triển giáo dục và bổ sung chỉ tiêu giáo viên, đảm bảo đủ cơ cấu giáo viên ở các bộ môn cho các cơ sở giáo dục.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!