GS.TS Nguyễn Thị Doan: Thực hiện tốt các mô hình học tập, phong trào xây dựng xã hội học tập sẽ thành công
Nhân Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan – nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã chia sẻ với Tạp chí Công dân và Khuyến học về kết quả của sự nghiệp khuyến học và định hướng phát triển trong giai đoạn mới.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Xin chúc mừng Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan và toàn thể cán bộ, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam nhân Ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam. Trong dịp ý nghĩa này, Giáo sư có thể nhắc nhớ lại lịch sử ra đời của Hội Khuyến học Việt Nam và Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10?
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan: Tháng 6/1996, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Hội Khuyến học Việt Nam. Hội ra đời trong bối cảnh sự nghiệp giáo dục của đất nước đang gặp nhiều khó khăn do quá trình đổi mới.
Theo sáng kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng bấy giờ, cần có một tổ chức hội để góp phần chấn hưng giáo dục nước nhà, làm thế nào để tạo thêm điều kiện để tất cả mọi người có cơ hội được học.
Hội Khuyến học Việt Nam không có mục đích tự thân, không chỉ vì quyền lợi của hội mình mà phục vụ lợi ích, tạo cơ hội, tạo bình đẳng trong học tập cho tất cả đối tượng trong xã hội, từ người khuyết tật, người nghèo đến người giàu, từ người già đến người trẻ… có cơ hội bình đẳng trong giáo dục.
Ngày 2/10/1996, Hội Khuyến học Việt Nam ra mắt quốc dân đồng bào. Điều này tạo nên một không khí phấn khởi trên cả nước, không chỉ cho những người đam mê sự nghiệp giáo dục, đào tạo mà còn mang lại niềm hân hoan cho tất cả các đối tượng, đặc biệt là người nghèo. Một chủ trương hợp lòng dân như vậy, được người dân hết sức ủng hộ và tham gia nhiệt tình.
Bên cạnh đó, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Bộ Chính trị đối với Hội Khuyến học Việt Nam đã tạo cú hích lớn, tạo điều kiện cho Hội hoạt động và phát triển. Năm 2007, Bộ Chính trị có Chỉ thị 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với khuyến học – khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Từ đó, Hội Khuyến học Việt Nam đã đi vào quần chúng nhân dân và mọi miền Tổ quốc.
Vì phong trào lan rộng như thế, nên ngày 2/10/2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1272/QĐ-TTg lấy ngày 2/10 là Ngày Khuyến học Việt Nam.
Sự ra đời của ngày 2/10 mang ý nghĩa kép, vừa đánh dấu sự ra đời của Hội Khuyến học Việt Nam, vừa là ngày khởi đầu cho phong trào học tập suốt đời, gắn với Tuần lễ học tập suốt đời.
Thật khó để miêu tả hết được niềm vui của những người làm khuyến học đối với ngày ý nghĩa 2/10.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: 27 năm xây dựng và phát triển, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được những kết quả gì, thưa Giáo sư?
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan: 27 năm qua, những kết quả Hội Khuyến học Việt Nam đạt được là rất quan trọng, mang dấu ấn lịch sử đối với Hội Khuyến học Việt Nam các cấp, góp phần phát triển ngành giáo dục – đào tạo nước nhà. Trong đó đạt được 2 nhóm vấn đề chính.
Thứ nhất, Hội Khuyến học Việt Nam đã đề xuất được với Chính phủ cấu trúc xã hội học tập của Việt Nam bằng một đề tài khoa học cấp Nhà nước mang tên "Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam" mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội thực hiện từ 1/8/2007.
Từ kết quả nghiên cứu này, Thủ tướng Chính phủ đã có những quyết định tiếp theo, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chủ trương của về cơ cấu xã hội học tập.
Về lý luận, Hội Khuyến học Việt Nam đã tham mưu thành công cho Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với khuyến học – khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Từ Chỉ thị 11-CT/TW này, Hội Khuyến học Việt Nam đã đưa được vào nhiều nội dung mà Đảng cần hướng tới và được chấp nhận.
Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư ra đời về tiếp tục sự tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học – khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo sự chuyển biến về chất đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Trước đây trong Chỉ thị 11, chưa đề cập đến vai trò của tổ chức Đảng và Đảng viên như Kết luận 49-KL/TW. Trong kết luận có nêu rằng việc giữ vững và phát huy phong trào khuyến học – khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, trước tiên trách nhiệm thuộc tổ chức Đảng và đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Đây là sợi chỉ đỏ, là con đường rất rõ để khuyến học đi, có sự lãnh đạo của Đảng để cụ thể hơn, ráo riết hơn.
Điểm thứ 2 trong công tác tham mưu, ở Kết luận 49-KL/TW có nêu, mỗi gia đình của cán bộ, đảng viên là Gia đình học tập và mỗi đảng viên là một Công dân học tập, cuối năm phải kiểm điểm, đánh giá.
Điểm thứ 3, Kết luận 49-KL/TW cũng ghi rõ, tất cả các trường chính trị, hệ thống đào tạo cán bộ Đảng, trường chính trị của các địa phương phải có một chuyên đề về xã hội học tập để giảng cho các học viên.
3 điểm này là những điểm mấu chốt để vai trò của các tổ chức Đảng và đảng viên, các trường, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phải nhận thức rõ vai trò của mình và nêu cao tinh thần thúc đẩy khuyến học – khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt kết quả tốt.
Thứ hai, Hội Khuyến học Việt Nam đã đổi mới căn bản nhận thức, tư duy và phương pháp điều hành, triển khai công tác khuyến học – khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Điều này được thể hiện đầu tiên ở quan điểm phải nâng cao nhận thức cho tất cả các tổ chức Đảng và Đảng viên cùng toàn bộ nhân dân hiểu rằng học là con đường duy nhất để thành công ở bất kỳ vị trí nào. Chúng tôi luôn quan trọng công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho xã hội hiểu về khuyến học – khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Đổi mới tiếp theo là về vấn đề học tập của người lớn. Nền giáo dục của nước nhà gồm hai phần rất quan trọng là học tập chính quy và học tập thường xuyên.
Chúng tôi đã bắt đầu kích đẩy việc học của người lớn bằng cách tuyên truyền và có những suất học bổng cho người lớn học tập, phối hợp cùng các cơ quan để thúc đẩy sự học của người lớn. Sự học đó phải được vận dụng thành công vào công tác và cuộc sống.
Để triển khai thành công các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về khuyến học - khuyến tài, chúng tôi đã thay đổi cơ bản về phương pháp, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong thực hiện, đặc biệt, phải để người dân thấy mình có lợi trong những chủ trương, chính sách đó.
Bên cạnh đó, Hội Khuyến học Việt Nam đã thúc đẩy các trường đại học xây dựng tài nguyên giáo dục mở. Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Hội đã tổ chức những hội thảo về tài nguyên giáo dục mở.
Thành công đạt được là sau khi hội thảo diễn ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi tất cả các trường đại học, yêu cầu phải xây dựng một hệ thống tài liệu, đó là tài nguyên giáo dục mở .
Học tập trực tuyến mà không có kho dữ liệu này cần gì học đấy thì không thể thực hiện được. Hội khuyến học Việt Nam là một trong những tổ chức đi tiên phong trong việc thúc đẩy các trường đại học xây dựng tài nguyên giáo dục mở.
Từ những đổi mới về tư duy lý luận và thực tiễn như vậy, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được những kết quả sau:
Kết quả thứ nhất, tổ chức hội và hội viên phát triển.
Hiện nay có 26,2 triệu hội viên hội khuyến học Việt Nam. Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam đã phủ kín 100% xã/phường/thị trấn, các thôn ấp cũng có chi hội khuyến học và ban khuyến học, tổ chức khuyến học này đã có mặt trong các cơ quan Đảng và vào được các trường đại học.
2/3 trường đại học đã có ban khuyến học, có những trường, ban khuyến học hoạt động rất thành công.
Kết quả thứ hai, thực hiện thành công các quyết định của Thủ tướng Chính phủ qua các giai đoạn.
Về việc thực hiện 5 mô hình học tập: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập và Công dân học tập. Đến nay, 100% các tỉnh trên cả nước thực hiện rất tốt phong trào này.
Tổng kết nhiệm kỳ, bao giờ số gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập đạt được cũng vượt chỉ tiêu đề ra.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan khẳng định ý nghĩa thực hiện các mô hình học tập.
Kết quả thứ ba, về xây dựng Quỹ Khuyến học Việt Nam
Quỹ Khuyến học ở Trung ương luôn luôn được bồi đắp. Thông qua các suất học bổng trao cho các địa phương, Quỹ góp phần đáng kể vào sự học của nhân dân. Đặc biệt, Hội Khuyến học Việt Nam đã có sáng kiến về học bổng Học không bao giờ cùng, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được trao tặng cả người lớn và trẻ em. Qua đó thúc đẩy được sự học trong toàn quốc.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt cũng là một thành công của Hội Khuyến học Việt Nam với 23 năm thành lập và 18 năm trao giải.
Đây là một thương hiệu của Hội khuyến học Việt Nam. Hội đã liên kết, phối hợp với các Bộ, ban, ngành để triển khai giải thưởng này với các lĩnh vực: Công nghệ số; Khoa học công nghệ; Y tế; Môi trường; Giáo dục và Đào tạo; Khuyến học – Tự học thành tài. Đã có nhiều đề tài đoạt giải thưởng, được áp dụng thành công vào thực tiễn cuộc sống.
Kết quả thứ tư, tổ chức thành công nghiên cứu khoa học. Hội Khuyến học Việt Nam đã thực hiện thành công đề tài khoa học cấp Quốc gia mang tên "Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam" - như tôi đã phân tích ở trên.
Ngoài ra, cứ đến ngày 19/5 hàng năm, hệ thống hội khuyến học sẽ sinh hoạt khoa học về một chủ đề học tập tư tưởng của Bác Hồ, như: một dân tộc tốt là một dân tộc yếu, dân vận khéo, học không bao giờ cùng, tinh thần tự học của Bác...
Kết quả thứ năm, thúc đẩy vai trò của cả hệ thống chính trị trong xã hội học tập ở Việt Nam.
Hiện nay, chúng tôi đã ký kết chương trình phối hợp với 14 cơ quan, tổ chức. Công tác khuyến học đã đi vào lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030". Hội Khuyến học Việt Nam đã có kế hoạch như thế nào để hưởng ứng phong trào đặc biệt này, thưa Giáo sư?
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan: Cách đây 74 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra gay go, ác liệt. Vì bị thực dân Pháp thực hiện chính sách "ngu dân" nên dân ta hầu hết mù chữ. Khi đó, Bác Hồ đã ra đời kêu gọi thi đua ái quốc, trong đó có kêu gọi "diệt giặc dốt".
Chỉ trong thời gian rất ngắn, 2 triệu người Việt Nam biết chữ và nhờ đó, tiếp thu khoa học công nghệ của thế giới, cuộc kháng chiến cứu quốc của chúng ta đã thành công.
Qua 74 năm, vẫn chưa có một phong trào nào để thúc đẩy toàn dân học tập. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Hội Khuyến học Việt Nam đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030".
Nếu ngày xưa, Bác Hồ phát động thi đua "diệt giặc dốt" thì bây giờ, cuộc phát động thi đua của Thủ tướng mang ý nghĩa kép. Một là xóa mù chữ, bởi vấn đề tái mù chữ vẫn còn nhiều và thực hiện nâng cấp xóa mù chữ lên cấp độ 2, cấp độ 3. Thứ hai là xóa mù nghề, xóa mù chức năng, tức người dân học tất cả những gì mà mình chưa biết thiếu gì, học nấy.
Nếu thực hiện tốt 5 mô hình học tập hiện nay (Công dân học tập, Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Đơn vị học tập, Cộng đồng học tập) thì chúng ta đã thúc đẩy sự học, người người đi học, nhà nhà đi học, ai cũng biết đọc, biết viết, ai cũng biết chữ và có thể xóa mù chức năng.
Để thực hiện phong trào thi đua do Thủ tướng phát động, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện tốt 5 mô hình này, có tiêu chí cụ thể, có kế hoạch rõ ràng. Nếu thực hiện tốt năm mô hình học tập thì phong trào của Thủ tướng phát động sẽ thành công.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Hội Khuyến học Việt Nam là nòng cốt liên kết, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành thực hiện khuyến học – khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong quá trình thực hiện vai trò của mình, Hội Khuyến học Việt Nam gặp phải những khó khăn gì, thưa Giáo sư?
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan: Trước hết, nhận thức của cả xã hội, kể cả người đứng đầu của một số tổ chức còn hạn chế về công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, về việc bồi đắp tri thức để phát triển thành công.
Thống kê gần đây cho thấy, mỗi năm, trung bình mỗi người Việt đọc không đến 1 cuốn sách một năm. Văn hóa đọc không được thực hiện. Nhận thức của xã hội về sự học và sự đọc vẫn hạn chế.
Khó khăn thứ hai là điều kiện hoạt động của Hội. Có nhiều tỉnh đầu tư rất tốt cho hội khuyến học. Nhưng nhiều nơi không đầu tư, điều kiện hoạt động của cán bộ hội và của hội rất khó khăn. Nhất là trong quá trình chuyển đổi số như hiện nay, ở nhiều xã, hội viên hội khuyến học không có máy vi tính.
Bên cạnh đó, trung tâm học tập cộng đồng không được quan tâm, đầu tư và thực hiện đúng chức năng. Vai trò của các trường đại học đối với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW chưa suôn sẻ. Vẫn còn tình trạng giấu nghề, giấu kiến thức, không muốn chia sẻ cho người khác. Như vậy là đi ngược lại với thế giới hiện đại về chia sẻ tri thức.
Để khắc phục những điều trên, cần nêu cao vai trò của tổ chức Đảng và đảng viên trong thực hiện Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư, cuối năm kiểm điểm việc thực hiện Kết luận này như thế nào. Tổ chức Đảng đã giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương thành lập các đoàn đi kiểm tra các tổ chức Đảng về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW.
Giải pháp thứ hai là phải tăng cường đầu tư. Giao nhiệm vụ nhiều nhưng không đầu tư thì không thể thực hiện được.
Đánh giá một sản phẩm khoa học hoặc một sản phẩm đào tạo - một con người, không phải là một ngày hai. Bác Hồ đã nói "Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người".
Do đó phải có chuyển động từ đã từ các tổ chức Đảng và đảng viên, cả hệ thống chính trị vào cuộc đầu tư cho khuyến học - khuyến tài, sau cùng mới có cống hiến, nhiệt tình của cán bộ hội Khuyến học Việt Nam.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Xin trân trọng cảm ơn những nội dung rất ý nghĩa mà Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan đã trả lời phỏng vấn Tạp chí Công dân và Khuyến học!