GS.TS. Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Khuyến học mở con đường tri thức đến tương lai
Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10 đã trở thành ngày có ý nghĩa kép, không chỉ là dịp thúc đẩy, động viên, khích lệ toàn xã hội học tập mà còn là ngày khởi đầu sự học toàn dân.
Tạp chí Công dân & Khuyến học (CD&KH): Xin chúc mừng Giáo sư,Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan và toàn thể cán bộ, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam nhân Ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam. Xin Giáo sư chia sẻ với độc giả Tạp chí Công dân và Khuyến học về ý nghĩa của "Ngày Khuyến học", "Tháng Khuyến học", "Tuần lễ Khuyến học" trong chiến lược xây dựng xã hội học tập theo đường lối của Đảng.
GS.TS. Nguyễn Thị Doan: Cách đây hơn một phần tư thế kỷ, năm 1996, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định thành lập một tổ chức xã hội có nhiệm vụ cùng với Đảng, Nhà nước chấn hưng nền giáo dục nước nhà, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo quốc gia lên tầm cao mới, tương xứng với chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đó chính là Hội Khuyến học Việt Nam.
Ngày 16/9/2008, Chính phủ quyết định lấy ngày 2/10 là Ngày Khuyến học Việt Nam. Đây là dịp kỉ niệm có ý nghĩa kép, không chỉ là ngày ra mắt hội quần chúng làm nhiệm vụ động viên, thúc đẩy toàn xã hội học tập suốt đời, đưa nước ta trở thành xã hội học tập, mà còn là ngày khởi đầu cho sự học toàn dân. Vì thế, chúng ta thường niên phát động Tuần lễ học tập suốt đời bắt đầu từ 1/10 đến 7/10 cũng với ý nghĩa đó.
Ngày 2/10 luôn có ý nghĩa quan trọng với những người làm khuyến học, với toàn dân ta. Hơn một phần tư thế kỷ qua, Hội Khuyến học Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các kế hoạch, quyết định triển khai của Chính phủ đã có được thành tựu đáng trân trọng.
Với ý nghĩa đó, ngày 2/10/1996, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký quyết định thành lập Hội Khuyến học Việt Nam. Cũng từ thời điểm này, phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập của nước ta trở thành hành động của toàn dân. Không lâu sau đó, hướng đi của sự nghiệp khuyến học rõ nét, hoạt động khuyến học trở thành tự giác trong công dân.
CD&KH: Thưa Giáo sư. Giáo sư có thể nêu một số thành tựu của Hội Khuyến học Việt Nam trong chặng đường phát triển từ khi thành lập đến nay. Những thành tựu đó có ý nghĩa thế nào trong thời đại ngày nay, khi mà sự nghiệp khuyến học đứng trước nhiều thách thức mới, yêu cầu cao hơn về nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài?
GS.TS. Nguyễn Thị Doan: Tôi không muốn kể ra các con số, mà muốn tóm tắt nội dung chính những thành tựu cơ bản đã được tổng kết trong 14 năm qua, từ khi có Ngày Khuyến học Việt Nam.
Thứ nhất, chúng ta phải ghi nhận phong trào học tập trong nhân dân đã phát triển vượt bậc. Đặc biệt là việc thực hiện thành công các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập, trong đó có 4 mô hình mà Hội Khuyến học Việt Nam làm nòng cốt được Chính phủ giao trong dự án thành phần là Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập và Đơn vị học tập. Các mô hình này trở thành phong trào có nề nếp, động viên toàn xã hội, định hình rõ nét mô hình học tập của nhân dân ta trên đơn vị hành chính cấp xã. Từ 4 mô hình này, Hội Khuyến học Việt Nam đã có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để tiếp tục xây dựng một mô hình trong giai đoạn mới là Công dân học tập và tiếp tục thực hiện 4 mô hình học tập đã có ở tầm cao hơn.
Thứ hai, Hội Khuyến học các cấp đã có mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương đến địa phương. Sự gắn kết này tạo nên sức mạnh đoàn kết, nhất trí của một lực lượng tổng hợp, liên minh chính trị, quần chúng vững chắc thực hiện tốt các mô hình học tập. Mới đây, Hội Khuyến học Việt Nam đã ký với Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương chương trình phối hợp về nội dung này. Tôi tin rằng, tới đây phong trào khuyến học sẽ đạt được những thành tựu mới. Thực tiễn đã chứng minh, nếu không có sự lãnh đạo của Đảng thì phong trào nào cũng không thể thành công. Vì vậy, chúng tôi nỗ lực quyết tâm, đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phong trào theo đúng tinh thần của Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11/CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Thứ ba, Hội Khuyến học Việt Nam chú trọng phát triển giáo dục cho người lớn; thay đổi nhận thức cơ bản của công dân về học tập ở người lớn. Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kéo các trường đại học vào cuộc. Các trường đại học phải xây dựng tài nguyên giáo dục mở. Các trường phải nhận thức rằng muốn có nhân lực chất lượng cao, không thể bó hẹp bài học trong giảng đường mà phải đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, để người học có thể học mọi nơi, mọi lúc, mọi chỗ.
Thứ tư, mạng lưới khuyến học đã phủ rộng các địa bàn xã, phường, thị trấn. Đây là điểm tựa vững chắc để hội khuyến học các cấp thực hiện nhiệm vụ. Ở thời kỳ mới, Hội Khuyến học Việt Nam triển khai phát triển hệ thống tổ chức của hội khuyến học ở các cơ quan, viện nghiên cứu, trường học và lực lượng vũ trang… Với 22 triệu hội viên khuyến học và mạng lưới tổ chức hội rộng khắp, tôi chắc chắn rằng sẽ có nhiều đổi mới trong công tác khuyến học.
Thứ năm, một nét hoàn toàn mới của công tác khuyến học là bất cứ khi triển khai nhiệm vụ, chỉ thị, xây dựng tiêu chí mới, mô hình mới thì Hội Khuyến học Việt Nam đều tổ chức hội thảo khoa học. Việc này trở thành nề nếp trong hoạt động, và đó là một phương pháp tư duy mới, làm việc khoa học có đủ yếu tố lý luận và thực tiễn.
Thứ sáu, sự phát triển của Quỹ Khuyến học Việt Nam là tiền đề, cơ sở vật chất quan trọng để hội khuyến học các cấp thực hiện nhiệm vụ. Đã có hàng triệu người từ trẻ nhỏ đến người lớn được trao học bổng vì thành tích xuất sắc trong học tập và ứng dụng sáng tạo khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh. Quỹ này được vận động bằng nhiều phương pháp năng động, sáng tạo của các cấp hội khuyến học.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức là minh chứng cho việc khích lệ bằng giải thưởng chất lượng, tôn vinh và đề cao những tấm gương học tập và lao động. Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng chung một sự nghiệp thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của nước nhà, sự học của nhân dân. Nhưng Hội Khuyến học Việt Nam muốn khái quát hơn ở chỗ: Khuyến học chính là xây dựng con đường tri thức của Việt Nam hướng tới tương lai.
Chúng ta đã rõ chiến lược sự nghiệp khuyến học từ nay đến năm 2030, nhưng trong từng bước đi, phải lấy công nghệ số, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, cách mạng 4.0 làm tiền đề phấn đấu, phát triển.
Nhân ngày 2/10, chúng ta cần phải ôn lại và ghi nhận các thành tựu khuyến học những năm qua để lấy đó làm động lực tiếp tục sự nghiệp vẻ vang này, và để hiểu rõ tại sao Chính phủ lại lấy ngày 2/10 là Ngày Khuyến học Việt Nam, ngày toàn dân học tập suốt đời.
CD&KH: Vậy trong thời kỳ mới, công tác khuyến học cần phải đổi mới như thế nào để cập nhật xu hướng phát triển của thời đại, thưa Giáo sư?
GS.TS. Nguyễn Thị Doan: Chúng ta cần đổi mới nhận thức về tầm quan trọng của khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ mới. Việc thay đổi nhận thức phải bắt đầu trước tiên từ người đứng đầu rồi đến toàn dân.
Ngày nay, chúng ta hay nói tới các con đường: đường cao tốc, đường giao thông nông thôn, đường liên tỉnh, liên vùng... Nhưng để có những con đường đó, trước hết phải có con đường tri thức đưa Việt Nam vươn tầm quốc tế. Có tri thức thì mới sinh ra cơ sở vật chất, sinh ra sức mạnh của lao động, sẽ có sân bay, đường sá, cầu cống, vùng kinh tế phát triển...
Nếu phong trào bình dân học vụ trước đây chỉ xóa mù chữ, phổ cập giáo dục phổ thông, thì nay chúng ta phải xóa mù chức năng, xóa mù nghề nghiệp, xóa mù công nghệ thông tin, xóa mù ngoại ngữ, phải trang bị đầy đủ những kĩ năng lao động cần thiết. Vươn ra quốc tế mà ngoại ngữ, công nghệ thông tin không biết thì không được.
Cho nên Hội Khuyến học Việt Nam đang tập trung vào mô hình Công dân học tập với việc bồi đắp 3 năng lực cốt lõi.
Đầu tiên là khả năng tự học. Bác Hồ là tấm gương sáng về tự học thành tài. Hội Khuyến học Việt Nam lấy tấm gương đó soi vào mình và làm kim chỉ nam cho hành động thiết thực trong khuyến học.
Năng lực cốt lõi thứ hai là sử dụng các công cụ trong quá trình làm việc. Những lao động nắm trong tay quyền được lao động, quyền được phục vụ đất nước, mà không thành thạo sử dụng công cụ lao động kiểu mới thì không làm được việc gì thành công.
Thứ ba là Công dân học tập phải có năng lực quan hệ công chúng. Nếu giỏi bằng mấy mà không có khả năng quan hệ giao tiếp, sống hòa đồng trong gia đình, dòng họ, cơ quan xã hội thì ai có thể đồng cảm và cùng mình tiến lên? Vì vậy, mỗi công dân Việt Nam phải có 3 năng lực và 10 tiêu chí mới có thể trở thành Công dân học tập.
Mục tiêu cuối cùng là xây dựng con đường tri thức. Con đường này sẽ đưa chúng ta tới tương lai, theo kịp bạn bè quốc tế như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi.
GS.TS. Nguyễn Thị Doan kêu gọi hưởng ứng tinh thần học tập suốt đời của Ngày Khuyến hoc Việt Nam
CD&KH: Nhân Ngày Khuyến học Việt Nam, rất mong Giáo sư gửi lời hiệu triệu để toàn dân ta chú trọng vào việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, sớm đưa sự nghiệp khuyến học đạt nhiều thành tựu hơn nữa?
GS.TS. Nguyễn Thị Doan: Tôi kêu gọi những người làm khuyến học trên cả nước và tất cả người dân Việt Nam hãy hưởng ứng tinh thần học tập suốt đời của Ngày Khuyến học Việt Nam bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; Để mỗi chúng ta đều trở thành công dân học tập, là một người biết tự học, biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, biết đối xử, quan hệ công chúng tốt. Tất cả chúng ta sẽ cùng xây dựng con đường tri thức rộng mở của đất nước Việt Nam.
CD&KH: Xin trân trọng cảm ơn GS.TS. Nguyễn Thị Doan đã dành cho Tạp chí Công dân và Khuyến học cuộc phỏng vấn rất có ý nghĩa nhân Ngày Khuyến học Việt Nam.