GS.TS Nguyễn Thị Doan chỉ ra 8 nhiệm vụ các cấp hội khuyến học triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị

GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, Hội Khuyến học cũng như các cơ quan, đơn vị phải xác định điểm nghẽn của mình để cùng nhau trao đổi, tháo gỡ khi triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW hiệu quả, thiết thực, để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.

Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia - do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức. Ảnh: Tuấn Anh
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đã trình bày nội dung chính của Nghị quyết số 57-NQ/TW. Trong đó nhấn mạnh, hội nghị không chỉ quán triệt mà còn trao đổi, thảo luận, đề xuất, từ đó cụ thể hóa nội dung chương trình làm việc của cá nhân, đơn vị đạt hiệu quả kết quả.
"Chưa bao giờ Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị mới ban hành mấy tháng mà đã tiến hành kiểm tra xem quán triệt, triển khai như thế nào. Chính vì vậy, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đã chỉ đạo đề nghị toàn thể các đơn vị thuộc Trung ương Hội quán triệt Nghị quyết và cùng nhau trao đổi để triển khai Nghị quyết được hiệu quả, thiết thực, để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống".
Ông Lê Mạnh Hùng nêu rõ, Nghị quyết 57-NQ/TW bao gồm 4 phần: quan điểm chỉ đạo; mục tiêu; nhiệm vụ giải pháp; tổ chức, thực hiện. Từ 4 vấn đề lớn, quan trọng Bộ Chính trị đặt ra thì tại hội nghị này Trung ương Hội Khuyến học cũng trao đổi thêm với các cấp Hội Khuyến học về những vấn đề cụ thể, thiết thực, để công tác khuyến học xứng tầm với nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao phó.
Do đó, hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW phải được tổ chức thiết thực, không hình thức.
(Toàn văn Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị TẠI ĐÂY)
Tại hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe lãnh đạo Hội phân tích các điểm nhấn của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh vào chuyển đổi số và các công nghệ cao. Đây là những giá trị cốt lõi chúng ta phải làm bằng được, làm chủ và vươn tới. Cùng với đó, một số lĩnh vực, như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số,…Việt Nam phải nhanh chóng vươn lên trong nhóm những quốc gia top đầu của khu vực và quốc tế, không thể tụt lại phía sau. Việt Nam phải trở thành điểm sáng của khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, năng lực cạnh tranh số, Chính phủ điện tử và trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số. Phải có những doanh nghiệp công nghệ ngang tầm quốc tế.
Nghị quyết cũng nhấn đến nội dung thu hút nhân tài, mạnh dạn thí điểm những phương thức mới, cách làm mới; các bộ ngành phải có trách nhiệm xây dựng thể chế thông thoáng và kịp thời để sự nghiệp chuyển đổi số và khoa học công nghệ của Quốc gia tiến nhanh, tiến mạnh, không "lề dề" như những lần trước. Thể chế, nhân lực, hạ tầng và dữ liệu là những nội dung trọng tâm cốt lõi.
Nghị quyết 57-NQ/TW ghi rõ: phải mạnh dạn đầu tư cho các nghiên cứu rủi ro. Đây là chỉ đạo rất đúng và kịp thời vì trước đây mới chỉ quan tâm chú ý xử lý các rủi ro. Không phải nghiên cứu đỉnh cao nào cũng thành công, nhưng nếu thành công thì có sức bật phá. Vì vậy, đầu tư cho công nghệ cao phải nhanh và xứng tầm, tới tầm. Đây là một trong những điểm mới quan trọng và rất quyết liệt của Nghị quyết.
Nghị quyết 57-NQ/TW đã đưa ra các điểm đột phá quan trọng nhằm thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Nghị quyết 57-NQ/TW là "khoán 10" trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo - chúng ta phải có trách nhiệm thực hiện
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, Nghị quyết 57-NQ/TW là "khoán 10" trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đây là cơ hội cho sự bứt phá, là cuộc cách mạng sâu sát, triệt để, đột phá về thể chế, đột phá về khoa học công nghệ, đột phá về nhân lực, từ đó đổi mới sáng tạo. Do đó, chúng ta phải có trách nhiệm thực hiện hết sức nghiêm túc.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, hiện nay, Hội Khuyến học cũng như các cơ quan phải xác định điểm nghẽn của mình trong bối cảnh chúng ta chưa phát triển được khoa học công nghệ, để từ đó thực hiện Nghị quyết 57-QN/TW thực sự hiệu quả.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa 8 đến nay việc triển khai khoa học công nghệ chưa được đúng tầm quốc sách hàng đầu. Đồng chí Tổng Bí thư nói rằng hiện nay 70% ngân sách nuôi con người, nuôi bộ máy, trong lĩnh vực khoa học công nghệ cũng vậy. Điểm nghẽn về thể chế cũng là thực trạng, khi hồ sơ còn chồng chất, chưa có hành lang thông thoáng cho các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ, chưa có cơ hội ứng dụng, kết quả sản xuất ra không được chấp nhận, chưa thu hút được doanh nghiệp… Vì vậy, Nghị quyết 57-NQ/TW coi nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân là nhân vật trung tâm - đây là cuộc cách mạng về nhận thức.
Về vấn đề trọng dụng nhân tài hiện cũng có nhiều bất cập. Đã nhiều năm vẫn diễn ra thực trạng những người giỏi đi học ở nước ngoài về chỉ được trả lương theo khung lương bằng người được đào tạo trong nước, thậm chí bằng với mức lương của nhân sự có bằng tốt nghiệp loại trung bình. Đây là một trong những điểm nghẽn cản trở sự cống hiến, cản trở sự phát triển của đất nước. Do đó, triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW để bứt phá, tiến lên, phát triển, khẳng định tầm quan trọng của lao động chất xám, chứ không chỉ chú trọng lao động phổ thông.
Cần thúc đẩy sự học nâng cao trí tuệ để góp phần vào nâng cao mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.

GS.TS Phạm Tất Dong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh
GS.TS Nguyễn Thị Doan chỉ ra 3 điểm nghẽn và 8 nhiệm vụ triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW đối với các cấp hội khuyến học
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh đến 3 nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho Hội: Thứ nhất, khuyến khích sự học, tạo cơ hội toàn dân được học tập, thực hiện nghĩa vụ quyền lợi trong học tập; Thứ hai, chăm lo hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường, trao học bổng nhằm khuyến khích thầy trò chăm lo dạy và học; Thứ ba, phối hợp với các ban ngành thúc đẩy xây dựng xã hội học tập.
Nhắc đến bài viết đặc biệt quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm về "Học tập suốt đời", Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan khẳng định: chúng ta phải thực hiện tư tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm về học tập suốt đời khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo đó, xác định rõ các điểm nghẽn để tháo gỡ nhằm đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống.
Điểm nghẽn thứ nhất, một bộ phận không nhỏ cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm thực sự đến sự học. Thực tế cho thấy, hiện vẫn tập trung quan tâm giáo dục chính quy, trong khi giáo dục tiếp tục mới là bắt đầu sự học. Giáo dục chính quy chỉ nắm 30% kiến thức, trong khi giáo dục tiếp tục mới quyết định, là khởi đầu của sự học. Đây là điểm nghẽn lớn nhất mà Hội Khuyến học Việt Nam đã đúc kết, đã nêu ý kiến, tập trung tháo gỡ, và đang có chuyển biến rõ rệt.
Điểm nghẽn thứ hai, trong hoạt động khuyến học có những nơi giao nhiệm vụ nhưng không giao kinh phí, tức là cấp ủy, chính quyền nhận thức được về sự học, nhưng giao nhiệm vụ mà lại không giao kinh phí thực hiện nhiệm vụ ấy – đây là vấn đề mà các cấp hội bày tỏ khi làm việc với Trung ương Hội. Cũng trong nhóm điểm nghẽn này, có thực trạng cùng trong một tỉnh nhận thức tốt về công tác khuyến học nhưng khi triển khai đến cấp huyện thì có huyện được giao kinh phí, có huyện không – dẫn đến sự không thống nhất trong giao và triển khai nhiệm vụ. Hiện nay vấn đề này vẫn chưa thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Điểm nghẽn thứ ba, hệ thống Hội Khuyến học hiện không được quản lý đồng đều, giải quyết các đề xuất cũng không đồng bộ. Nghị quyết 57-NQ/TW ra đời sẽ giải quyết điểm nghẽn này. "Đây là điểm nghẽn thuộc về nhận thức" – GS.TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.
Để giải quyết các điểm nghẽn này, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chỉ ra 8 nhiệm vụ các cấp hội khuyến học cần thực hiện trong triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW:
Đầu tiên, phải nâng cao nhận thức. Muốn thực hiện được Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, phải phát triển công nghệ số để mọi người tự học, học tập suốt đời trong điều kiện chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay. Muốn vậy, chúng ta phải tự học, học tập suốt đời trên nền tảng số. Công nghệ số sẽ truyền bá những tri thức để mỗi chúng ta tự học trên nền tảng đó. "Bình dân học vụ số" sẽ giúp người dân tiếp cận được nền tảng số này để tự học.
Thứ hai, phải thực hiện đột phá trong triển khai "bình dân học vụ số". Bình dân học vụ số sẽ được triển khai tại bất cứ đâu, trong trường học, tại gia đình, thậm chí trên xe ô tô… Ở nhiệm vụ này, ai cũng là thầy, ai cũng là trò, khác với xóa mù chữ là dạy chữ ABC…, thì ở nhiệm vụ này, tất cả mọi người đều giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ của mình - chỉ cần nắm được kỹ năng biết sử dụng công nghệ số phục vụ công việc hiệu quả.
Thứ ba, đẩy mạnh tiêu chí đánh giá phần mềm Công dân học tập. Hiện nay không phải địa phương nào cũng sử dụng tốt phần mềm này, theo đó, phải làm mọi cách để 63 tỉnh thành, địa phương nào cũng thực hiện số hóa và sử dụng tốt phần mềm Công dân học tập.
Thứ tư, Hội Khuyến học Việt Nam phấn đấu năm nay xây dựng xong Cổng thông tin điện tử nối mạng với Trung ương và địa phương, để 100% văn bản triển khai qua phần mềm điện tử.
Thứ năm, duy trì và tăng cường các hoạt động, nghiên cứu khoa học, để tham mưu với cấp chính quyền, làm thế nào để nghiên cứu khoa học của Hội góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Thứ sáu, hoàn thiện các tiêu chí thi đua động viên khuyến khích mọi người học tập suốt đời (bám sát tiêu chí của Nghị quyết 57-NQ/TW). Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tăng cường lan tỏa giải thưởng Nhân tài Đất Việt và Khuyến học - Tự học thành tài. Đây là 2 giải thưởng lớn tôn vinh những cá nhân, tập thể nghiên cứu khoa học, công nghệ, tự học, học tập suốt đời, cũng là giải thưởng đặc trưng cơ bản của Hội Khuyến học Việt Nam.
Thứ bảy, Trung ương hội Khuyến học Việt Nam sẽ hòa mạng với môi trường số, nền tảng số dùng chung. Nhiệm vụ này cần được được quan tâm, đầu tư hơn nữa về nhân lực, kinh phí.
Thứ tám, tăng cường ở mức cao hơn ký kết phối hợp với các bộ, ngành thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Hiện Hội Khuyến học Việt Nam đã ký kết được 14 cơ quan, đơn vị. Sắp tới sẽ ký kết thêm với các cơ quan Đảng, Nhà nước, các Viện nghiên cứu, các trường học… để nâng cao việc học tập suốt đời, để mọi người đều trở thành Công dân học tập.
"Mỗi chúng ta phải thành Công dân học tập. Muốn vậy, Công dân học tập phải có công nghệ, có tư duy thông qua sự học – như vậy thì Nghị quyết 57-NQ/TW mới thành công, mới hiệu quả, mới đi vào cuộc sống" – Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan khẳng định.