Google Maps đã hiển thị tình trạng giao thông trên toàn quốc
Google Maps đã chính thức hiển thị tình trạng giao thông tại các tỉnh, thành trên cả nước, thay vì chỉ gói gọn ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội như trước đây.
Cập nhật tính năng cảnh báo giao thông trên toàn quốc
Tình trạng giao thông cho phép người dùng biết được khu vực đó đang thông thoáng (màu xanh lá), đông xe (màu cam) hay ùn ứ (màu đỏ), từ đó thay đổi lộ trình phù hợp, tiết kiệm thời gian và công sức đi lại.
Tính năng này trước đây chỉ có sẵn tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, tuy nhiên Google đã mở rộng và áp dụng cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước, rất hữu ích đối với những ai thường xuyên di chuyển.
Để sử dụng tính năng tình trạng giao thông, bạn cần cập nhật ứng dụng Google Maps (bản đồ) trên điện thoại lên phiên bản mới nhất.
Khi hoàn tất, bạn chỉ cần nhập điểm bắt đầu và điểm đến rồi nhấn Chỉ đường. Mặc định, tính năng cảnh báo ùn tắc giao thông không được kích hoạt sẵn, do đó người dùng cần phải bấm vào biểu tượng ba lớp ở góc trên bên phải và chọn Traffic (giao thông).
Khi phóng to bản đồ tại khu vực cần đến, bạn sẽ thấy những đoạn đường được tô màu xanh lá (thông thoáng), cam (ùn tắc nhẹ) và đỏ (kẹt xe) hoặc những con đường đang bị chặn. Từ đó, người dùng có thể thay đổi lộ trình di chuyển cho phù hợp.
Bên cạnh đó, khi bạn đến những thành phố xa lạ và bắt taxi hoặc đặt xe công nghệ, Google Maps sẽ gửi thông báo tới điện thoại nếu phát hiện tài xế đang cố tình chạy xe lòng vòng (lộ trình đang di chuyển xa hơn 500m so với lộ trình ban đầu).
Khi nhận được thông báo, bạn nên nhắc nhở tài xế về việc này, đồng thời yêu cầu họ chạy đúng với tuyến đường đã định ban đầu, ngoại trừ họ chạy đường khác để tránh kẹt xe hoặc đường đang thi công.
Cách dùng Google Maps để tránh nhầm đường
Chọn tên điểm đến cụ thể thay vì địa chỉ
Google Maps có kho dữ liệu phong phú nhờ cho phép người dùng tự tạo địa chỉ cụ thể gắn với tên công ty, cửa hàng và được kiểm duyệt hoặc tạo mới bởi cộng đồng người chia sẻ uy tín (Local Guides). Đây là lý do tên các địa điểm trên phần mềm được cập nhật mới thường xuyên, có độ chính xác cao.
Ví dụ, nếu người dùng muốn đến một nhà hàng tên A ở địa chỉ B, việc nhập vào cả tên nhà hàng A sẽ chính xác hơn chỉ nhập địa chỉ B. Nhiều người sử dụng cho biết khi chỉ tìm theo số nhà và tên đường, bản đồ đôi khi hiển thị không chính xác do sai lệch về cách tính toán cũng như việc đặt số nhà ở Việt Nam không đồng nhất.
Cẩn thận với địa điểm trùng tên
Đây là tình huống nhiều người gặp phải khi tìm đường trên Google Maps. Ví dụ, cùng tên đường Phùng Hưng ở Hà Nội, một người dùng có thể bị nhầm giữa địa chỉ này trên quận Hoàn Kiếm hoặc Hà Đông. Ngoài ra, việc nhầm lẫn cũng có thể xảy ra với tên trường học, tên nhà hàng (đặc biệt với các nhà hàng, quán ăn có nhiều chi nhánh), cơ quan nhà nước...
Khi tìm trên bản đồ, Google Maps thường có thêm dòng nhỏ bên dưới ghi cụ thể hơn về địa chỉ như tên quận, thành phố. Người dùng cần xác định rõ vị trí cần đến thuộc phường, quận nào để tránh nhầm lẫn giữa hai địa điểm tên giống nhau.
Đánh giá các gợi ý tuyến đường trước khi đi
Khi tìm kiếm địa điểm và bấm chỉ đường, Google Maps sẽ đưa ra một vài lựa chọn về các tuyến đường có thể đi. Phần mềm ưu tiên chọn mặc định tuyến đường có thời gian di chuyển (ETA) ít nhất. Tuy nhiên, tính toán này khó chính xác ở Việt Nam do dữ liệu về tốc độ di chuyển, tình trạng đường xá không được cập nhật sát thực tế. Đôi khi, phần mềm sẽ chọn đường tắt hoặc quá nhỏ để giúp người dùng tốn ít thời gian nhất dù thực tế có thể trái ngược.
Ở các nơi lạ, không quen địa hình, tốt nhất người dùng chọn di chuyển qua các đường lớn. Thông thường, dữ liệu trên các tuyến đường lớn như tình trạng giao thông, sửa chữa cũng được cập nhật nhanh và chính xác hơn.
Bật chế độ xem vệ tinh khi cần
Dữ liệu đường tại Việt Nam đôi khi được cập nhật quá muộn hoặc quá sớm (theo quy hoạch nhưng thực tế chưa thực hiện). Khi tìm đường qua các vùng lạ, người dùng nên bật thêm chế độ xem vệ tinh để kiểm tra thực trạng các tuyến đường thay vì chỉ xem ở chế độ tối giản.
Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh tại Việt Nam có tốc độ cập nhật chậm hơn các nước phát triển. Thông thường, ảnh chụp có thể chậm hơn vài tháng so với thực tế. Người dùng vì vậy cần đối chiếu thông tin ở nhiều nguồn để xác định tuyến đường trước khi bắt đầu.
Tải chế độ xem ngoại tuyến cho các tuyến đường xa
Dữ liệu Google Maps sẽ liên tục tải về trong quá trình di chuyển tùy thuộc vào người dùng. Tuy nhiên, nếu đi qua vùng sóng di động yếu, phần mềm có thể không tải được dữ liệu, gây khó khi người dùng có thay đổi nhỏ về lộ trình. Để chắc chắn, nên chọn chế độ tải dữ liệu ngoại tuyến cho lộ trình sẵn có trước khi bắt đầu.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/google-maps-da-hien-thi-tinh-trang-giao-thong-tren-toan-quoc-179220806153710307.htm