Giữ sức khỏe thể chất, tinh thần cho trẻ khi sử dụng thiết bị điện tử trong dịp nghỉ hè
Mùa hè đã đến. Trẻ em sẽ được tận hưởng những ngày vui chơi, thư giãn sau một năm học tập vất vả. Tuy nhiên, thời thời gian học trực tuyến và giải trí bằng thiết bị điện tử của trẻ cũng có thể gia tăng. Dưới đây là những lưu ý an toàn sức khỏe cho trẻ em khi sử dụng máy tính, Internet trong dịp hè.
Đảm bảo sức khỏe thể chất cho trẻ em khi sử dụng thiết bị điện tử
Đối với sức khỏe của mắt
Việc nhìn lâu vào các thiết bị điện tử chưa gây ra hỏng mắt ngay lập tức nhưng việc này làm cho mắt mệt mỏi và căng thẳng. Thông thường, chúng ta chớp mắt 15 lần/phút, nhưng khi tập trung nhìn vào màn hình, số lần chớp mắt giảm đi một nửa dẫn đến mắt khô và mỏi mệt. Các triệu chứng khác bao gồm: khô mắt, chảy nước mắt, mờ mắt, đau đầu, đau cổ vai và lưng, nhạy cảm ánh sáng, mất tập trung...
Theo "Hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn đối với hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục" của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để hạn chế những dấu hiệu trên đối với trẻ em, phụ huynh cần lưu ý giúp học sinh thực hiện kế hoạch học tập và nghỉ ngơi mắt hợp lý theo quy tắc 20-20-2-20:
20-20: Sau mỗi 20 phút nhìn màn hình, nghỉ 20 giây để mắt thư giãn. Uống nước trong thời gian này để giữ ẩm cho mắt.
2-20: Sau khi 2 giờ sử dụng thiết bị, nghỉ 15-20 phút và vận động trước khi quay lại.
Ngoài ra, trẻ em nên chớp mắt thường xuyên và nhỏ mắt bằng nước muối 0,9% hoặc dung dịch chống khô mắt khi cần.
Phụ huynh cũng có thể hỗ trợ trẻ trong việc thiết lập không gian học tập hợp lý bằng 1 số cách như: Đặt màn hình xa khoảng 50cm (khoảng 1 cánh tay), và hơi thấp hơn tầm mắt. Tránh để màn hình bị phản chiếu ánh sáng, gây lóa mắt khó nhìn cho trẻ.
Đồng thời, lau màn hình sạch sẽ để hạn chế tình trạng mỏi mắt, căng thẳng khi sử dụng máy tính. Điều chỉnh ánh sáng màn hình hoặc ánh sáng đèn trong phòng sao cho không quá tương phản nhau.
Để giúp trẻ thực hiện được quy tắc 20-20-2-20, phụ huynh có thể sử dụng đồng hồ đếm ngược mỗi 20 phút giúp trẻ nhận biết được thời gian cần thư giãn mắt hoặc nghỉ ngơi vận động.
Đối với sức khỏe cơ xương
Trẻ em sử dụng máy tính cũng cần chú ý tư thế ngồi nghiêm túc trên bàn ghế, hạn chế nằm dưới sàn nhà, trên giường… trong thời gian dài. Không nên ngồi trong trạng thái vặn vẹo, dẫn tới cong cột sống và chữa trị rất tốn kém.
Do vóc dáng còn nhỏ, trẻ cần có bộ bàn ghế riêng phù hợp với lứa tuổi. Ghế ngồi nên có tựa giúp trẻ giữ thẳng lưng; có chế độ điều chỉnh độ cao để mắt trẻ hơi cao hơn so với màn hình máy tính.
Việc ngồi máy tính sai tư thế có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như cong vẹo cột sống. mỏi mắt, mỏi tay… ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Do vậy. rèn luyện tư thế ngồi máy tính đúng cách ngay từ khi còn nhỏ vô cùng quan trọng.
Tư thế ngồi đúng khi sử dụng máy tính.
Để trẻ có tư thế ngồi chuẩn, cần điều chỉnh chiều cao của bàn và ghế sao cho cánh tay tạo thành góc vuông tại khuỷu tay khi sử dụng chuột hoặc gõ phím.
Điều chỉnh chiều cao của ghế, tránh gò bó, quá cao hoặc quá thấp; để phần ghế dựa tiếp xúc với lưng.
Tư thế ngồi cần thẳng lưng, không ngã ra sau cũng không ngả về phía trước quá. Mắt cách màn hình 40-50cm, cao hơn màn hình một chút. Cánh tay vuông góc tại khuỷu tay khi gõ phím, sử dụng chuột.
Không tì đè lòng bàn tay lên bàn phím hay chuột. Thay vào đó, dùng cả bàn tay để giữ chuột và di chuyển chuột nhẹ nhàng.
Tư thế bàn tay khi sử dụng máy tính.
Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ ghi nhớ các quy tắc khi làm việc với máy tính trên, và thường xuyên nhắc nhở con thực hiện theo và thường xuyên thay đổi tư thế, tập thể dục sau mỗi 30-60 phút ngồi máy tính. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần giới hạn thời gian cho phép trẻ sử dụng các thiết bị điện tử trong ngày để đảm bảo sức khỏe.
Lưu ý về an toàn thông tin cho trẻ em trên không gian mạng
Vấn đề về an toàn trong không gian mạng cũng rất đáng lưu tâm khi cho trẻ sử dụng Internet bởi trên không gian mạng có nhiều thông tin không phù hợp cũng như những người dùng "độc hại" có thể gây tổn thương tới tâm lý của trẻ em.
Chẳng hạn như kẻ xấu có thể lợi dụng tính hay tò mò để gửi những đường liên kết lạ về máy tính, điện thoại. Ở một số trường hợp, khi trẻ vô tình ấn phải những liên kết này có thể sẽ đưa virus hay mã độc về máy làm mất thông tin hoặc hư hại thiết bị.
Nghiêm trọng hơn là những đường liên kết có thể ẩn chứa những nội dung độc hại như bạo lực, khiêu dâm... gây tổn hại đến tinh thần của trẻ hoặc dẫn trẻ vào những con đường tiêu cực trên môi trường số.
Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý một số điều sau để đảm bảo an toàn thông tin cho trẻ em trên không gian mạng:
Cha mẹ nên xem lại lịch sử truy cập trên máy tính của trẻ sau mỗi ngày học để biết con đã vào những trang web hoặc ứng dụng nào, từ đó có thể có những điều chỉnh kịp thời;
Cân nhắc cài đặt các phần mềm quản lý máy tính, kiểm soát truy cập trên mạng để ngăn trẻ tiếp cận đến những nội dung không lành mạnh;
Cha mẹ có thể tạo thêm tài khoản cho con trên máy tính, như là một tài khoản phụ và giới hạn quyền truy cập. Khi đó, các hoạt động của con trên máy tính sẽ không hoặc ít ảnh hưởng đến dữ liệu trên tài khoản chính của phụ huynh;
Trao đổi cởi mở với con để nắm bắt được những tình huống xấu con đang gặp phải, từ đó thiết lập các quy tắc sử dụng thiết bị số với con.
Ngoài ra, phụ huynh cần có thể hướng dẫn con về cách ứng xử trên thế giới ảo, phân biệt tin giả, tin thật. Khuyến khích những hành vi giao tiếp,cư xử tốt của trẻ trên môi trường trực tuyến, đặc biệt trong những cuộc gọi video.
Động viên trẻ tận dụng các công nghệ số để làm những việc có ích như xem video tập thể dục, vận động thể chất, cân bằng giữa các hoạt động trên mạng và ngoài đời thật.