Giống lúa mới cho thu hoạch nhiều năm, không cần gieo lại

16:57 - 19/10/2022

Trung Quốc đã công bố danh sách các giống lúa được ưa chuộng, trong đó có một giống lúa lâu năm có năng suất cao gấp đôi các giống lúa truyền thống khác.

Tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường

Tháng 9 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã công bố danh sách các giống lúa được ưa chuộng, bao gồm một giống lúa lâu năm có năng suất cao gấp đôi các giống lúa truyền thống khác. Đây là giống lúa được công ty nghiên cứu BGI có trụ sở tại Thâm Quyến phối hợp với Đại học Vân Nam phát triển.

So với hầu hết các loại cây lúa phải gieo lại hạt hàng năm, lúa lâu năm tiết kiệm chi phí hơn và sản xuất ít tốn công hơn. Các nhà khoa học khẳng định loại giống lúa này thân thiện hơn với môi trường.

Giống lúa mới cho thu hoạch nhiều năm, không cần gieo hạt lại ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết lúa lâu năm có thể giảm hơn 50% chi phí đầu vào sản xuất và đơn giản hóa việc quản lý cây trồng. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trưởng ban khoa học của BGI Research Liu Huan cho biết, cây lúa lâu năm được xem là một cuộc cách mạng: "Có nhiều khu vực không áp dụng phương thức canh tác cơ giới hóa hoặc thiếu lao động, hoặc phải sử dụng diện tích đất lớn. Với giống lúa này, chúng ta có thể tận dụng tốt diện tích đất ruộng bỏ hoang. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp rất ủng hộ việc quảng bá giống lúa".

Giống lúa mà Bộ Nông nghiệp Trung Quốc chỉ định đã được thử nghiệm tại tỉnh Vân Nam vào năm 2018. Kết quả cho thấy giống lúa này cho năng suất 15 tấn/hecta – hơn gấp 2 lần so với các giống lúa truyền thống khác. Trong khi đó, giống lúa lâu năm mới cũng giảm một nửa chi phí sản xuất và đơn giản hóa quy trình chăm sóc cây trồng.

Một nghiên cứu về loại lúa này được xuất bản trên cổng thông tin cho thấy chi phí sản xuất lúa lâu năm tương đương với chi phí của các giống lúa hàng năm trong năm đầu tiên, nhưng vì nó không cần gieo hạt ở những năm tiếp theo nên người nông dân có thể tiết kiệm tối đa 1.400 USD/vụ.

"Trung Quốc sản xuất 1/4 lương thực thế giới với chưa đầy 10% diện tích đất canh tác. Khi xét đến mức độ hiệu quả về chi phí sản xuất và năng suất cây trồng, cũng như lợi ích môi trường, lúa lâu năm có thể thực sự mang tính cách mạng đối với nông dân".
Theo Trưởng ban khoa học của BGI Research Liu Huan

Laura van der Pol, nhà sinh thái học tại Đại học Bang Colorado (Mỹ), đánh giá các loại ngũ cốc thu hoạch lâu năm có thể giúp sản xuất lương thực bền vững hơn cũng như giảm thiểu nguy hại cho môi trường.

"Cây lâu năm làm giảm tình trạng xói mòn đất. Nó khiến đất ít bị xáo trộn do cây vẫn ở nguyên vị trí trong nhiều năm. Do đó, cũng ít có sự xáo trộn cơ học từ các thiết bị nông nghiệp. Mặt khác, rễ mọc trong đất quanh năm cũng giúp duy trì và phục hồi cấu trúc của đất. Cây lâu năm cũng làm giảm tình trạng cỏ dại mọc sau khi cây lớn lên, thúc đẩy sự đa dạng sinh học của đất và sự tích tụ các chất hữu cơ trong đất", nhà sinh thái học Laura van der Pol giải thích.

giong lua moi 2.jpg

Nhóm nghiên cứu kiểm tra giống lúa lâu năm - loại lúa sống lâu năm có khả năng mọc lại hết mùa này sang mùa khác mà không cần gieo hạt, được trồng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: YNU

Tuy nhiên, cây lúa lâu năm cũng tạo điều kiện cho sâu bệnh hại hoặc mầm bệnh tích tụ theo thời gian. Chính vì vậy, một số biện pháp xen canh vẫn cần được triển khai.

Cho đến nay, lúa lâu năm đã được trồng tại 117 địa điểm ở miền Nam Trung Quốc, trên diện tích hơn 400 hecta. Giống lúa này cũng đã được giới thiệu tới 17 quốc gia châu Á và châu Phi, bao gồm Uganda, Ethiopia, Lào, Myanmar và Bangladesh.

Trước đó, vào năm 2021, Trung Quốc cũng đã trồng thành công giống lúa khổng lồ cao gần 2m ở Trùng Khánh với diện tích 15 mẫu (khoảng 10.000m2).

Giống lúa mới cho thu hoạch nhiều năm, không cần gieo hạt lại ở Trung Quốc - Ảnh 4.

Năm 2021, Trung Quốc cũng đã trồng thành công giống lúa khổng lồ cao gần 2m. Ảnh: Tân Hoa Xã

Phó giám đốc chi nhánh Trùng Khánh của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Lúa lai Trung Quốc Chen Yangpiao cho biết, giống lúa khổng lồ được trồng ở làng Changhong của Trùng Khánh vào tháng 4/2021, cho năng suất 750-900kg/mẫu.

Chiều cao trung bình của mỗi cây lúa là 1,8m đến 2,25m. Đây là giống lúa thân cao, cứng cáp, chịu được ngập úng và đất phèn mặn, có thể cung cấp môi trường sống tốt nhất cho các loài thủy sinh và động vật có vú trú ẩn.

Do thân lúa cao nên nông dân có thể giữ mực nước trên ruộng từ 60–80cm, thuận lợi cho việc nuôi cá, tôm hoặc cua.

lua lai.jpeg

Chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng Trung Quốc Viên Long Bình, người được mệnh danh là "cha đẻ của lúa lai". Ảnh: chinadaily

Được biết, các nhà khoa học Trung Quốc đã sử dụng một loạt công nghệ mới để tạo ra giống lúa này, bao gồm đột biến gây tạo (mutation induction) và lai giống giữa nhiều loại lúa dại. Đây là một trong những nỗ lực nhằm tạo ra loại lúa có năng suất tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của gần 1,4 tỷ dân Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nông dân và dân số ngày càng tăng.


Nguồn: SCMP, Tân Hoa Xã

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giong-lua-moi-cho-thu-hoach-nhieu-nam-khong-can-gieo-lai-179221019140333684.htm