Giáo viên trung học phổ thông phải có bằng thạc sĩ mới được xét thăng hạng 1, có trái Luật Giáo dục?
Luật Giáo dục 2019 quy định giáo viên viên trung học phổ thông phải có bằng cử nhân. Tuy nhiên, Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT yêu cầu giáo viên dự thi (hoặc xét) thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải có bằng thạc sĩ.
Quy định giáo viên trung học phổ thông hạng 1 phải có bằng thạc sĩ có trái luật?
Cụ thể, Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau (trích):
"Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm".
Tuy vậy, Thông tư 08/2023/BGDĐT sửa đổi Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập nêu rõ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên trung học phổ thông hạng I - Mã số V.07.05.13 như sau:
"Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên".
Nhiều giáo viên băn khoăn, Luật Giáo dục 2019 quy định giáo viên viên trung học phổ thông phải có bằng cử nhân. Thế nhưng, Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT yêu cầu giáo viên dự thi (hoặc xét) thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải có bằng thạc sĩ. Liệu quy định của Thông tư này có trái luật? Như thế, thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật về thông tư có đứng trên luật?
Hơn nữa, nhiệm vụ chính của giáo viên trung học phổ thông là giảng dạy và giáo dục học sinh. Giáo viên có bằng cử nhân hay bằng thạc sĩ cũng chỉ làm nhiệm này. Giáo viên có bằng thạc sĩ không làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học như ở bậc đại học để giảm trừ tiết dạy. Hoặc quy định giáo viên phải có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên để làm gì? Họ đâu có giữ chức vụ lãnh đạo, quản lí (hiệu trưởng, hiệu phó)?
Như vậy, quy định giáo viên trung học phổ thông hạng 1 phải có bằng thạc sĩ mới được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp có cần thiết hay không?
Rõ ràng, không thể nói giáo viên có bằng thạc sĩ thì sẽ làm tốt nhiệm vụ hơn người chỉ có bằng cử nhân. Điều quan trọng của giáo dục phổ thông không phải là bằng cấp cao, mà cần những người am hiểu, có trải nghiệm thực tế - tức là giỏi chuyên môn (giảng dạy) và nghiệp vụ (quản lí giáo dục học sinh).
Giáo viên trung học cơ sở hạng 1 không cần bằng thạc sĩ
Đáng nói, cùng là giáo viên phổ bậc phổ thông nhưng giáo viên trung học phổ thông hạng 1 phải có bằng thạc sĩ mới được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp còn giáo viên trung học cơ sở thì không.
Theo đó, Thông tư 08/2023/BGDĐT sửa đổi Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập không yêu cầu giáo viên trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ. Quy định này có hợp lí?
Liên quan đến việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, ngày 13/6/2023, tại cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời kiến nghị của Hội Nhà báo về thi nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Nội vụ đang đề xuất Chính phủ bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để giảm gánh nặng thi cử, tốn kém, nhưng trước mắt vẫn giữ hình thức xét thăng hạng theo tiêu chuẩn, điều kiện.
"Chúng tôi đang tính toán một vài năm nữa đề xuất bỏ cả thi và xét thăng hạng viên chức để trả lương theo vị trí việc làm. Trên thế giới không có nước nào thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức", Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.
Giáo viên các cấp trên cả nước mong Bộ Nội vụ bỏ thi (xét) thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên để xóa bỏ những bất cập của Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.