Giáo viên không muốn làm Tổng phụ trách Đội vì quá bận rộn

06:10 - 22/03/2023

Cần phải điều chỉnh lại chế độ làm việc, định mức giờ dạy cho Tổng phụ trách Đội để mỗi người được cử vào vai trò ấy đều cảm thấy vinh dự và tự hào.

Hiện nay, ở nhiều trường học đặc biệt là bậc tiểu học rất khó tìm được giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Phần vì bậc học này ít giáo viên nam nhưng điều quan trọng nhất là chế độ ưu đãi cho giáo viên Tổng phụ trách Đội chưa thỏa đáng trong khi công việc lại yêu cầu khá nhiều.

Có những giáo viên gần hai chục năm qua làm Tổng phụ trách Đội nhưng vẫn không có ai thay. Có trường hợp hiệu trưởng nhà trường buộc phải dùng quyền để ép buộc một số thầy cô giáo nhận nhiệm vụ trong miễn cưỡng.

Thông tư 27/2017/TT-BGDĐT quy định về Tiêu chuẩn của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội phải đạt được những điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, trong bối cảnh vừa hiếm, vừa không có ưu đãi chế độ, các trường thường cử làm giáo viên Tổng phụ trách Đội miễn người đó đồng ý.

Giáo viên không muốn làm Tổng phụ trách Đội vì quá bận rộn - Ảnh 1.

Vai trò của giáo viên Tổng phụ trách Đội tại các nhà trường đặc biệt quan trọng trong bổ trợ hoạt động dạy và học. Ảnh: Cổng TTĐT Tuyên Quang

Khó khăn khi tìm giáo viên Tổng phụ trách Đội

Thông tư 27/2017/TT-BGDĐT quy định về Tiêu chuẩn của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh:

1. Giáo viên được chọn để cử làm Tổng phụ trách Đội phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau:

a) Đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên đang giữ (tiêu chuẩn đối với giáo viên tiểu học quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập; tiêu chuẩn đối với giáo viên trung học cơ sở quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở công lập).

b) Đã được đào tạo nghiệp vụ công tác Đội cùng chuyên ngành giảng dạy hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác Đội.

c) Có năng lực phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nhà trường để tổ chức các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi.

2. Ưu tiên chọn giáo viên có khả năng về âm nhạc, mỹ thuật, thể dục thể thao, thuyết trình, tổ chức sự kiện, truyền thông để giúp nhà trường tổ chức tốt các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi.

Trên thực tế ở nhiều trường học hiện nay, chẳng cần căn cứ vào những quy định này mà "đỏ mắt" tìm cũng không ra một người sẵn sàng, vui vẻ nhận làm giáo viên Tổng phụ trách Đội.

Người có đủ tiêu chuẩn năng lực cũng tìm mọi cách chối đây đẩy. Hiệu trưởng đôi khi rơi vào thế khó vì nhà trường không thể không có người giữ nhiệm vụ này.

Thế là, chẳng cần phải căn cứ vào tiêu chuẩn để đề cử, hiệu trưởng buộc phải để giáo viên làm Tổng phụ trách Đội nhiều năm chưa cho nghỉ (theo quy định thời hạn giáo viên được cử làm Tổng phụ trách Đội là 5 năm). 

Hết thời hạn trên, nhà trường có trách nhiệm bố trí giáo viên trở lại giảng dạy theo đúng chuyên ngành được đào tạo. Thay vào đó có thể động viên thầy cô khác, hoặc giáo sinh mới ra trường đảm nhận.

Vì sao giáo viên lại sợ làm Tổng phụ trách Đội?

Giáo viên kiêm Tổng phụ trách Đội biên chế trong tổ văn phòng nên thời gian làm việc của họ cũng được tính theo giờ hành chính.

Bên cạnh đó, họ vẫn phải liên lạc với tổ chuyên môn do vẫn phải dạy đủ theo định mức. Chỉ nói về chuyện hồ sơ sổ sách thì giáo viên Tổng phụ trách Đội phải làm gấp đôi so với những giáo viên bình thường. Bên cạnh hồ sơ chuyên môn giảng dạy, còn có hồ sơ về Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh của nhà trường. 

Những buổi họp chuyên môn thì tổ văn phòng được nghỉ nhưng giáo viên Tổng phụ trách Đội vẫn phải tham dự với tư cách làm chuyên môn. 

Tổng phụ trách Đội nếu phải đi tập huấn, giao lưu công tác Đội thì phải nhờ người dạy hộ và hôm sau về dạy trả lại. Họ không được tính tiết dạy chế độ tăng giờ nên nhà trường khó phân công cho giáo viên khác đảm nhận.

Vì vậy, đi học, đi tập huấn hay giao lưu càng nhiều thì giáo viên Tổng phụ trách Đội càng phải làm gấp đôi công việc. Chưa kể ngày cuối tuần, ngày hè cũng thường xuyên vắng nhà vì các hội trại của Đoàn thanh niên hoặc Đội thiếu niên tổ chức.

Bất cập trong việc quy định, định mức giờ dạy của giáo viên Tổng phụ trách Đội

Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định về định mức giờ dạy của giáo viên Tổng phụ trách Đội tất cả các trường tiểu học, trưởng phổ thông cơ sở (cấp 1, 2); trường trung học cơ sở (cấp 2); trường phổ thông trung học cấp 2-3 như sau:

Ở vùng cao, hải đảo, vùng sâu

Trường trên 19 lớp: Tổng phụ trách chuyên trách không giảng dạy. Nếu bố trí giáo viên Tổng phụ trách Đội chuyên trách giảng dạy thì số giờ hoặc số buổi này được thanh toán theo chế độ vượt giờ hiện hành.

Trường từ 10 đến 19 lớp: Tổng phụ trách Đội bán chuyên trách dạy 3 tiết mỗi tuần ở các lớp trung học cơ sở hoặc dạy 3 buổi mỗi tuần ở các lớp tiểu học.

Ở các địa bàn còn lại

Trường có từ 28 lớp trở lên: Tổng phụ trách Đội chuyên trách không giảng dạy. Nếu bố trí giáo viên trung học cơ sở dạy 4 tiết/tuần hoặc giáo viên tiểu học dạy 1 buổi/tuần thì số giờ hoặc buổi này được thanh toán vượt giờ theo chế độ hiện hành.

Trường có từ 18 đến 27 lớp: Tổng phụ trách Đội bán chuyên trách dạy 8 tiết mỗi tuần ở các lớp trung học cơ sở hoặc dạy 2 buổi mỗi tuần ở các lớp tiểu học.

Trường có dưới 18 lớp: Tổng phụ trách Đội bán chuyên trách dạy 10 tiết mỗi tuần ở các lớp trung học cơ sở hoặc dạy 3 buổi mỗi tuần ở các lớp tiểu học.

Ở các trường vùng sâu, mỗi tuần Tổng phụ trách Đội phải dạy 8 tiết là quá cao. Xét về công việc, công sức bỏ ra của đội ngũ giáo viên kiêm Tổng phụ trách Đội các trường dù ở miền núi, vùng sâu cũng đều như nhau. 

Quy định về buổi dạy - không rõ ràng là bao nhiêu tiết dạy cũng gây khó khăn khi nhà trường quy định tiết dạy với giáo viên làm công tác Đội.

Có chế độ tương xứng sẽ khiến giáo viên tự nguyện đảm nhiệm vai trò Tổng phụ trách Đội

Vai trò của Tổng phụ trách Đội trong nhà trường rất lớn. Trường hoạt động tốt, nhiều phong trào nổi bật cũng nhờ phần lớn vào tài năng, sự nỗ lực của Tổng phụ trách Đội. 

Đặc biệt là giai đoạn hiện nay, ngành giáo dục đang thực hiện việc đổi mới trong giảng dạy theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.

Vì thế, vai trò của Tổng phụ trách Đội trong nhà trường càng vô cùng quan trọng khi các hoạt động ngoài giờ luôn phải đi cùng với các hoạt động giảng dạy thì việc đòi hỏi Tổng phụ trách Đội càng phải năng động và nhiệt huyết hơn.

Việc miễn cưỡng phải làm hoặc bắt buộc phải đảm nhiệm vì không còn ai sẽ khó khăn cho hoạt động Đoàn và Đội của ngôi trường ấy.

Có những giáo viên mới vào làm hợp đồng, bản thân cũng chưa được học bồi dưỡng về công tác Đoàn - Đội nhưng mà phải đảm nhận vai trò này khi làm việc cũng hạn chế khá nhiều. Thường thì họ làm theo những kế hoạch cũ của người trước để lại mà ít có sự sáng tạo, đổi mới.

Vì thế, sự cần thiết phải điều chỉnh lại chế độ làm việc, định mức giờ dạy để các giáo viên có năng khiếu, có tài năng được cử vào vai trò ấy đều cảm thấy vinh dự và tự hào và phát huy được vai trò của họ bổ trợ cho hoạt động dạy và học của nhà trường. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-vien-khong-muon-lam-tong-phu-trach-doi-vi-qua-ban-ron-179230321192618889.htm