Giáo viên có thể tận dụng ChatGPT để giải phóng công việc

21:51 - 13/02/2023

Giáo viên có thể tận dụng ChatGPT để giải phóng những công việc lặp đi lặp lại, tạo ra những cơ hội mà thầy và trò chưa kịp đề cập trong thời gian lên lớp.

Trong phiên thảo luận về chủ đề "Trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục" tại tọa đàm "ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo (AI) - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục", Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần có lộ trình nhất định đối với việc ứng dụng công nghệ nhân tạo vào đổi mới giáo dục.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, sự xuất hiện của ChatGPT cũng được xem là cơ hội đổi mới nhận thức trong đội ngũ giảng viên về yêu cầu dẫn dắt, khả năng truyền thụ…

Giáo viên có thể tận dụng ChatGPT để giải phóng công việc - Ảnh 1.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhận định, công nghệ thông tin có hai mặt. Nếu thực hiện tốt, chúng ta sẽ giúp học sinh vùng sâu vùng xa có cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin, bình đẳng trong giáo dục. Nhưng nếu không làm tốt chính sách, điều này sẽ tạo ra khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền.

Nhìn nhận ChatGPT như một cơ hội cho giáo dục, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, giáo viên có thể giải phóng những công việc lặp đi lặp lại, tạo ra những cơ hội mà thầy cô và học sinh chưa kịp đề cập trong thời gian lên lớp.

Giáo viên có thể tận dụng ChatGPT để giải phóng công việc - Ảnh 2.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, ChatGPT là một cơ hội cho giáo dục. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trí tuệ nhân tạo giúp cho thầy cô giáo, học sinh có nhiều cơ hội tiếp cận kiến thức, giúp giáo dục phát triển nhanh hơn.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ lo ngại, trong quá trình học tập, học sinh sử dụng, lệ thuộc vào công nghệ thì việc giao tiếp và các kỹ năng khác sẽ bị ảnh hưởng.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-vien-co-the-tan-dung-chatgpt-de-giai-phong-cong-viec-179230213195157882.htm