Giáo viên cần lưu ý gì về đề minh hoạ Ngữ văn thi tốt nghiệp từ 2025?

20:03 - 01/02/2024

Ngữ liệu đề minh họa Ngữ văn thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 2025 lấy ngoài sách giáo khoa. Phần Làm văn có thể viết đoạn văn hoặc bài văn. Tổng độ dài các ngữ liệu trong đề thi không quá 1300 chữ.

Giáo viên cần lưu ý gì về đề minh hoạ Ngữ văn thi tốt nghiệp từ 2025?- Ảnh 1.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề minh hoạ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, trong đó có môn Ngữ văn.

Về phạm vi kiến thức, ngữ liệu phần Đọc hiểu, Làm văn (nghị luận xã hội và nghị luận văn học) hoàn toàn nằm ngoài chương trình sách giáo khoa. Ngoài ra, đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo có những điểm mới so với đề thi hiện nay như sau:

Phần Đọc hiểu

Số điểm: 4 điểm. Số câu hỏi: 5 câu, được thiết lập theo ma trận: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.

Tính chất câu hỏi: Bên cạnh các câu hỏi về đặc điểm hình thức, nội dung như phương thức biểu đạt; lý giải nghĩa, ý nghĩa của từ ngữ, ảnh ảnh; thể hiện quan điểm về vấn đề… thì đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 2025 bổ sung những câu hỏi liên quan đến đặc trưng thể loại; các câu hỏi yêu cầu thí sinh phải vận dụng, liên hệ với thực tiễn.

Phần Viết

Linh hoạt giữa câu 1 (nghị luận xã hội) và câu 2 (nghị luận văn học). Ngữ liệu cả hai phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều nằm ngoài sách giáo khoa.

Lưu ý: Nếu ngữ liệu ở phần Đọc hiểu là văn bản nghị luận xã hội hoặc văn bản thông tin thì phần nghị luận xã hội sẽ viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) còn phần nghị luận văn học sẽ yêu cầu viết bài văn (khoảng 600 chữ).

Ngược lại, nếu phần Đọc hiểu có ngữ liệu là văn bản văn học hoặc văn bản nghị luận văn học thì đề nghị luận xã hội sẽ yêu cầu làm bài văn, nghị luận văn học sẽ yêu cầu viết đoạn văn.

Phần Đọc hiểu trong đề thi minh họa tăng 1 điểm, tạo cơ hội cho thí sinh nhất là những học sinh có lực học trung bình, yếu lấy điểm ở những câu trả lời ngắn. Vấn đề được hỏi xoay quanh đặc điểm hình thức, nội dung và liên hệ vấn đề với thực tế.

Thể loại truyện ngắn sẽ có thể xuất hiện các câu hỏi: ngôi kể, nhân vật, nhân vật chính, điểm nhìn, sự dịch chuyển điểm nhìn. Về thơ có thể hỏi: chủ thể trữ tình, từ ngữ, hình ảnh, vần nhịp, giọng điệu, cấu tứ, tu từ...

Các câu hỏi về biện pháp tu từ cũng có thể yêu cầu học sinh xác định, nhận diện cụ thể hơn đặc điểm, kiểu loại của biện pháp tu từ. Ví dụ biện pháp so sánh đơn, so sánh kép (mức độ khó).

Phần Làm văn có tỉ lệ điểm thấp hơn so với đề thi hiện nay 1 điểm. Phần này có sự linh hoạt giữa yêu cầu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Có thể yêu cầu học sinh viết đoạn nghị luận xã hội và bài nghị luận văn học hoặc viết bài nghị luận xã hội và đoạn nghị luận văn học. Phần đoạn văn khoảng 200 chữ (2 điểm), phần bài văn khoảng 600 chữ (4 điểm).

Vấn đề nghị luận trong đoạn/bài nghị luận xã hội không nhất thiết phải liên quan đến ngữ liệu phần Đọc hiểu. Nghị luận văn học sẽ yêu cầu đa dạng kiểu bài: phân tích đánh giá văn bản, so sánh hai văn bản, phân tích làm rõ một đặc điểm của thể loại qua văn bản…

Cần lưu ý gì từ đề thi minh hoạ môn Ngữ văn?

Thứ nhất, giáo viên giúp học sinh nắm thật vững kiến thức về đặc trưng thể loại (các văn bản thuộc văn bản văn học), kiểu văn bản. Trong văn bản văn học có nhiều thể loại như: thần thoại, cổ tích, truyện ngắn, thơ Đường luật, thơ tự do, ngâm khúc, bi kịch, hài kịch...

Văn bản được phân loại theo phương thức biểu đạt như: văn bản miêu tả, văn bản tự sự, văn bản thuyết minh, văn bản nghị luận, văn bản biểu cảm, nhật dụng…

Giáo viên cần tập trung vào các biểu hiện chính, các đặc trưng tiêu biểu của mỗi thể loại và kiểu văn bản để giúp học sinh nhận diện và phân tích tác dụng của các yếu tố hình thức trong thể loại, kiểu văn bản đó. Ví dụ, đối với tác phẩm truyện thì chú ý đặc trưng tự sự (kể việc), còn thơ thì thiên về trữ tình (bày tỏ tình cảm).

Bên cạnh đó, học sinh cần nhận biết và nêu được tác dụng của sự đan xen giữa các yếu tố trong một văn bản. Ví dụ, vai trò của miêu tả trong văn bản tự sự hoặc tác dụng của các yếu tố biểu cảm trong văn bản nghị luận…

Ngoài ra, giáo viên cần tổ chức dạy đọc hiểu phù hợp với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn. Mục đích là giúp học sinh tự tìm ra cái hay, cái đẹp của văn bản, tác phẩm theo cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm… của các em - chứ không phải của thầy cô giáo.

Thứ hai, giáo viên giúp học sinh nắm vững phạm vi kiến thức tiếng Việt (ngữ âm và chữ viết, từ vựng, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp, sự phát triển của ngôn ngữ và các biến thể ngôn ngữ) để vận dụng vào làm bài tập.

Cụ thể, ở bậc trung học phổ thông, học sinh hiểu, phân tích và biết đánh giá các hiện tượng ngôn ngữ có liên quan, chú trọng những cách diễn đạt sáng tạo.

Thứ ba, giáo viên cần rèn học sinh viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) và bài văn (khoảng 600 chữ). Đoạn văn và bài văn có những điểm khác nhau như sau:

Nội dung: Đoạn văn thường bàn về một khía cạnh/ một nội dung nhỏ trong vấn đề lớn thuộc về tư tưởng đạo lí, hiện tượng xã hội hoặc tác phẩm văn học.

Hình thức: Có thể trình bày đoạn văn theo nhiều cách như qui nạp, diễn dịch, song hành, móc xích hay tổng – phân – hợp, miễn là đúng hình thức một đoạn văn (không xuống dòng/ chữ đầu câu đầu đoạn viết hoa và lùi vào một chữ).

Còn bài văn, về nội dung là kiểu bài văn nghị luận xã hội/ nghị luận văn học, luận về toàn bộ một vấn đề lớn thuộc về tư tưởng đạo lí, hiện tượng xã hội, tác phẩm văn học.

Hình thức: Viết đúng cấu trúc ba phần của một bài văn với mở bài (giới thiệu vấn đề cần nghị luận); thân bài triển khai hệ thống luận điểm để làm sáng rõ vấn đề lớn); kết bài (khái quát, nâng cao vấn đề vừa nghị luận).

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-vien-can-luu-y-gi-ve-de-minh-hoa-ngu-van-thi-tot-nghiep-tu-2025-179240201152431402.htm