"Giao thông xanh": Giải pháp bảo vệ môi trường cần thiết cho đô thị

06:00 - 10/01/2025

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 8/TB-VPCP ngày 8/1/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh.

Chính phủ yêu cầu rà soát quy hoạch của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương, bảo đảm tích hợp với quy hoạch giao thông vận tải về hạ tầng liên quan đến chuyển đổi phương tiện giao thông xanh. Ảnh minh hoạ: IT

Chính phủ yêu cầu rà soát quy hoạch của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương, bảo đảm tích hợp với quy hoạch giao thông vận tải về hạ tầng liên quan đến chuyển đổi phương tiện giao thông xanh. Ảnh minh hoạ: IT

Trước bối cảnh ô nhiễm môi trường, chuyển đổi xanh phương tiện giao thông giúp giảm thiểu tác động

Trong thời gian qua, các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các địa phương đã cơ bản triển khai các nhiệm vụ được giao, bước đầu góp phần tích cực tạo tiền đề để chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ sang sử dụng năng lượng xanh. Tuy nhiên, việc triển khai tại các Bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa có trọng tâm, chưa tạo được kết quả rõ nét.

Nhận thức rõ vai trò của việc chuyển đổi xanh nền kinh tế, chuyển đổi xanh phương tiện giao thông trong bối cảnh ô nhiễm môi trường không khí do hoạt động giao thông đã trở nên bức xúc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân tại một số đô thị là cần thiết; việc chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng xanh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan.

Đảm bảo quy hoạch hạ tầng giao thông phù hợp với các chính sách "xanh hóa"

Để đạt được mục tiêu phát triển hệ thống giao thông xanh, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát hành lang pháp lý về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật đối với phương tiện giao thông mới (phương tiện lần đầu đưa vào lưu hành), bảo đảm quản lý chặt chẽ về lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, rà soát quy hoạch của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương, bảo đảm tích hợp với quy hoạch giao thông vận tải về hạ tầng liên quan đến chuyển đổi phương tiện giao thông xanh, trong đó có giao thông công cộng (nhất là trạm sạc cho xe ô tô điện), báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong Quý I năm 2025.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì rà soát các chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng (chính sách đối với doanh nghiệp vận tải, đối với người dân, người tham gia phương tiện giao thông công cộng…), đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp (lưu ý đề xuất hình thức văn bản, cơ quan ban hành…), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2025.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông xanh, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2025.

Ưu tiên sử dụng nhiên liệu sinh học, trợ giá điện để thay thế xăng

Bộ Công Thương khẩn trương bảo đảm hoạt động sản xuất, nhập khẩu và cung ứng nhiên liệu sử dụng cho xe cơ giới có chất lượng theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu điêzen, nhiên liệu sinh học đáp ứng lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải của xe cơ giới; đề xuất hoặc ban hành cơ chế chính sách ưu tiên sử dụng xăng nhiên liệu sinh học; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, lắp ráp xe cơ giới tuân thủ mức tiêu chuẩn khí thải quy định của pháp luật.

Sớm xây dựng quy định danh mục giá điện cho sản xuất kinh doanh để áp dụng đối với các trạm sạc điện cho xe ô tô điện, xe máy điện; nghiên cứu, đề xuất việc công khai thông tin và áp dụng giá bán lẻ điện vào giờ cao điểm, thấp điểm của thị trường bán lẻ điện, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02 năm 2025.

"Giao thông xanh" và những giải pháp bảo vệ môi trường cần thiết cho đô thị - Ảnh 1.

Rà soát chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm kiểm soát và hạn chế phương tiện phát thải cao. Ảnh minh hoạ: IT

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2025 quy định áp dụng mức khí thải của phương tiện đang lưu hành (trong đó lưu ý nâng mức tiêu chuẩn khí thải; có quy định về tiêu chí đối với từng khu vực, địa bàn ô nhiễm cao cần phải hạn chế tổ chức giao thông đối với phương tiện có phát thải cao làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện); xác định và công khai thông tin hoặc hướng dẫn các địa phương xác định và công khai thông tin đối với vùng phát thải cao.

Cùng với đó, rà soát chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm kiểm soát và hạn chế phương tiện phát thải cao; rà soát chính sách đất đai phục vụ phát triển hạ tầng bến bãi, trạm sạc đối với phương tiện giao thông xanh; khẩn trương tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan và một số quốc gia khác về mô hình chính sách tài chính xanh, phối hợp với các tổ chức quốc tế tiếp cận với nguồn tài chính trong và ngoài nước để hỗ trợ giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng phương tiện xanh; nghiên cứu, đề xuất ban hành tiêu chí cho dự án sản xuất phương tiện xanh, hoàn thành trong tháng 01 năm 2025.

Đảm bảo tính đồng bộ trong triển khai xây dựng hạ tầng giao thông xanh

Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai quy hoạch xây dựng đô thị giai đoạn mới, trong đó yêu cầu ngành giao thông vận tải các địa phương phải đi trước một bước trong việc xây dựng hạ tầng giao thông xanh, bảo đảm tính đồng bộ về hạ tầng giao thông với hạ tầng đô thị.

Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách khuyến khích các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông xanh để thay thế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương xây dựng chính sách chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh tại địa phương; đặc biệt, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương ban hành chính sách để kiểm soát phương tiện giao thông, bảo vệ môi trường, có giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông tại khu vực, địa bàn có mức ô nhiễm cao.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-thong-xanh-giai-phap-bao-ve-moi-truong-can-thiet-cho-do-thi-17925010916342332.htm