Giáo sư Vũ Triệu An và đóng góp lớn cho ngành miễn dịch học Y khoa

11:53 - 28/07/2023

Với 70 năm công tác trong ngành y tế Việt Nam, Giáo sư Vũ Triệu An là người có công lớn trong ngành sinh lý bệnh học và miễn dịch học của Việt Nam. Ông được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và nhận Huân chương Độc lập hạng 2.

Giáo sư Vũ Triệu An và đóng góp lớn cho ngành miễn dịch học Y khoa - Ảnh 1.

Giáo sư Vũ Triệu An (1925-2023) - người có công lớn trong ngành sinh lý bệnh học và miễn dịch học của Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Bác sĩ - người lính Vũ Triệu An

Giáo sư Vũ Triệu An (1925-2023) đã khép lại hành trình cuộc đời, để lại muôn vàn nhớ thương, tiếc nuối cho gia đình, học trò, đồng nghiệp. Cả cuộc đời, Giáo sư Vũ Triệu An sống và làm việc với tinh thần khoa học, cống hiến. Y đức và y năng là điều ông luôn tâm niệm, trau dồi, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cứu chữa người bệnh.

Giáo sư Vũ Triệu An sinh ngày 16/3/1925 tại Thái Bình, trong một gia đình chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền giáo dục Nho học. Ông trưởng thành trong lúc các phong trào thanh niên yêu nước ở Thái Bình và tưởng nhớ Phan Chu Trinh phát triển cao trào. 

Năm 1940, Vũ Triệu An thi đỗ vào học trường Thành chung Lê Quý Đôn ở thị xã Thái Bình. Năm 1945, bầu không khí Cách mạng tháng Tám sục sôi khắp cả nước, Vũ Triệu An tham gia và hoạt động sôi nổi trong các phong trào thanh niên, sinh viên. Sau khi thi đỗ tú tài, ông ghi danh vào trường Đại học Y khoa.

Giống như nhiều thanh niên thời bấy giờ, ông vừa học vừa chiến đấu ở khắp mọi nơi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Những năm đó, ông làm việc tại Đoàn giải phẫu lưu động mặt trận phía nam đường số 5, đóng tại làng Phạm Xá, huyện Thanh Miện, Hải Dương (1947); Trung đoàn 42 ở Thái Bình (1948); Quân y viện Khu 3, đóng tại làng Khuốc, Thái Ninh, Thái Bình (1949); Văn phòng Chủ tịch Chính phủ ở An toàn khu Việt Bắc (1950); quân y điều trị tại Phân viện 7, Phân viện 5 ở Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên (1950-1954). 

Khi đó, Vũ Triệu An được ăn theo chế độ trung táo (cách chia khẩu phần ăn theo ba chế độ: tiểu táo, trung táo và đại táo của quân đội ta một thời), nhưng ông tự hỏi chế độ ăn khác nhau, vậy khi ra chiến trường đối đầu với kẻ địch thì có phân biệt không?. Nghĩ thế, ông cùng nhiều người đã từ chối nhận chế độ này.

Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, tất cả cán bộ nhân viên của Phân viện 5 đi bộ về Hà Nội rồi về Nam Định. Ông Vũ Triệu An được phân công ở lại giữ lán bệnh viện và chăm sóc vài bệnh binh. 

Khi đã sắp xếp công việc ổn thỏa, ông quyết định về Hà Nội, rồi đến gặp thủ trưởng cũ là bác sĩ Nguyễn Thế Khánh, ông thẳng thắn đề nghị: "Một là xếp chỗ làm việc cho tôi, hai là cho tôi xuất ngũ" - sự thẳng thắn, tự tin thể hiện sự vững chãi về chuyên môn mà ít sinh viên Y khoa nào dám nói với thầy giáo cũng là thủ trưởng cũ.

Những công trình của Giáo sư Vũ Triệu An góp phần đặt nền móng cho sự phát triển miễn dịch học

Từ năm 1954-1959 ông là Trưởng khoa Nội A3, Trưởng khoa Truyền máu, Viện Quân y 108. Trong thời gian đó, ông được biệt phái bán thời gian để xây dựng và là người sáng lập bộ môn Sinh lý bệnh của trường Đại học Y Hà Nội. Ngày nay, các thế hệ cán bộ bộ môn Sinh lý bệnh ở khắp các trường Y trên cả nước như: Thái Nguyên, Thái Bình, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ... đều không quên công ơn đào tạo, dìu dắt, giúp đỡ của Giáo sư Vũ Triệu An cùng các thế hệ nhà khoa học, cán bộ của bộ môn Sinh lý bệnh, sau là Sinh lý bệnh - Miễn dịch, trường Đại học Y Hà Nội.

Đầu những năm 60, ông cùng học trò nghiên cứu và viết nhiều bài về miễn dịch học. Ông trở thành người thầy lớn của nhiều thế hệ học trò chuyên ngành Sinh lý bệnh - Miễn dịch. Đồng thời ông đã công bố hàng trăm công trình nghiên cứu về các vấn đề: Khả năng đề kháng miễn dịch của người Việt Nam có sức khỏe bình thường, trạng thái miễn dịch khi bị các bệnh thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau như ngoại, nội, sản, nhi, truyền nhiễm, da liễu, huyết học, miễn dịch trong bệnh phong, sốt rét, ung thư, ghép mô, sốt xuất huyết, phơi nhiễm Dioxin.... 

Ngoài ra, ông còn đắm đuối với những nghiên cứu về huyết học và gen. Bởi theo ông huyết học và miễn dịch có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong miễn dịch có huyết học và ngược lại. 

Ngay từ đầu năm 1952, khi còn là sinh viên tham gia kháng chiến, ông Vũ Triệu An đã được giao nhiệm vụ làm quân y điều trị tại Phân viện 5 đóng ở Vô Tranh, Thái Nguyên. Ngay từ lúc đó, ông đã bắt đầu nghiên cứu về vấn đề truyền máu và nhận thức rằng: Tổ chức truyền máu là rất cần thiết trong thời chiến, và trong thời bình truyền máu vẫn giữ một vai trò không kém phần quan trọng trong y học. Truyền máu có thể ví như cái gậy chống của khoa Phẫu thuật. Có truyền máu, phẫu thuật mới tiến lên được. Trên cơ sở tập hợp các tư liệu, ông đã biên soạn bản thảo sách về lĩnh vực này gồm 4 phần: Lịch sử truyền máu, Lý thuyết các nhóm máu, Thực hành thử nhóm máu, Cách thức tổ chức một trung tâm truyền máu… nhưng vì điều kiện chiến tranh, cuốn sách không được xuất bản. Năm 1962, ông cùng bác sĩ Hoàng Đình Cầu cho xuất bản cuốn Thực hành truyền máu. Đây là cuốn sách đầu tiên về truyền máu ở Việt Nam.

Quá trình nghiên cứu về huyết học, Giáo sư Vũ Triệu An nhận thấy huyết học phản ánh vấn đề con người, dân tộc. Vì vậy ngay từ những năm tháng kháng chiến chống Pháp, ông đã đi sâu tìm hiểu chỉ số huyết học trung bình của người bình thường. Và năm 1960, ông đã hoàn thành bài "Góp phần nghiên cứu những con số trung bình về huyết học ở người Việt Nam miền Bắc". Bài viết nhận định tình trạng thiếu máu ở người Việt Nam rất phổ biến, nguyên nhân là do thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng. Sau đó, ông đã có một loạt công bố về vấn đề này như: "Hằng số huyết học ở người Việt Nam bình thường (miền Bắc)", "hằng số huyết học"… Và với ông huyết học, nguồn gốc gen của người Việt Nam, các chỉ số sinh học ở người Việt Nam chính là đam mê lớn trong cuộc đời làm khoa học. Niềm đam mê ấy đã giúp ông thành công và bổ trợ cho một lĩnh vực rất sâu khác là miễn dịch học.

Giáo sư Vũ Triệu An còn là người cá tính đặc biệt, độc lập trong tư duy, thấy việc đúng là làm và làm đến cùng, luôn luôn chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Giáo sư sống trọn vẹn ân tình với bạn bè, người thân và học trò. 

Năm 1971, biết tin học trò Nguyễn Văn Nguyên (sau này là Phó Giám đốc Học viện Quân y) chuẩn bị đi B. Ông dùng chiếc xe máy của mình chở học trò đi Tam Đảo chơi và về Phú Thọ thăm gia đình, chia tay bố mẹ. Đường xa, hỏng xe, nhưng ông rất vui vẻ, động viên học trò trước ngày đi xa. Những tình cảm đó được học trò Nguyễn Văn Nguyên trân trọng, ghi nhớ cho đến hôm nay.

Hành trình cuộc đời gần 100 năm của Giáo sư Vũ Triệu An chính là một phần của tiến trình khoa học ngành Sinh lý bệnh - Miễn dịch Việt Nam. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-su-vu-trieu-an-va-dong-gop-lon-cho-nganh-mien-dich-hoc-y-khoa-179230728104215413.htm