Giáo sư Trần Hồng Quân đã từng chỉ ra sự hạn chế của biên chế giáo dục
Giáo sư Trần Hồng Quân đã phát hiện sự hạn chế của chế độ biên chế Nhà nước trong ngành giáo dục và đề xuất hướng khắc phục từ những năm 1991-1992 nhưng cho đến nay vì nhiều lý do chưa thể thực hiện được.
Ngày 27/8, lễ viếng Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Phó Ban Dân vận Trung ương, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam, số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cả cuộc đời gắn bó với ngành giáo dục, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân đã đưa ra những quyết sách được đánh giá là mới mẻ, táo bạo, "cởi trói" giáo dục đại học, xây dựng nền tảng cho giáo dục phổ thông.
Năm 2017, trước luồng ý kiến về việc tăng biên chế giáo viên khó khăn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc đó là ông Phùng Xuân Nhạ nêu đề xuất: "Hiện nay giáo viên đang là định biên, hướng tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng có vào - có ra, có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng.
Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được mà phải có lộ trình. Theo tính toán, chỉ tính riêng nhu cầu định biên kế toán và y tế, hiện khoảng 80.000 cán bộ. Tiến tới, sẽ triển khai theo kiểu 1 kế toán phục vụ 3-4 trường, thậm chí có trường chỉ cần thuê kế toán. Tiến tới tinh giảm kế toán, hoặc kiêm nhiệm. Còn y tế trường học đã có trạm y tế xã, những trường ở xa trạm xá thì sẽ cân nhắc, điều chỉnh cho hợp lý".
Liên quan đến việc chuyển đổi giáo viên từ biên chế sang hợp đồng đang được dư luận thời điểm đó quan tâm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá chế độ công chức, viên chức như hiện nay bộc lộ nhiều bất cập.
Trong đó rõ nhất là việc tuyển dụng, do công chức viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là phổ thông, việc tuyển dụng chưa phù hợp với nhu cầu môn học, đặc biệt là chuyên môn, dẫn đến tình trạng thừa-thiếu cục bộ. Mặt khác, tâm lý giáo viên vào biên chế cho ổn định nên rất khó khăn trong việc nâng cao năng lực, phẩm chất để đáp ứng nhu cầu đổi mới cho dạy chương trình mới, khiến chất lượng giáo dục không được nâng cao.
"Vì vậy chúng tôi mới nghiên cứu, đề xuất thí điểm chuyển dần từ công chức viên chức sang hợp đồng lao động, trước mắt là thí điểm khu vực đại học và một số trường phổ thông, sau đó từng bước rút kinh nghiệm để nhân rộng. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng không thể không làm, quan trọng là phải nghiên cứu kỹ lộ trình, thực hiện căn cơ", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Bày tỏ sự đồng tình với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc bỏ biên chế giáo viên, Giáo sư Trần Hồng Quân nhớ lại những đề xuất trước đó. Giáo sư Trần Hồng Quân chia sẻ với truyền thông rằng ông đã phát hiện sự hạn chế của chế độ biên chế Nhà nước trong ngành giáo dục và đề xuất hướng khắc phục từ những năm 1991-1992 nhưng chưa thể thực hiện.
Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, chế độ biên chế Nhà nước có mặt tích cực, tạo ra sự ổn định của đội ngũ, sự yên tâm của người lao động nhưng mặt trái của nó là sự trì trệ đáng sợ. Giáo sư Trần Hồng Quân thẳng thắn so sánh biên chế Nhà nước giống như một cái rọ an toàn cho những ai không chịu phấn đấu mà không bị sa thải. Mặt khác, nó cũng là cái lồng hẹp mà những người năng động, sáng tạo giỏi giang chỉ có thể "múa gậy" trong đó.
Giáo sư Trần Hồng Quân đề xuất chế độ hợp đồng giảng dạy, thực hiện chế độ trả lương theo chất lượng. Điều này tạo điều kiện để giáo viên có toàn quyền quyết định khối lượng công việc nhận làm, mức thu nhập của bản thân và chịu trách nhiệm về giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu và về thời hạn hoàn thành công việc.
Có nghĩa là việc làm, thu nhập, đời sống của giáo viên gắn chặt với việc hoàn thành nhiệm vụ của họ trong giảng dạy. Đây chính là nguồn động lực tự thân của từng thầy cô cũng như của toàn bộ đội ngũ.
Thế nhưng, Giáo sư Trần Hồng Quân cũng cho biết, đây là một chủ trương chấn động toàn hệ thống giáo dục và rất khó ra một quyết định tác động đến nhiều người như vậy. Sự cảm xúc có thể lay động tư duy lý trí. Và sự thực là khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề xuất triển khai chủ trương này thì gặp phải sự phản đối quyết liệt bởi nhiều giáo viên cho rằng họ cảm thấy "bị tổn thương".
Về sau này, nhiều giáo viên trẻ, giáo viên có năng lực đều rất tiếc cho tầm nhìn xa, ý tưởng cải cách táo bạo và căn bản rất chính xác của Giáo sư Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chưa được hiện thực hóa. Tuy vậy, nhiều giáo viên khẳng định, muốn cải thiện lương giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục thì chỉ có con đường bỏ biên chế như ý tưởng sinh thời của Giáo sư Trần Hồng Quân.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-su-tran-hong-quan-da-tung-chi-ra-su-han-che-cua-bien-che-giao-duc-179230827175227201.htm