Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Hùng Võ: Lấy ý kiến trẻ em về Dự luật Đất đai là “sáng tác” phi logic!

18:32 - 11/03/2023

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Hùng Võ đã nhấn mạnh "Đối với Luật Đất đai thì đừng đưa trẻ em vào diện lấy ý kiến. Pháp luật quy định bố mẹ có nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em về đất đai"- khi trao đổi về việc lấy ý kiến trẻ em đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

img

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Hùng Võ đã trao đổi với phóng viên Công dân và Khuyến học về việc lấy ý kiến trẻ em đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).


Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Hùng Võ:  Lấy ý kiến trẻ em về Dự luật Đất đai là “sáng tác” phi logic! - Ảnh 1.

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Xin chào Giáo sư Đặng Hùng Võ. Là một trong những chuyên gia quan tâm sâu sát tới việc góp ý kiến cũng như tiếp thu ý kiến vào Dự án Luật đất đai (sửa đổi), Giáo sư có thể cho biết về thành phần được tham gia góp ý cho Dự thảo Luật?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Việc tổ chức lấy ý kiến toàn dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta vì Luật Đất đai có liên quan mật thiết tới quyền và lợi ích của từng người dân. Người được giao quyền sử dụng đất được hưởng lợi và Nhà nước cũng được hưởng lợi. Đã nói đến hưởng lợi, tức là nói đến đo đếm, cân nhắc hơn thiệt giữa người này với người kia, giữa nhóm này với nhóm khác. Nhất là khi Nhà nước thu hồi đất của người này để giao cho nhà đầu tư kia lại biểu hiện xung đột lợi ích ở mức cao trào vì có người mất đất và có người được đất. Nếu khung pháp luật sơ xuất một chút, có khi trở thành to chuyện.

Vì vậy, vấn đề lấy ý kiến toàn dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có tầm quan trọng đặc biệt. Và do vậy, rất cần các nhóm người dân như nông dân, công nhân, quân nhân, doanh nhân, nhà đầu tư, hộ tiểu thương..., nhất là các nhóm người yếu thế như các hộ nông dân nghèo, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng cao..., phải biết rõ về Dự thảo Luật đổi mới thế nào, có gì thay đổi liên quan đến lợi ích của các nhóm.

Khi nhiều người hiểu rõ rồi thì góp ý sao cho có một Luật Đất đai tạo lợi ích được nhiều mặt, không ai bị thua thiệt, đảm bảo lợi ích công dân cũng như cho Nhà nước. Chính vì vậy mà Quốc hội rất muốn nghe đầy đủ ý kiến từ người dân, nhất là ý kiến của những người, những nhóm người sử dụng và hưởng lợi từ đất, hoặc mong muốn được sử dụng và hưởng lợi từ đất.

Gần đây, hầu hết các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội đều tổ chức các hội thảo về lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Tôi cho đấy là biểu hiện của dân chủ trong xây dựng luật của Nhà nước ta.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Hùng Võ:  Lấy ý kiến trẻ em về Dự luật Đất đai là “sáng tác” phi logic! - Ảnh 2.


Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Hùng Võ:  Lấy ý kiến trẻ em về Dự luật Đất đai là “sáng tác” phi logic! - Ảnh 3.

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Hiện nhiều người đang quan tâm và đưa ra nhiều luồng ý kiến về việc mới đây tại một trường trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều người cho rằng: các cháu đang tuổi đeo khăn quàng đỏ, còn chưa có căn cước công dân hay quyền bầu cử; Và rồi, những đứa trẻ chưa từng đọc luật, không có kiến thức pháp luật, cũng không có thực tế..., thì góp ý được gì? Quan điểm của Giáo sư về sự việc này như thế nào?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng sự kiện trên nếu có thì là "chuyện lạ có thực". Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy não lòng khi nhìn trẻ em Việt đang phải "bươn trải" với đám kiến thức đồ sộ in thành sách rồi chất lên đôi vai mảnh khảnh của các em. Tuổi thơ là quãng thời gian vô cùng quý báu của đời người. Người lớn đừng vô cảm lấy đi tuổi thơ quý báu của các cháu.

Vậy mà lại có việc bắt các em phải đọc những trang sách mà các em không đọc nổi và không hiểu nổi. Các cụ xưa hay ví đọc không hiểu gì thì như là "nhìn vào bức vách". Đối với người lớn mà ít quan tâm đọc còn không hiểu, huống chi là trẻ em. Hơn nữa, trẻ em đâu có liên quan gì tới đất đai mà góp ý. Khi chưa tới tuổi thành niên, em nào nhận thừa kế hay được cho/tặng quyền sử dụng đất cũng phải tìm người giám hộ thay mặt, vì các em đâu có hiểu gì luật pháp. Ngay người giám hộ không hiểu cũng phải thuê luật sư chỉ đường, vẽ lối mới rành.

Tôi nghĩ chắc đây cũng là "sáng tác" phi logic của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Sự thực, để góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi về bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em đối với đất đai thì hãy tổ chức một hội thảo chuyên đề, mời các luật sư, công chứng viên, bố mẹ học sinh tới dự và góp ý. Việc này có khó gì đâu, cũng đơn giản thôi mà.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Hùng Võ:  Lấy ý kiến trẻ em về Dự luật Đất đai là “sáng tác” phi logic! - Ảnh 4.

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Như vậy, việc lấy ý kiến trẻ em về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mang tính hình thức?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Theo tôi, việc làm này cũng không phải có ý đồ tạo hình thức mà là một "sáng kiến" tối nghĩa.

Tôi nhớ tới câu chuyên cười ra nước mắt thời Covid cách đây không lâu. Có một anh giữ trật tự đường phố khăng khăng rằng "bánh mì không phải là thực phẩm" nên không cho người dân đi mua bánh mì để ăn đi qua chỗ anh ta đứng gác. Đây là những hành vi không chỉ là vô nghĩa mà còn gây phản cảm trong cộng đồng.

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Nhiều người cho rằng, lấy ý kiến toàn dân về những vấn đề toàn dân mới là đúng, thưa ông?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Điểm cốt lõi là lấy ý kiến về cái gì thì xác định phải lấy ý kiến của đối tượng nào. Nếu lấy ý kiến về đối mới chính sách giáo dục phổ thông thì cần lấy ý kiến của trẻ em ở các lứa tuổi. Cũng phải thu nhận cả những mong muốn thể hiện bằng ngôn ngữ vụng dại của các em khuyết tật, từ đó người lớn chắt lọc để luật hóa thành văn bản luật. Nhưng đối với Luật Đất đai thì đừng đưa trẻ em vào diện lấy ý kiến. Bố mẹ có nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em về đất đai.

Đến đây, chúng ta cần thấy rõ lấy ý kiến toàn dân có nghĩa là công khai văn bản luật để ai muốn góp ý gì đều có quyền nói và ý kiến đó được Ban soạn thảo ghi nhận. Tuy nhiên, không được định hướng vào những nơi không thể có ý kiến để tổ chức hội thảo. Làm như vậy không bao giờ đạt được hiệu quả.

Nói vui, nếu có tổ chức hội thảo ở trường trung học cơ sở về dự thảo Luật Đất đai (sửa đối), vậy thì tại sao không lấy ý kiến của các lớp mẫu giáo, vì toàn dân phải góp ý mà! (Cười).

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Nhưng cũng có ý kiến cho rằng lấy ý kiến đối tượng trẻ em rất hữu ích vì Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế này, và cũng nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho trẻ em đóng góp ý kiến của mình vào việc xây dựng các quy định về đất đai?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Trên thế giới người ta rất quan tâm đến bảo vệ quyền và lợi ích của các nhóm dễ bị tổn thương (vulnerable groups), mà ở ta vẫn gọi là các nhóm yếu thế, vì các nhóm này không tự bảo vệ được quyền và lợi ích của mình. Đối với đất đai, các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm: các hộ nông dân nhỏ; các hộ nghèo; người khuyết tật; phụ nữ; đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trẻ em cũng thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhưng ở khía cạnh học hành, bạo lực học đường, suy dinh dưỡng và bạo lực gia đình, thường không xuất hiện là một nhóm dễ bị tổn thương liên quan đến đất đai. Tôi nhấn mạnh lại: Pháp luật quy định bố mẹ có nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em về đất đai, nếu không có bố mẹ thì phải có người lớn đủ năng lực và tư cách pháp lý làm giám hộ cho trẻ em!

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Hùng Võ:  Lấy ý kiến trẻ em về Dự luật Đất đai là “sáng tác” phi logic! - Ảnh 5.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Hùng Võ:  Lấy ý kiến trẻ em về Dự luật Đất đai là “sáng tác” phi logic! - Ảnh 6.

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Theo Giáo sư thì có giải pháp nào khác để việc lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa đảm bảo tính công khai dân chủ vừa đảm bảo đúng đối tượng?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Chuyện lấy ý kiến đúng đối tượng thì dễ thôi, hãy tập trung vào các nhóm người liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích gắn với đất đai. Trên thực tế, hộ gia đình nào cũng liên quan đến đất đai, ít nhất là mong tiết kiệm vài năm từ thu nhập mua được căn nhà làm chỗ che mưa, che nắng. Các hộ nông dân sống bằng nghề nông, "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", mà đất đai cứ bị thu hồi dần thì khó bề tồn tại. Đất bị thu hồi lại bỏ hoang nhìn mà "đứt ruột"... Các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh, bất động sản cũng là đối tượng quan tâm tới cách tiếp cận đất đai sao cho dễ dàng. Chính quyền các địa phương cũng mong có một Luật Đất đai dễ thực hiện mà không gây rủi ro trong quản lý đất đai, không gây ra những tình huông xã hội phức tạp.

Dự thảo Luật đã công khai đầy đủ trên mạng, đã công bố địa chỉ tiếp nhận ý kiến đóng góp, ai muốn góp ý gì cứ viết.

Vấn đề ở đây là đưa một cuốn Dự thảo Luật dày cộp, đặc những chữ, đọc rất khó hiểu thì hỏi rằng người dân bình thường nhận thức ra sao mà góp được ý. Như vậy, phương pháp lấy ý kiến cũng gặp những khó khăn. Rồi một câu hỏi được đặt ra tiếp là tập hợp được các ý kiến góp ý rồi thì tiếp thu ý kiến theo tiêu chí nào? Nếu không làm rõ những giải pháp này thì mới là lấy ý kiến mang tính hình thức.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Hùng Võ:  Lấy ý kiến trẻ em về Dự luật Đất đai là “sáng tác” phi logic! - Ảnh 7.

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Giai đoạn lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sắp kết thúc (từ 3/1/2023 đến hết ngày 15/3/2023), vậy, với những ý kiến đã tiếp thu mà Giáo sư biết thì liệu lần này có bảo đảm chất lượng, khả thi, hiệu quả cũng như phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân và góp phần tạo được không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước không?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Sự thực, tôi không dám nhận xét về tính thực khi mà câu hỏi này đề cập.

Thực tế đặt ra rất nhiều vấn đề khi Luật Đất đai 2013 có nhiều điều luật không còn phù hợp với phát triển đã gây ra ách tắc, làm giảm cung cả bất động sản nhà ở và bất động sản du lịch. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự ách tắc của thị trường bất động sản hiện nay. Người dân bị thu hồi đất khiếu nại vẫn có tỷ lệ cao, cán bộ quản lý đất đai rơi vào vòng lao lý ngày càng nhiều...

Nghị quyết 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành năm 2022 là một định hướng đúng cho việc xây dựng Luật Đất đai sửa đổi, đóng góp cho việc đưa nước ta trở thành nước công nghiệp có thu nhập cao vào năm 2045. Theo tôi, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi phải luật hóa bằng được, đầy đủ, đúng nghĩa Nghị quyết 18.

Đọc bản dự thảo đưa ra lấy ý kiến toàn dân, tôi chưa nhìn thấy hiệu quả của việc luật hóa Nghị quyết 18. Hy vọng, sau khi tiếp thu ý kiến toàn dân,chúng ta sẽ có một Dự thảo Luật Đất đai luật hóa chính xác được Nghị quyết 18 để trình Quốc hội.

Phóng viên Công dân và Khuyến học: Trân trọng cảm ơn Giáo sư. Hy vọng những mong muốn của Giáo sư sẽ thành hiện thực!


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-su-tien-si-khoa-hoc-dang-hung-vo-lay-y-kien-tre-em-ve-du-luat-dat-dai-la-sang-tac-phi-logic-17923031118270781.htm