Giáo dục trực tuyến – tương lai hậu đại dịch
Khi Việt Nam và phần lớn các quốc gia khác trên thế giới đều chọn giải pháp sống chung với Covid-19, thì liệu học trực tuyến có còn là hình thức giáo dục hấp dẫn?
Chưa bao giờ, giáo dục trực tuyến lại được nhắc đến nhiều như 2 năm qua. Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, toàn bộ học sinh chuyển sang hình thức học trực tuyến, dù là học sinh tiểu học hay sinh viên đại học.
Nhưng thời điểm hiện tại, khi Việt Nam cũng như phần lớn các quốc gia khác trên thế giới đều chọn giải pháp sống chung với Covid, thì liệu học trực tuyến có còn là hình thức giáo dục hấp dẫn? Tương lai nào cho giáo dục trực tuyến hậu đại dịch?
Mô hình giáo dục trực tuyến tại các quốc gia trên thế giới
Tháng 6 vừa qua, thành phố New York, Hoa Kỳ chính thức công bố sáng kiến "Trường học không tường rào" dành cho học sinh lớp 9 và hướng đến việc xây dựng trường học hoàn toàn trực tuyến vào năm 2023.
Sáng kiến "Trường học không tường rào" sẽ gồm 2 chương trình học: kết hợp học trực tuyến – trực tiếp và học trực tuyến hoàn toàn. Với hình thức kết hợp, học sinh sẽ học trực tiếp nửa ngày tại Brooklyn (một trong năm quận của thành phố New York) và hoàn thành nốt ngày học bằng hình thức trực tuyến. Những học sinh chọn hình thức còn lại sẽ tham gia các lớp học trực tuyến, đồng thời nhận được sự hướng dẫn ngay trong quá trình học.
Đại diện Sở Giáo dục thành phố New York cho biết: "Trường học ảo sẽ dành cho những em phải học tại nhà do vấn đề sức khỏe hoặc thậm chí bởi vì các em cảm thấy học trực tuyến sẽ mang đến kết quả học tập tốt hơn."
Ông Eric Adames – Thị trưởng thành phố New York nhận định: "Trải qua đại dịch Covid-19, rõ ràng, hệ thống giáo dục của chúng ta cần thay đổi để phù hợp hơn với các em học sinh, theo một cách chưa từng có. Trường học ảo này sẽ trao cho học sinh quyền tự do học tập để các em khám phá sở thích, phát triển tài năng của bản thân."
Hiện thành phố New York đang tiến hành các thủ tục cần thiết để cho phép học sinh nhận bằng tốt nghiệp qua hình thức này.
Trong khi đó, tại Indonesia, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ của xứ vạn đảo đã khởi xướng chương trình Merdeka Belajar (tạm dịch Tự do học tập). Đây là một chương trình gồm nhiều hợp phần, trong đó, giáo dục trực tuyến đóng vai trò là nền tảng học tập ngoài nhà trường nhằm giúp học sinh tìm hiểu kiến thức thực tế và học các kỹ năng cần thiết cho sự nghiệp.
Các chương trình học của Merdeka Belajar có thể tiếp cận thông qua website hoặc ứng dụng trên điện thoại di động.
Giáo dục trực tuyến có thể đóng góp như thế nào tại Việt Nam?
Việt Nam là một quốc gia có quy mô hơn 53.000 trường học với khoảng 24 triệu học sinh sinh viên. Nếu được triển khai một cách đồng bộ và thống nhất, giáo dục trực tuyến có thể mang đến hiệu quả không nhỏ.
Thứ nhất, giáo dục trực tuyến góp phần thu hẹp bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Với thế mạnh học mọi lúc mọi nơi, giáo dục trực tuyến sẽ giúp học sinh khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa có cơ hội tiếp cận nguồn giáo dục chất lượng cao. Thử tưởng tượng, một học sinh không phân biệt khu vực sinh sống, không phân biệt hoàn cảnh gia đình có thể học với những giáo viên hàng đầu cả nước, thông qua một nền tảng học tập công nghệ quốc gia thống nhất. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng học tập tại những khu vực vốn có ít cơ hội thụ hưởng giáo dục chất lượng cao.
Bên cạnh đó, giáo dục trực tuyến cũng có thể đáp ứng nhu cầu học tập các kỹ năng cần thiết cho sự phát triển của mỗi các nhân. Học tập không chỉ phục vụ việc thi cử mà còn hướng mỗi cá nhân đến việc phát triển năng lực, phục vụ sự nghiệp hay xa hơn là trở thành công dân toàn cầu.
Chuyển đổi số giáo dục, bao gồm việc xây dựng hệ sinh thái học tập trực tuyến là 1 trong 8 nhiệm vụ được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2040.
Năm ngoái, phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á lần thứ 51, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng một lần nữa khẳng định ưu tiên mang tính chiến lược của nền giáo dục Việt Nam đó là: "xây dựng các nền tảng hỗ trợ học tập tại nhà, học tập từ xa; hệ sinh thái học tập thích ứng kết hợp trực tuyến và trực tiếp."
Chiến lược này đã phần nào được cụ thể hóa qua Chương trình Giáo dục thường xuyên mới cấp Trung học Phổ thông được ban hành mới đây. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo "khuyến khích các địa phương tổ chức các hình thức dạy học kết hợp giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo."
Đây có thể xem là bước tiến trong việc xây dựng mô hình học tập mới, phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay. Tuy nhiên, mô hình này mới chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp. Để giáo dục trực tuyến đóng vai trò quan trọng, mang lại hiệu quả thực chất và có tác động sâu rộng, thì chắc chắn sẽ cần một tầm nhìn tổng thể và kế hoạch cụ thể hơn nữa.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-duc-truc-tuyen-tuong-lai-hau-dai-dich-17922080511105967.htm